Ung thư dạ dày là một bệnh dễ chẩn đoán thông qua nội soi và làm sinh thiết
Mũi điện tử “ngửi” thấy nguy cơ ung thư dạ dày
Muối làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày
Loét dạ dày vì vi khuẩn HP
Ung thư dạ dày: Khó phát hiện, tử vong cao
Ung thư dạ dày có thể là ung thư biểu mô tuyến (adenocarcinoma), tế bào miễn dịch (lymphoma), tế bào tiết các hormone (carcinoid cancer) và xuất phát từ các mô thần kinh (gastrointestinal stromal tumor - GIST). Nhưng đa số trường hợp ung thư dạ dày là adenocarcinoma (90%).
Biểu hiện của bệnh rất đa dạng và phong phú. Bệnh nhân có thể thấy mệt mỏi, gầy sút nhanh, ăn uống ậm ạch khó tiêu, đau thượng vị, ợ hơi ợ chua, táo bón, tiêu chảy, thiếu máu hoặc có khi bắt đầu bằng triệu chứng của xuất huyết tiêu hóa như nôn ra máu, đi ngoài phân đen.
Nhiều trường hợp, bệnh tiến triển âm thầm không có triệu chứng, chỉ được phát hiện tình cờ khi đi khám định kỳ hoặc thấy thiếu máu chưa rõ nguyên nhân nên nội soi dạ dày mới phát hiện bệnh. Thậm chí, ở một số người, bệnh được phát hiện khi đã di căn vào các cơ quan khác như phổi, tụy trước khi tìm thấy nguyên nhân ung thư tại dạ dày.
Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ
Khoảng 65 - 80% trường hợp ung thư dạ dày có liên quan đến vi khuẩn H.P (Helicobacter pylori). Helicobacter pylori gây ung thư dạ dày do gây viêm nhiễm mạn tính và sinh độc tố như chất CagA (cytotoxin-associated gene A). Vi khuẩn này cũng là thủ phạm hàng đầu của bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng.
Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày lên tới 40%, thậm chí 82% ở người nghiện nặng. Một số nghiên cứu cũng cho thấy tỷ lệ cao bị ung thư dạ dày xảy ra ở những người nghiện rượu.
Chế độ ăn cũng là yếu tố nguy cơ của ung thư dạ dày như ăn quá mặn, nhiều thực phẩm hun khói, các loại thịt đỏ, thịt đã qua nhiều công đoạn chế biến, rau quả ngâm dấm. Chất nitrates có trong thịt đã chế biến cũng có thể được một số loài vi khuẩn, trong đó có H.P chuyển đổi thành những phức hợp có thể gây ung thư dạ dày. Thực phẩm có nhiễm chất aflatoxin từ nấm cũng làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày.
Ngoài ra, người ta cũng nhận thấy có yếu tố tương đồng giữa ung thư dạ dày và thiếu iod. Estrogen, loại hormone có nhiều ở nữ giới, có khả năng chống lại sự tiến triển của ung thư dạ dày nên tỷ lệ mắc loại ung thư này ở nữ thấp hơn ở nam.
Khoảng 10% số ca ung thư dạ dày có tính chất gia đình hay có liên quan đến gene. Béo phì cũng là một yếu tố nguy cơ của ung thư dạ dày do hiện tượng trào ngược dạ dày - thực quản, hay xảy ra ở những người quá thừa cân.
Trào ngược dạ dày - thực quản gây ra tình trạng viêm mạn tính và có thể khiến cho ung thư dạ dày xuất hiện. Mặc dù vẫn chưa rõ ràng về mặt cơ chế bệnh sinh nhưng một số thống kê đã cho thấy người béo phì có tỷ lệ ung thư dạ dày cao gấp 2 lần người bình thường.
Một số yếu tố khác cũng có thể liên quan tới ung thư dạ dày như bệnh đái tháo đường, thiếu máu ác tính, hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS), bệnh viêm teo niêm mạc dạ dày, bệnh Menetrier (Menetrier’s disease) - tăng sản, tăng tiết dịch vị. Polyp dạ dày cũng có thể tiến triển thành ung thư khi kích thước trên 2cm hoặc khi có nhiều polyp trong dạ dày.
Lời khuyên của thầy thuốc
Ung thư dạ dày là một bệnh dễ chẩn đoán thông qua nội soi và làm sinh thiết nhưng cũng sẽ để muộn khi người bệnh không chú ý đến các yếu tố nguy cơ để đến gặp thầy thuốc sớm. Việc thăm khám sàng lọc tốt giúp phát hiện ung thư dạ dày ở những giai đoạn rất sớm, kết hợp với các phương pháp điều trị đúng và đủ sẽ nâng cao hiệu quả điều trị và tuổi thọ bệnh nhân lên rất nhiều lần.
Bình luận của bạn