"Chất lạ" bí ẩn trong sản phẩm của Kobayashi?

Ông Akihiro Kobayashi, Chủ tịch Công ty dược phẩm Kobayashi, chủ trì cuộc họp báo ở thành phố Osaka, Nhật Bản ngày 29/3 - Ảnh: Kyodo.

Người thứ 5 tử vong liên quan đến sản phẩm của Kobayashi, bê bối lan rộng

Nhật Bản: Thêm 2 ca tử vong sau khi dùng sản phẩm chứa men gạo đỏ

Dầu cá và men gạo đỏ có giúp giảm cholesterol?

Một hãng dược Nhật thu hồi sản phẩm gây tổn thương thận, Bộ Y tế ra cảnh báo

"Chất lạ" bí ẩn

Theo Kyodo News, trong cuộc họp báo ngày 29/3, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản và lãnh đạo Kobayashi cho biết, cuộc kiểm tra mới đây của công ty đã tìm thấy acid puberulic trong các sản phẩm gạo men đỏ, một hợp chất tự nhiên được sinh ra từ nấm mốc xanh mà công ty trước đó không dự đoán xuất hiện trong sản phẩm của mình.

Chủ tịch Công ty Dược phẩm Kobayashi Akihiro Kobayashi cho biết: “Xác định nguyên nhân và ngăn chặn sự cố xảy ra lần nữa là trách nhiệm của chúng tôi. Với tư cách là người đứng đầu công ty, tôi đảm bảo sẽ thực hiện được điều đó”.

Theo ông Kobayashi, chất được đề cập “có thể có nguồn gốc từ nấm mốc" nhưng hiện vẫn chưa xác định được cấu trúc hóa học của chất này.

Chủ tịch công ty Kobayashi cũng cho biết, hiện vẫn chưa rõ liệu chất này có liên quan đến các vấn đề về sức khỏe của người dùng hay không. Công ty này thông tin 5 ca tử vong là những người trong độ tuổi 70-90 và không tiết lộ thêm thông tin về nạn nhân.

Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, acid puberulic là một chất kháng khuẩn, chống sốt rét mạnh và có thể gây độc. Bộ cho biết một cơ sở nghiên cứu của chính phủ sẽ tiến hành kiểm tra thêm về chất này với sự hợp tác của Kobayashi. Nhưng cho đến nay, không có nghiên cứu nào liên kết trực tiếp acid puberulic với các vấn đề về thận, theo Asahi Shimbun.

Theo Japan Times, đến hiện tại, Nhật Bản đã ghi nhận 5 ca tử vong và 114 ca nhập viện liên quan tới sản phẩm chứa men gạo đỏ của Kobayashi. Ngoài ra, còn khoảng 680 người khác mong muốn được điều trị ngoại trú vì có các triệu chứng nghi ngờ liên quan đến sản phẩm, phần lớn đến từ sản phẩm bổ sung "Beni-koji choleste help", được cho là giúp giảm mức cholesterol LDL, đã được thu hồi.

Tại cuộc họp báo ở Osaka, đã có nhiều câu hỏi về phản ứng chậm chạp của ban lãnh đạo công ty trước các vấn đề liên quan đến sức khỏe của người tiêu dùng.

Công ty thừa nhận lần đầu tiên họ nhận thấy có một vấn đề tiềm ẩn là vào tháng 1/2024 nhưng họ đã không công khai vấn đề này cho đến ngày 22/3. Đại diện Kobayashi cho biết, công ty đã mất nhiều thời gian để công khai các vấn đề vì họ gặp khó khăn trong việc xác định nguyên nhân.

Hậu quả của vụ bê bối đã lan rộng ra nước ngoài. Truyền thông Đài Loan (Trung Quốc) ngày 28/3 đưa tin một phụ nữ sử dụng thực phẩm bổ sung có chứa men gạo đỏ của công ty đã được chẩn đoán mắc suy thận cấp.

