Ngàn năm tơ lụa Việt

Nghề tơ lụa đã có lịch sử hàng nghìn năm gắn liền với đời sống văn hóa người Việt

Theo dấu tằm tơ – Giới thiệu nghề nuôi tằm dệt lụa truyền thống Việt Nam

Vải sợi tre: Khi thời trang phải đi cùng với bền vững và lành mạnh

Những phong tục truyền thống ngày 30 Tết

Ưu - nhược điểm các loại vải phổ biến nhất bạn vẫn mặc mỗi ngày

Lịch sử ghi nhận Trung Quốc là quốc gia đầu tiên tìm ra cách trồng dâu nuôi tằm, lấy kén ươm tơ, dệt lụa, từ khoảng 5.300 năm trước. Tơ lụa thời đó được dành riêng cho vua chúa và hàng quý tộc, sau này tơ lụa mới được bán sang các nước khác, nhờ đó, con đường tơ lụa mới được hình thành.

Ngay từ những ngày đầu, lụa tơ tằm đã khiến cho giới quý tộc phương Tây mê mẩn bởi những đặc tính kỳ diệu của chúng: óng ánh, mềm mỏng, đông ấm, hè mát! Thậm chí có thời kì, nó còn có giá trị cao hơn cả vàng, được sử dụng như một đơn vị tiền tệ trong việc giao thương, mua bán, trao đổi hàng hóa giữa các quốc gia trên con đường tơ lụa huyền thoại. Có thể nói, lụa tơ tằm chính là sợi dây gắn kết phương Đông và phương Tây từ cả nghìn năm trước!

Tranh minh họa đoàn thương nhân trên con đường tơ lụa huyền thoại

Tranh minh họa đoàn thương nhân trên con đường tơ lụa huyền thoại

Kỹ nghệ của nghề trồng dâu nuôi tằm dệt lụa đã được người phương Đông tích luỹ trong nhiều năm, trở thành một di sản nghìn đời mang ý nghĩa giá trị lịch sử và văn hóa đặc biệt. Trong nhiều thế hệ, các vương triều Trung Hoa đã cố gắng giữ bí mật về việc sản xuất lụa tơ tằm nhằm giữ thế độc quyền. Tuy nhiên, dù cố giữ nhưng bí mật về con tằm vẫn lộ ra bên ngoài và tơ lụa không còn là độc quyền riêng của người Trung Hoa. Với yêu cầu khí hậu và thổ nhưỡng đặc thù, đến nay, nghề trồng dâu nuôi tằm phục vụ cho việc sản xuất tơ lụa vẫn chỉ giới hạn ở một số nước ở châu Á, trong đó có Việt Nam, và gần đây có thêm Brazil.

Việt Nam – Truyền thống nghìn năm tơ lụa

Trong đời sống văn hóa Việt Nam từ ngàn xưa, cây dâu tằm và cùng với đó là nghề dệt lụa có một vị trí hết sức đặc biệt. Nó đã đi vào tâm hồn người Việt của nhiều thời đại, gắn bó chặt chẽ với sinh mệnh của nhiều thế hệ, nhiều tầng lớp xã hội, qua sinh hoạt hàng ngày, qua phong tục tập quán, qua ca dao - tục ngữ, qua những áng văn chương,… Câu tục ngữ “Làm ruộng ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng” chính là những lời mô tả sự tần tảo của nghề trông dâu, nuôi tằm, dệt lụa truyền thống của nước ta. 

Nghề trồng dâu nuôi tằm đã gắn liền với văn hóa dân gian Việt Nam từ lâu

Nghề trồng dâu nuôi tằm đã gắn liền với văn hóa dân gian Việt Nam từ lâu

Nuôi tằm dệt vải đã xuất hiện, tồn tại và phát triển trong dân gian Việt Nam từ hàng ngàn năm nay. Tương truyền, Công chúa Thiều Hoa, con gái vua Hùng thứ VI, là bà tổ nghề tằm tang, người đã giúp nhân dân biết trồng dâu, biết nuôi tằm, quay tơ và dệt vải. Dấu tích về tổ nghề dệt này hiện vẫn lưu tại làng Cổ Đô với câu ca dao: “Lụa này thật lụa Cổ Đô - Chính tông lụa cống, các cô ưa dùng”. Vào thời nhà Lý, nhờ chính sách phát triển ngành dệt của các vua nhà Lý nên ngành dệt của nước ta khi đó phát triển vượt bậc. Sử sách ghi lại, 300 năm trước, tơ lụa Việt Nam đã được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới theo “con đường tơ lụa trên biển” nổi tiếng thời bấy giờ. Đây chính dấu mốc thời kỳ Nam tiến mở mang bờ cõi của các chúa Nguyễn, gắn liền với dấu ấn Bà Chúa Tằm Tang Đoàn Thị Ngọc (tức Đoàn Quý Phi hay sau là Hiếu Chiêu Hoàng Hậu) đã góp công sức lớn trong việc khuyến khích nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa tại cảnh thị Hội An phát triển cực thịnh hồi thế kỷ 17.

Nhờ đó, Việt Nam đã được thế giới nhìn nhận như một quốc gia có lịch sử nghề tơ lụa lâu đời, trải qua hàng nghìn năm với nhiều vùng trồng dâu nuôi tằm và dệt lụa nổi tiếng như Cổ Đô, Vạn Phúc (Hà Nội), Nha Xá (Hà Nam), Cổ Chất (Nam Định), Duy Duyên, Mã Châu (Quảng Nam), Tân Châu (An Giang),... và đặc biệt là Bảo Lộc (Lâm Đồng).

Bảo Lộc (Lâm Đồng) được xem là “Thủ phủ tơ tằm” của Việt Nam. Nơi đây hội tụ đầy đủ các yếu tố cần và đủ để phát triển bền vững nghề tơ lụa truyền thông, từ vốn quý cổ truyền, với vùng nguyên liệu mênh mông, chất lượng tơ tằm hiếm có, cùng sự tài hoa và tâm sức của những người thợ cần cù, khéo léo kết hợp với dây chuyền máy móc hiện đại được chuyển giao từ các chuyên gia Nhật Bản, Hàn Quốc. Bảo Lộc hiện chiếm khoảng 70% giá trị sản lượng tơ tằm của cả nước. Ở đây, nghề tơ tằm phát triển quy mô lớn và gần như khép kín với tất cả các khâu từ trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa, nhuộm cho đến làm ra các loại sản phẩm hoàn thiện. Nhờ đó, “Thủ phủ tơ tằm” đã tạo nên những tấm lụa thượng hạng, mang sắc thái văn hóa truyền thống của người Việt Nam và được thế giới đánh giá cao.

Hình ảnh người phụ nữ bên khung cửi dệt tơ tằm than thuộc trong nhiều câu ca dao – tục ngữ

Hình ảnh người phụ nữ bên khung cửi dệt tơ tằm than thuộc trong nhiều câu ca dao – tục ngữ

Cơ hội phát triển lụa “Made in Vietnam”

Cho đến nay lụa tơ tằm vẫn là một dòng vải lụa đặc biệt, vượt khỏi các loại vải thông thường khác vì sự ưu việt khi khoác lên người. Nhắc đến lụa người ta nhớ ngay đến vẻ đẹp thanh lịch cùng vương giả đã được định hình qua nghìn năm lịch sử.

Theo ông Lê Ngọc Vân – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương (VIETSERI), dù trải qua nhiều biến cố lịch sử cùng sự ra đời của các loại sợi nhân tạo (như rayon, nylon,…) đã làm thay đổi nhu cầu may mặc của con người, nhưng “Tơ tằm vẫn giữ được vị trí Hoàng hậu trong ngành dệt may bởi những đặc tính không thể thay thế. Tơ tằm là loại sợi tự nhiên duy nhất có độ dài liên tục, mang nhiều đặc tính quý báu và thân thiện với cuộc sống con người.” Ông cũng cho biết thêm, nhu cầu tơ tằm không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới ngày càng tăng.

Những năm gần đây, trong nền kinh tế thị trường, các làng nghề dệt lụa đang dần chuyên môn hoá các mặt hàng, các công đoạn hay quy mô sản xuất, phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hoá. Nhiều mặt hàng lụa mới đã ra đời, chất lượng, mẫu mã sản phẩm tiếp tục được nâng cao. Chia sẻ về lụa với các nhà ngoại giao nữ và các phu nhân đại sứ trong sự kiện mang tên “Theo dấu tằm tơ - Following Traces of Silk” , bà Văn Thị Hằng - nhà sáng lập DeSilk, dòng lụa cao cấp được tuyển chọn từ những sợi tơ tằm thượng hạng 100% tự nhiên, cho biết, Việt Nam hiện nằm trong TOP 4 các quốc gia có nghề dâu tằm đang phát triển mạnh mẽ. Tin rằng đây sẽ những động lực để Việt Nam tiếp tục duy trì và phát huy nghề tơ lụa truyền thống, khẳng định vị thế và chất lượng các sản phẩm tơ lụa “Made in Vienam” đến với bạn bè quốc tế.

Cũng trong sự kiện này, Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương và các nhà sản xuất lụa ở Việt Nam đã trưng bày và giới thiệu nhiều sản phẩm lụa vô cùng ấn tượng, trong đó, bà Văn Thị Hằng đã giới thiệu những sản phẩm lụa mang dấu ấn riêng, thiết kế đặc biệt lấy cảm hứng từ thiên nhiên và văn hóa truyền thống Việt Nam với công nghệ in tiên tiến để tạo ra những họa tiết độc đáo cùng hiệu ứng chuyển sắc 3D tinh tế. 

Phơi lụa tại “Thủ phủ tơ lụa” Bảo Lộc

Phơi lụa tại “Thủ phủ tơ lụa” Bảo Lộc

 
Ngọc Link
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Văn hóa