Uống 3 lít nước/ngày để tránh sỏi đường tiết niệu

Sỏi đường tiết niệu gây nguy hiểm cho sức khỏe. Sau khi hình thành, trong đường tiết niệu, sỏi nhỏ có thể theo nước tiểu ra ngoài. Nếu sỏi bị vướng lại ở một vị trí nào đó trên đường tiết niệu sẽ làm to ra, gây ứ đọng nước tiểu, lâu ngày sẽ gây ứ nước thận, nhiễm trùng đường tiết niệu.

Căn bệnh này hình thành do ăn uống không khoa học. Do đó, khi bị sỏi đường tiết niệu, người bệnh nên uống nhiều nước (khoảng 2,5-3 lít/ngày). Đặc biệt là các loại nước như nước cam, chanh, bưởi, râu ngô, bông mã đề, kim tiền thảo, rễ cỏ tranh,...

Ngoài ra, nên ăn nhiều rau tươi có chất xơ để giúp tiêu hóa nhanh và giảm hấp thu các chất gây sỏi niệu. Hạn chế ăn thịt động vật, muối, sữa, phô mai, trà đặc, bột cám, ngũ cốc, rau muống, sôcôla, cà phê, cá khô, lạp xưởng, các loại mắm,...

Người bệnh cũng nên căn cứ vào từng loại sỏi để ăn kiêng. Với sỏi canxi, cần kiêng sữa, phô mai, cacao, sôcôla, trứng, hải sản, rau xà lách, rau cần tây, rau diếp, cải xoong, các loại đậu, quả vải, mận, oliu... Với bệnh sỏi phốt phát, cần kiêng sữa, kem, phô mai, ngũ cốc, gạo lức, đậu, cacao, lạc, các loại quả khô, nội tạng động vật, bánh mì... Bị sỏi oxalate, cần kiêng rau muống, rau dền, dưa chuột, măng tây, dâu tây, nước trà đậm, me chua... Bị sỏi urat hoặc sỏi kết hợp oxalate và urat, cần kiêng thịt bò, chất mỡ, cá biển, nội tạng động vật, sôcôla, nấm, rượu mạnh...

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Khỏe đẹp