Trước đó, nhà sản xuất thuốc đã thông báo vào ngày 22/3 rằng những người dùng các sản phẩm bổ sung chứa men gạo đỏ đang gặp phải các triệu chứng như bệnh thận.

Chính phủ Nhật Bản chính thức nhập cuộc, vấn đề ngày càng phức tạp

Các quan chức Bộ Y tế và chính quyền thành phố Osaka kiểm tra một nhà máy của Công ty Kobayashi ở Osaka ngày 30/3 - Ảnh: Kyodo

Các quan chức Bộ Y tế và chính quyền thành phố Osaka kiểm tra một nhà máy của Công ty Kobayashi ở Osaka ngày 30/3 - Ảnh: Kyodo

Theo Asahi Shimbun, cuộc khám xét ngày 30/3 đánh dấu lần đầu tiên chính quyền thành phố chính thức tiến hành một cuộc điều tra tại bất kỳ cơ sở nào của Công ty Dược phẩm Kobayashi có trụ sở ở Osaka, liên quan đến những mối lo ngại về sức khỏe đối với người tiêu dùng sau khi sử dụng các sản phẩm chứa men gạo đỏ beni-koji đang ngày càng gia tăng tại Nhật Bản.

Đến nay, chính quyền thành phố Osaka đã ra chỉ thị chính thức yêu cầu Kobayashi thu hồi 3 sản phẩm có chứa thành phần beni-koji. Chính quyền dự kiến sẽ tiếp tục đưa ra thêm một chỉ thị khác nhằm mục đích tiêu hủy các sản phẩm này ngay khi đã hoàn tất quá trình thu hồi. Tuy nhiên, việc này có thể phải mất nhiều tháng mới có thể hoàn thành.

Cũng trong hôm 30/3, đại diện công ty Kobayashi cho hay họ không hiểu tại sao acid puberulic lại có thể bị lẫn vào thành phần beni-koji. Vấn đề phức tạp hơn nữa là có nhiều loại độc tố nấm mốc có liên quan đến các vấn đề về thận. Một là citrinin, có thể được tạo ra bởi nấm mốc beni-koji. Một loại khác là ochratoxin A, được tạo ra bởi một loại nấm mốc khác.

Nhưng puberulic acid lại không được coi là độc tố nấm mốc. 

Naoaki Ono, phó giáo sư sinh học tại Viện Khoa học và Công nghệ Nara, đã tiến hành phân tích DNA trên nấm mốc beni-koji trong một dự án nghiên cứu chung với Công ty dược phẩm Kobayashi. Ông kết luận rằng khả năng nấm mốc beni-koji tạo ra acid puberulic là rất thấp.

Trong thời gian tới, Viện Khoa học Sức khỏe Quốc gia Nhật Bản sẽ vào cuộc để làm rõ tại sao acid puberulic lại xuất hiện trong beni-koji.

 

Những lo ngại về sản phẩm bổ sung men gạo đỏ đã xuất hiện vào tuần trước, khi Công ty Dược phẩm Kobayashi ban đầu thông báo rằng 13 người dùng sản phẩm này đã gặp các vấn đề sức khỏe như bệnh thận, sau đó con số này ngày càng tăng.

Với tư cách là nhà cung cấp men gạo đỏ làm nguyên liệu thực phẩm, Kobayashi cũng đã tự nguyện thu hồi các sản phẩm sử dụng men gạo đỏ của mình, do sự cố này ảnh hưởng đến nhiều loại sản phẩm bao gồm rượu sake, bánh kẹo, bánh mì và miso.

Men gạo đỏ "beni-koji" vốn được sử dụng để tạo màu và tạo hương vị. Nó có nguồn gốc từ gạo đỏ ủ chung với nấm Monascus purpureus.

Hiệp Nguyễn (Theo Japantimes/Kyodo News/Asahi Shimbun)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn