UNESCO kêu gọi toàn cầu cấm học sinh dùng điện thoại ở trường

UNESCO dẫn bằng chứng cho thấy có liên kết tiêu cực giữa việc sử dụng điện thoại thông minh quá mức và chất lượng học tập

Dùng điện thoại khi đi vệ sinh: Tác hại nguy hiểm tới sức khỏe

Cách hạn chế thời gian trẻ dùng thiết bị điện tử trong mùa Hè

GE phát triển công nghệ mới giúp phát hiện COVID-19 bằng điện thoại di động

Trẻ em ở từng độ tuổi nên sử dụng smartphone như thế nào?

Trong báo cáo Giám sát Giáo dục Toàn cầu năm 2023, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) tuyên bố có bằng chứng cho thấy việc sử dụng điện thoại di động quá mức liên quan đến giảm hiệu suất học tập và thời gian sử dụng thiết bị điện tử lâu có tác động tiêu cực đến ổn định cảm xúc của trẻ em.

Lời kêu gọi cấm smartphone trong trường học của UNESCO gửi đi thông điệp rõ ràng rằng công nghệ số, bao gồm cả trí tuệ nhân tạo (AI), luôn phải dựa trên tầm nhìn giáo dục “lấy con người làm trung tâm” và không bao giờ thay thế được tương tác trực tiếp với giáo viên.

UNESCO cảnh báo các nhà hoạch định chính sách về suy nghĩ không thấu đáo với công nghệ số và yêu cầu họ chú ý đến “khía cạnh xã hội của giáo dục”. Tác động tích cực của nó đến kết quả học tập và hiệu quả kinh tế có thể bị phóng đại, cái mới không phải lúc nào cũng tốt hơn. “Không phải tất cả thay đổi đều tạo nên tiến bộ”, báo cáo kết luận.

Khi việc học chuyển sang trực tuyến nhiều hơn, đặc biệt tại các trường đại học, UNESCO hối thúc các nhà hoạch định chính sách không bỏ qua khía cạnh xã hội của giáo dục, mà trong đó sinh viên được tiếp nhận giảng dạy trực tiếp.

Theo Tổng Giám đốc UNESCO, Andrey Azoulay, cuộc cách mạng kỹ thuật số sở hữu tiềm năng vô hạn nhưng cách nó được dùng trong giáo dục nên được chú ý. Công nghệ phải được sử dụng để nâng cao trải nghiệm học tập, hạnh phúc của học sinh, giáo viên, không phải gây bất lợi. 

“Đặt nhu cầu của người học lên hàng đầu và hỗ trợ giáo viên. Kết nối trực tuyến không thay thế cho tương tác của con người”, Andrey Azoulay nhấn mạnh, theo Independent.

Các quốc gia trên thế giới hành động thế nào?

Nhiều quốc gia đã đưa ra các biện pháp hạn chế sử dụng điện thoại trong lớp học

Nhiều quốc gia đã đưa ra các biện pháp hạn chế sử dụng điện thoại trong lớp học

Trong báo cáo, UNESCO cho rằng các nước cần đặt ra mục tiêu và nguyên tắc rõ ràng nhằm bảo đảm công nghệ số trong giáo dục có lợi và tránh gây hại cho sức khỏe của cá nhân, nền dân chủ, quyền con người.

Học sinh dùng các thiết bị công nghệ tại lớp học hay ở nhà quá nhiều hoặc không đúng cách, dù đó là smartphone, máy tính bảng hay laptop, đều có thể gây phân tâm, ảnh hưởng đến việc học.

Báo cáo của UNESCO dẫn dữ liệu cho thấy có liên kết tiêu cực giữa việc dùng công nghệ quá mức với kết quả học tập.

Dù công nghệ có tiềm năng mở ra cơ hội học tập cho hàng triệu người, nhưng lợi ích của nó không được phân bổ đồng đều, nhiều người nghèo bị loại trừ. Hạ tầng giáo dục số cũng đắt đỏ và chi phí môi trường bị đánh giá thấp.

Theo UNESCO, có rất ít nghiên cứu đủ mạnh để chứng minh công nghệ số gia tăng lợi ích cho giáo dục. Phần lớn bằng chứng đều do các công ty giáo dục tư nhân tài trợ để bán sản phẩm của mình. Sức ảnh hưởng của họ đến chính sách giáo dục toàn cầu “gây lo ngại”, UNESCO nhận xét.

UNESCO cũng cho rằng, các quốc gia đã "nhận thức được tầm quan trọng của việc đặt người học lên hàng đầu" khi nói đến công nghệ kỹ thuật số. Cơ quan này lấy ví dụ là Trung Quốc đã giới hạn sử dụng thiết bị kỹ thuật số làm công cụ giảng dạy ở mức 30% tổng thời gian giảng dạy và học sinh phải thường xuyên được nghỉ giải lao rời khỏi màn hình.

Dựa trên phân tích 200 hệ thống giáo dục khắp thế giới, UNESCO ước tính cứ 4 nước lại có một nước đã cấm dùng smartphone trong trường học, dù qua luật pháp hay quy định. Có thể kể đến Pháp - quốc gia đã đưa ra chính sách này vào năm 2018 và Phần Lan là quốc gia Châu Âu mới nhất cấm sử dụng điện thoại trong lớp học để hạn chế kết quả thi cử sa sút.

Italia đã cấm sử dụng điện thoại di động trong trường học vào tháng 12 năm ngoái và giáo viên được hướng dẫn thu các thiết bị của học sinh vào đầu ngày. Trong khi, Hà Lan dự kiến sẽ đưa ra các hạn chế từ năm 2024.

"Học sinh cần có khả năng tập trung và được trao cơ hội để học tập tốt. Khoa học đã chứng minh điện thoại là một sự xao nhãng. Chúng ta cần bảo vệ học sinh trước vấn đề này", Bộ trưởng Giáo dục Hà Lan Robbert Dijkgraaf phát biểu hồi đầu tháng khi thông báo về lệnh cấm.

Tại Anh, cựu Bộ trưởng Giáo dục Gavin Williamson đã kêu gọi cấm điện thoại di động trong trường vào năm 2021 để khắc phục vấn đề kỷ luật nghèo nàn nhưng bị các công đoàn giáo dục bác bỏ. Chính sách sử dụng smartphone tại các trường cấp hai ở Anh rất khác nhau, nhưng về cơ bản yêu cầu tắt điện thoại và không để lộ trong phạm vi trường học. Nó có thể được dùng nếu giáo viên cho phép, dùng sai cách có thể bị tịch thu.

Geoff Barton, Tổng thư ký Hiệp hội lãnh đạo trường học và cao đẳng Anh, cho rằng cấm hoàn toàn điện thoại di động trong trường sẽ gây một số bất tiện như trường hợp cha mẹ muốn liên lạc với con, hay học sinh dùng nó để trả tiền giao thông công cộng.

Để giải quyết vấn đề này, các chuyên gia cho rằng, phụ huynh nên cho con sử dụng điện thoại "cục gạch" thay vì điện thoại thông minh để giúp trẻ tận dụng thời gian ở trường hiệu quả hơn.

 
Hiệp Nguyễn (Theo Independent/The Guardian)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn