Nhật Bản: Thêm 2 ca tử vong sau khi dùng sản phẩm chứa men gạo đỏ

Trụ sở nhà máy của công ty dược phẩm Kobayashi ở Osaka - Ảnh: Kyodo News.

Bệnh viện K và Bệnh viện Đại học Nagoya hợp tác nghiên cứu về ung thư

Học hỏi giải pháp chăm sóc sức khỏe người cao tuổi từ quốc gia “siêu già”

Dầu cá và men gạo đỏ có giúp giảm cholesterol?

Một hãng dược Nhật thu hồi sản phẩm gây tổn thương thận, Bộ Y tế ra cảnh báo

Theo Kyodo News, báo cáo cho biết, trường hợp đầu tiên tử vong vì suy thận cấp, sau khi dùng thực phẩm bổ sung chứa men gạo đỏ (beni-koji) trong khoảng 3 năm. Người này đã đặt mua tổng cộng 35 gói "beni-koji choleste help” kể từ tháng 4/2021 đến tháng 2/2024.

Công ty Kobayashi được gia đình nạn nhân thông báo về ca tử vong qua email vào ngày 23/3. Tuy nhiên đến ngày 26/3, họ mới chú ý đến nó, vì hòm thư tràn ngập các câu hỏi từ người dùng. Công ty đã gặp gỡ gia quyến để tìm cách xác nhận triệu chứng của nạn nhân và các chi tiết khác liên quan đến việc sử dụng sản phẩm của người này.

Ca tử vong thứ hai đang được Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản điều tra thêm. Số người nhập viện sau khi dùng sản phẩm trên cho đến nay cũng đã tăng lên 106 người.

Chính phủ Nhật Bản cho biết, họ sẽ tiến hành kiểm tra khẩn cấp loại thực phẩm bổ sung thuộc trách nhiệm của nhà sản xuất gây ra sự việc, bao gồm một danh mục khoảng 6.000 sản phẩm liên quan.

Trước đó, ngày 25/3, Công ty Dược phẩm Kobayashi (Nhật Bản) cho biết, ít nhất 26 người đã phải nhập viện vì tổn thương thận và các vấn đề sức khỏe khác sau khi dùng thực phẩm bổ sung có thành phần men gạo đỏ (beni-koji).

Hãng xác nhận những con số này thông qua một dịch vụ tư vấn qua điện thoại mới được thiết lập cho những cá nhân bị ảnh hưởng bởi sản phẩm trên.

Tuần trước, sau khi nhận được phản ánh của người dùng gặp vấn đề về sức khỏe, Kobayashi đã tự nguyện thu hồi 5 sản phẩm bao gồm khoảng 300.000 gói beni-koji. Lệnh thu hồi được mở rộng trên toàn quốc, bao gồm các mặt hàng thực phẩm và gia vị có thành phần là beni-koji. Men gạo đỏ được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau trong ngành công nghiệp thực phẩm, chẳng hạn tạo màu và tạo hương vị, theo NHK.

Chủ tịch Akihiro Kobayashi tổ chức họp báo tự nguyện thu hồi sản phẩm và cúi đầu xin lỗi công chúng do các vấn đề sức khỏe liên quan đến sản phẩm - Ảnh: Kyodo News/AP

Chủ tịch Akihiro Kobayashi tổ chức họp báo tự nguyện thu hồi sản phẩm và cúi đầu xin lỗi công chúng do các vấn đề sức khỏe liên quan đến sản phẩm - Ảnh: Kyodo News/AP

Hiện giới chức y tế Nhật Bản chưa xác nhận được chất độc cụ thể trong sản phẩm bổ sung beni-koji hay nguyên nhân chính khiến hai người dùng tử vong. Tuy nhiên, một số công ty phân phối trong và ngoài nước cũng đã thu hồi sản phẩm.

Tại Trung Quốc, việc bán các sản phẩm trực tuyến do nhà sản xuất tự nguyện thu hồi đã bị đình chỉ. Sản phẩm cũng đã ngừng lưu hành tại Đài Loan. Theo truyền thông Trung Quốc, có thể quá trình lên men beni-koji đã sản sinh ra chất citrinin độc hại, dẫn đến bệnh thận. Tuy nhiên, Công ty Kobayashi khẳng định sản phẩm không có thành phần citrinin.

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) thông báo, hiện nay Việt Nam chưa cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm hay Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm cho 4 sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe của Công ty Dược phẩm Kobayashi, gồm: Beni-koji choleste-help; Naishi-help plus cholesterol; Natto-kinase sarasara-tsubu gold; Kobayashi Naishi Help 30.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân không tự ý mua, sử dụng thuốc trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên thị trường, chỉ sử dụng các thuốc đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành để đảm bảo chất lượng, hiệu quả điều trị và sức khỏe.

Theo Cục Quản lý Dược, việc mua, bán sử dụng các thuốc không được phép lưu hành trên thị trường này là vi phạm nghiêm trọng quy định của Luật Dược và tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân và nguy cơ thuốc giả, thuốc nhập lậu.

Thuốc mua trên mạng hay sàn giao dịch điện tử rất khó kiểm soát được nguồn gốc cũng như chất lượng thuốc, nhiều thuốc giả được quảng cáo thổi phồng công dụng, sai chỉ định. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ nguy hiểm tới sức khỏe của người sử dụng thuốc. Người dân, nên mua thuốc tại các địa chỉ tin cậy, tuyệt đối không mua thuốc “xách tay”, các thuốc được bán trên mạng được quảng cáo sản xuất tại các quốc gia phát triển, vì các loại thuốc này chưa được các cơ quan quản lý kiểm soát về nguồn gốc, chất lượng.

 
Hiệp Nguyễn (Theo NHK/Kyodo News)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin