Hiểu về bệnh vảy nến và cách điều trị

Bệnh vảy nến không chỉ gây khó chịu mà còn ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh

5 biện pháp tự nhiên chữa vảy nến da đầu tại nhà

Phương pháp giảm vảy nến da đầu tại nhà đơn giản mà hiệu quả

Vảy nến mùa lạnh và cách kiểm soát từ thảo dược tự nhiên

Thực phẩm siêu chế biến có thể tăng nguy cơ mắc vảy nến

Bệnh vảy nến là một tình trạng tự miễn mạn tính, đặc trưng bởi sự gia tăng tốc độ sản xuất tế bào da, dẫn đến các mảng da dày, đỏ, có vảy, thường gặp ở khuỷu tay, đầu gối, da đầu và lưng.

Nguyên nhân nào gây bệnh vảy nến?

Bệnh vảy nến phát triển khi hệ thống miễn dịch hoạt động quá mức, nhưng lý do chính xác tại sao điều này xảy ra vẫn chưa được hiểu đầy đủ. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã nhận thấy một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của bệnh gồm:

- Di truyền: Nếu trong gia đình có người bị bệnh vảy nến, nguy cơ mắc bệnh của bạn sẽ cao hơn.

- Hệ thống miễn dịch: Bệnh vảy nến được xem là một bệnh tự miễn, trong đó hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công nhầm các tế bào da khỏe mạnh, gây ra tình trạng viêm và sự phát triển quá nhanh của tế bào da.

- Các tác nhân gây bệnh khác: Bao gồm căng thẳng, nhiễm trùng (như viêm họng liên cầu khuẩn), chấn thương da (vết cắt, vết bỏng, vết côn trùng cắn), một số loại thuốc, thời tiết lạnh hoặc khô, hút thuốc và sử dụng nhiều rượu.

Có những loại vảy nến nào?

Bệnh vảy nến có nhiều loại khác nhau, mỗi loại có những đặc điểm riêng. Các loại vảy nến phổ biến như:

- Vảy nến mảng: Là loại phổ biến nhất, biểu hiện với các mảng đỏ nổi lên phủ vảy trắng bạc.

- Bệnh vảy nến giọt: Là một dạng của bệnh vảy nến, đặc trưng bởi sự xuất hiện của các đốm nhỏ, hình giọt nước, màu đỏ hoặc hồng, có vảy trên da. Bệnh thường gặp ở trẻ em và người trẻ tuổi.

Vảy nến thể giọt xuất hiện rải rác trên cơ thể

Vảy nến thể giọt xuất hiện rải rác trên cơ thể

- Bệnh vảy nến đảo ngược: Là một dạng của bệnh vảy nến, đặc trưng bởi các mảng da đỏ, sáng bóng và không có vảy, thường xuất hiện ở các nếp gấp da như nách, dưới vú, hoặc quanh bẹn.

- Vảy nến mủ: Đặc trưng bởi các nốt mụn mủ trắng trên nền da đỏ, có thể gây đau và nghiêm trọng hơn các dạng vảy nến khác.

- Vảy nến đỏ da toàn thân: Là một dạng hiếm gặp và nghiêm trọng của bệnh vảy nến, đặc trưng bởi tình trạng da đỏ, bong tróc trên diện rộng, có thể đe dọa tính mạng và cần được chăm sóc y tế ngay lập tức.

Triệu chứng của bệnh vảy nến

Các triệu chứng của bệnh vảy nến có thể khác nhau tùy thuộc vào loại và mức độ nghiêm trọng, nhưng một số dấu hiệu phổ biến bao gồm: Các mảng da đỏ, bị viêm; Vảy dày, màu trắng bạc; Da khô, nứt nẻ có thể chảy máu; Ngứa, rát hoặc đau nhức; Móng tay dày; Đau khớp (trong tình trạng gọi là viêm khớp vảy nến, ảnh hưởng đến 30% số người bị vảy nến).

Bệnh vảy nến có khỏi được không?

Bệnh vảy nến không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng có thể kiểm soát được các triệu chứng. Mục tiêu của điều trị là giảm viêm và vảy, làm chậm quá trình phát triển của các tế bào da và giảm thiểu các mảng bám. Các phương pháp điều trị bệnh vảy nến gồm:

Điều trị tại chỗ

Đối với các trường hợp bệnh nhẹ đến trung bình, có thể sử dụng kem hoặc thuốc mỡ bôi trực tiếp lên vùng da bị ảnh hưởng. Các loại thuốc tại chỗ bao gồm:

- Thuốc Corticosteroid

- Các chất tương tự vitamin D (như calcipotriene)

- Acid salicylic

- Kem dưỡng ẩm.

Liệu pháp quang trị liệu (Liệu pháp ánh sáng)

Liệu pháp này bao gồm việc chiếu ánh sáng cực tím (UV) tự nhiên hoặc nhân tạo lên da dưới sự giám sát của bác sĩ. Ánh sáng UVB - một dải ánh sáng UV được sử dụng trong da liễu để điều trị các tình trạng viêm khác nhau, có thể làm chậm sự phát triển của tế bào da và giảm viêm.

Điều trị toàn thân

Đối với những người mắc bệnh vảy nến ở mức độ trung bình đến nặng hoặc những trường hợp không đáp ứng tốt với điều trị tại chỗ, có thể cần dùng đến thuốc uống hoặc thuốc tiêm. Các loại thuốc này thường có tác dụng phụ nghiêm trọng, do đó chỉ được bác sĩ kê đơn trong thời gian ngắn và phải theo dõi sát sao. Các loại thuốc điều trị toàn thân bao gồm:

- Methotrexate

- Cyclosporine (Sandimmune)

- Thuốc sinh học.

Lối sống giúp cải thiện và giảm nguy cơ bùng phát bệnh vảy nến

Ngoài việc điều trị y tế, thay đổi lối sống có thể giúp giảm bùng phát bệnh vảy nến và giữ cho làn da của bạn khỏe mạnh hơn:

- Dưỡng ẩm hàng ngày để tránh khô và nứt nẻ.

- Kiểm soát căng thẳng thông qua các kỹ thuật thư giãn, vì căng thẳng có thể gây ra các đợt bùng phát.

- Tránh chấn thương da vì có thể dẫn đến hình thành các mảng da mới (được gọi là “hiện tượng Koebner”).

- Bỏ hút thuốc và hạn chế rượu, cả hai đều có thể làm bệnh vảy nến trầm trọng hơn.

- Có chế độ ăn uống cân bằng với các thực phẩm chống viêm như trái cây, rau và acid béo omega-3.

- Tắm với xà phòng dịu nhẹ và nước ấm, sau đó thoa kem dưỡng ẩm.

 
Lê Tuyết (Theo Healthday)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Da liễu