Tôn trọng tự do của trẻ

Bố mẹ nên biết cách tôn trọng tự do của trẻ 1
Bạn có thể cho trẻ chơi điện tử nhưng nên giới hạn về mặt thời gian. Ảnh minh họa: Bảo Châu

Không tự ý xâm phạm tự do của trẻ

Mặc dù là con một trong gia đình, nhưng ngay từ khi 2 tuổi, bé Gia Bảo đã được bố mẹ đưa vào “khuôn khổ” bằng một loạt những phép tắc liên quan đến “được phép” và “không được phép”. Gia Bảo cũng rất thấm nhuần phép tắc của gia đình nên bố mẹ bé không mấy khi bị lâm vào tình huống khó xử như nhiều bậc cha mẹ khác trước những vòi vĩnh hết thứ này đến thứ khác của con ở siêu thị hay công viên.

Cuối tuần vừa rồi, Gia Bảo được ông bà nội đón sang chơi. Khi trở về nhà, bé tìm mãi chiếc ô tô điều khiển mà không thấy. Gia Bảo sốt sắng chạy vào phòng bếp hết hỏi bà giúp việc lại đến mẹ nhưng không ai biết. Gia Bảo lại hì hục vào phòng của mình lật tung tủ đồ chơi để tìm nhưng vẫn không thấy. Đúng lúc đó bố trở về nhà, biết chuyện, bố bảo: “Bố đã cho em Minh nhà chú Thắng rồi. Sáng nay em Minh đến chơi, thấy em ấy thích chiếc ô tô này nên bố đã cho”. Chưa kịp nghe hết câu nói của bố, Gia Bảo đã lăn đùng ra nhà khóc lóc bắt đền. Ông bố vội vàng ra cửa hàng đồ chơi gần nhà mua một chiếc ô tô giống hệt như thế nhưng vẫn không xoa dịu được cơn hờn của cậu con trai 6 tuổi.

Tương tự, chị Phương Lan cũng đang phải đau đầu tìm mọi cách làm lành với cô con gái 8 tuổi vì chị đã vô tình đem đồ chơi và quần áo cũ của con gái mình cho con người em họ dưới quê. Một ngày, con gái chị mang quần áo, đồ chơi trong tủ của mình ra sắp xếp lại và bỗng phát hiện những thứ đã bị mất. Bé vội vàng lao sang phòng mẹ hỏi, người mẹ thú nhận đã cho người em họ dưới quê. Ngay lập tức, mặt bé gái đỏ phừng, đôi mắt rưng rưng nước, cặp môi run rẩy lên vì tức giận. Bé chạy vụt về phòng lăn ra giường khóc dữ dội. Chị Lan đã dỗ con bằng cách sẽ mua đền lại đồ chơi, quần áo mới nhưng con gái chị vẫn không nín khóc và bỏ qua cho mẹ.

Theo nhà tâm lý Đinh Đoàn, trường hợp này những bậc cha mẹ đã vô tình xâm phạm sự tự do của trẻ. Vì vậy, muốn rèn luyện cho trẻ nếp sống kỷ luật thì chính các bậc cha mẹ phải thực hiện nghiêm túc những phép tắc đã đặt ra. Chẳng hạn nếu không cho trẻ tự do lục lọi đồ đạc của bố mẹ thì cha mẹ cũng không được tự ý cho hay vứt đồ đạc của trẻ khi chưa hỏi ý kiến chúng. Hoặc khi cha mẹ dạy con tính thật thà nhưng lại thường xuyên nói dối trước mặt trẻ thì sẽ rất khó rèn luyện cho trẻ vì trẻ thường noi gương từ chính cha mẹ.
Tự do trong khuôn khổ

Cũng theo nhà tâm lý Đinh Đoàn, nếu các bậc cha mẹ luôn áp đặt khuôn phép với trẻ mà không cho trẻ có một khoảng tự do riêng cũng dễ khiến trẻ bực bội, căng thẳng dẫn tới phản ứng bằng cách đối đầu lại với cha mẹ. Vì vậy, tự do trong giới hạn cho phép là một điều cần thiết.

Chẳng hạn nên giới hạn thời gian được phép xem ti vi, chơi điện tử trong ngày/tuần hay dành cho trẻ một phòng với những đồ chơi yêu thích. Ở đây, trẻ được phép chơi thoải mái. Nhưng khi ra phòng khách hay sang phòng của ông, bà, bố, mẹ không được phép lục tung mọi thứ hoặc xuống bếp không được sờ mó nghịch ngợm vào dao, vào bếp ga hay nồi cơm điện khi đang nấu. Nếu gia đình chật không có phòng riêng, nên dành cho trẻ một khoảng tự do bằng cách dành cho bé một ngăn kéo trong tủ đựng quần áo, một ngăn kéo đựng đồ chơi để trẻ có thể tự sắp xếp quần áo và đồ chơi theo ý của mình. Hoặc có thể tự do mở ra, đóng vào mà không bị ai cấm đoán. Khi đến nhà người khác thì không tự ý lấy đồ đạc chơi hoặc khi chơi ra về thì phải để đồ chơi lại chỗ cũ cho gia chủ, không được phép im ỉm nhét túi mang về hoặc xin xỏ gây khó cho gia chủ…

Khi trẻ vượt quá giới hạn của sự cho phép, cha mẹ có thể dùng lời nói và hành động nghiêm khắc chứ không nên sử dụng roi vọt. BS Phạm Ngọc Thanh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM) cho rằng, cách tốt nhất là cô lập trẻ ở một nơi an toàn, không có đồ chơi hấp dẫn như ngồi yên trên một chiếc ghế. Thời gian ngồi yên tùy lứa tuổi của trẻ: Một phút cho một tuổi (ví dụ một trẻ 4 tuổi bị phạt ngồi yên trong 4 phút). Có thể áp dụng biện pháp này cho các bé từ 1 tuổi. Nếu trẻ nhỏ không thể ngồi yên, thì cha mẹ có thể đứng sau lưng trẻ và giữ nhẹ nhưng chặt hai vai trẻ hoặc giữ trẻ ngồi trên đùi và nói: “Vì con bị phạt nên mẹ giữ con ở đây”. Trong vòng 2 tuần, trẻ sẽ tự giác đến ngồi yên trên ghế ở nơi cô lập. Không nên nhốt trẻ vào nhà vệ sinh hoặc trong phòng tối. Sau thời gian cô lập, cha mẹ không bình luận gì cả và cho trẻ làm một sinh hoạt khác. Nếu muốn bàn bạc về hành vi xấu, thì nên chờ một dịp khác.
Liên quan đến việc không nên sử dụng roi vọt với trẻ, BS Phạm Ngọc Thanh cho rằng có thể ngay lúc bị đánh, trẻ không dám thực hiện hành vi không được cha mẹ mong muốn. Tuy nhiên, cách trừng phạt này có thể gây nhiều hậu quả tai hại như sau:

Dạy trẻ trở nên hung hăng, dễ nổi giận thay vì dạy trẻ ý thức trách nhiệm.

Hành vi đánh trẻ cho thấy người lớn bất lực, không tự chủ về cảm xúc của mình và trút cơn giận lên trẻ.

Gây chấn thương trong cơ thể trẻ và gây sang chấn tâm lý cho trẻ.

Sau này khi lớn lên, có thể trẻ sẽ trở thành trầm cảm, nghiện rượu, dễ nổi giận. Hậu quả là trong gia đình, vợ chồng đánh nhau và đánh con cái. Trong trường, thầy cô đánh học sinh. Ngoài xã hội, có nhiều bạo lực và án mạng gây chết người.
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