Truy tặng Kỷ niệm chương cho nữ nhân viên y tế hiến đa tạng cứu 4 người

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã truy tặng Kỷ niệm chương “Vì sức khỏe nhân dân” cho nữ nhân viên y tế hiến đa tạng cứu người bệnh - Ảnh: PV/Sức Khỏe+.

Thêm 4 người được tái sinh từ người chết não hiến đa tạng tại BV Hữu nghị Việt Đức

Quảng Ninh: Lần đầu tiên lấy đa tạng từ ca chết não, cứu sống nhiều người

Việt Nam tập trung phát triển kỹ thuật ghép tạng chuyên sâu

Bộ trưởng Bộ Y tế: Việt Nam "đi sau về trước" trong kỹ thuật ghép tạng

Đây là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan tại Lễ truy tặng Kỷ niệm chương "Vì sức khỏe nhân dân" cho Thạc sĩ, nữ hộ sinh Lộ Thị Thùy Linh (41 tuổi, Khoa Phụ sản, Bệnh viện E), người đã hiến đa tạng hồi sinh sự sống cho 4 người bệnh.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (Bộ Y tế) cho thấy, sau 32 năm Việt Nam thực hiện ca ghép tạng đầu tiên và 14 năm, triển khai công tác lấy tạng từ người cho chết não, cả nước đã thực hiện hơn 8.000 ca ghép mô, bộ phận cơ thể người, trong đó ghép thận: 6,764 ca, ghép gan 456 ca, ghép tim: 65 ca, ghép thận - tụy: 1 ca, ghép tim – phổi: 1 ca, ghép phổi: 9 ca, ghép chi trên: 2 ca, ghép ruột 2 ca…

Hiện nay còn gần 4.000 người trong danh sách chờ ghép, chủ yếu là bệnh nhân chờ ghép thận và gan. Như vậy nếu như có nguồn hiến tặng thích hợp sẽ có rất nhiều trường hợp suy tạng sẽ được cứu sống.

TS.BS Nguyễn Công Hựu – Giám đốc Bệnh viện E cho biết, chị Linh là một nữ nhân viên y tế công tác tại Bệnh viện E mắc bệnh hiểm nghèo bị ngừng tim đột ngột, sau khi đưa vào Bệnh viện E cấp cứu, hồi sức, mặc dù tim đã đập trở lại, nhưng bệnh nhân trong tình trạng chết não. Sau 3 lần đánh giá của Hội đồng chẩn đoán chết não, gia đình đồng ý hiến toàn bộ tạng để cứu sống 4 người mắc trọng bệnh.

Ngay sau đó, Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người và các bệnh viện: Bệnh viện E, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Phổi Trung ương đã có sự phối hợp chặt chẽ và nhịp nhàng trong việc lấy tạng và ghép tạng cho người bệnh.

Để thực hiện việc lấy-ghép tạng này, phòng mổ của Bệnh viện E cũng như Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đều sáng đèn với các kíp mổ sẵn sàng thực hiện việc lấy - ghép khi có thể thực hiện được ngay. Hàng chục y bác sĩ, chuyên gia, của các bệnh viện tham gia vào các ca hiến-ghép đa tạng.

"Từ tạng hiến của nữ nhân viên y tế đã hồi sinh sự sống cho 4 người; trong đó có 1 người bệnh được ghép tim và 2 người bệnh được ghép thận ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, 1 người bệnh được ghép gan ở Bệnh viện Trung ương Quân đội 108" - TS.BS Nguyễn Công Hựu chia sẻ.

Các bác sĩ thực hiện ca phẫu thuật lấy đa tạng hiến từ nữ nhân viên y tế hồi sinh sự sống cho 4 người - Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Các bác sĩ thực hiện ca phẫu thuật lấy đa tạng hiến từ nữ nhân viên y tế hồi sinh sự sống cho 4 người - Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan tri ân sâu sắc đến gia đình chị Linh, đến nữ hộ sinh đã hiến tạng cứu người bệnh.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, việc cho, hiến tạng để cứu sống người khác là hành động cao đẹp nhất của tấm lòng từ thiện vì người khác. Bộ Y tế đánh giá cao sự hi sinh và cống hiến của người cán bộ y tế này và truy tặng Kỷ niệm chương "vì sức khỏe nhân dân" cho chị.

Thông qua chương trình này, Bộ trưởng Y tế cũng kêu gọi toàn thể cán bộ, công chức, viên chức ngành y tế; các tầng lớp, giới chức xã hội, các tổ chức, cá nhân trong cả nước hãy hưởng ứng và tham gia đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết, chết não để giúp cứu chữa tận cùng những bệnh nhân suy mô, tạng đang mỏi mòn chờ được trao tặng sự sống.

Bộ trưởng cũng mong muốn Bệnh viện E sớm phát triển và triển khai kỹ thuật ghép mô, tạng, bộ phận cơ thể người tại Bệnh viện nhằm giúp cho nhiều người bệnh, được tiếp tục sống và cống hiến.

Câu chuyện về một nữ nhân viên y tế hiến mô, tạng có thể cứu sống được nhiều người khác – nối dài sự sống cho người bệnh không chỉ thể hiện giá trị nhân văn sâu sắc mà còn thể hiện tình người, nghĩa cử cao đẹp của tinh thần “tương thân, tương ái”, có sức lan tỏa cộng đồng. Lật giở từng trang ký ức, đối với nhiều đồng nghiệp ở Bệnh viện E, chị như “cánh hạc bay xa” nhưng lại có tâm nguyện lớn lao vì sự phát triển nền y học nước nhà, chị đã đăng ký và nguyện hiến một phần cơ thể để cứu sống cho nhiều người bệnh đang cần được ghép tạng.

Gia đình với truyền thống nhiều thế hệ đã và đang làm việc, đóng góp, cống hiến cho bệnh viện E nói riêng, ngành y tế nói chung, cũng mong muốn thực hiện tâm nguyện đó của chị. “Cho đi là còn mãi, trái tim của con tôi vẫn “sống” theo cách riêng và đầy ý nghĩa trong trái tim của người thân, gia đình, đồng nghiệp và mọi người trong xã hội” – người cha của chị xúc động chia sẻ.

Ngành ghép tạng đã có hơn 10 năm phát triển, nhưng đến nay chỉ có 5 bệnh viện thực hiện kỹ thuật ghép tạng, đồng thời có chẩn đoán chết não và hồi sức chết não hiến mô, bộ phần cơ thể người. Đây là một lý do tỷ lệ chết não hiến mô, bộ phận cơ thể người còn rất thấp tại Việt Nam.

Sau Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện E là đơn vị thứ hai chưa từng ghép tạng nhưng đã triển khai thành công mô hình chẩn đoán chết não và hồi sức chết não hiến tạng thành công với sự trợ giúp của Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia.

“Chính vì vậy, việc phát triển mạng lưới các bệnh viện thực hiện chẩn đoán chết não và hồi sức chết não hiến mô, bộ phận cơ thể người trên toàn quốc theo hình mẫu triển khai tại nhiều quốc gia ở Châu Âu, Mỹ đang trở thành định hướng của Bộ Y tế trong thời gian tới” – Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

 
Hiệp Nguyễn
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn