Vì sao TP.HCM phải công bố dịch sởi quy mô toàn thành phố?

TP.HCM lần đầu tiên công bố dịch sởi trên quy mô toàn thành phố.

Podcast: Cách chăm sóc trẻ sơ sinh mắc bệnh sởi

Podcast: Triệu chứng cảnh báo bệnh sởi ở trẻ em

Bộ Y tế chỉ đạo tăng cường công tác phòng chống bệnh sởi

Mỹ và Châu Âu cảnh báo sự gia tăng bất thường về bệnh sởi

Ngày 27/8, UBND TP.HCM quyết định chính thức công bố dịch sởi trên toàn thành phố, trong bối cảnh số ca bệnh lan rộng khắp các quận, huyện; 3 trẻ không qua khỏi và hơn 500 ca dương tính.

Theo quyết định, thời gian xảy ra dịch sởi tại TP.HCM là tháng 8/2024; nguyên nhân do virus sởi (Polynosa morbillorum) gây ra. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp từ người sang người. Quyết định của UBND TP.HCM nêu rõ, về tính chất, dịch sởi là bệnh truyền nhiễm nhóm B.

Những người có nguy cơ mắc bệnh là người chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đầy đủ; bệnh có thể dẫn đến biến chứng nặng, thậm chí có thể tử vong nếu không được chăm sóc và điều trị đúng cách.

Để tăng cường phòng chống lây nhiễm dịch bệnh, UBND TP.HCM yêu cầu các cơ quan ban ngành, người dân thực hiện theo Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Các trường hợp mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh phải thực hiện khai báo đầy đủ, chính xác với cơ quan y tế trong 24 giờ sau khi có chẩn đoán để được quản lý và xét nghiệm theo quy định.

Công bố dịch có ý nghĩa gì?

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), bệnh sởi thuộc bệnh truyền nhiễm nhóm B, thẩm quyền công bố dịch thuộc về Chủ tịch UBND cấp tỉnh theo đề nghị của giám đốc sở y tế.

Công bố dịch bệnh truyền nhiễm là một nội dung được quy định tại Điều 38 Luật Phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm do Quốc hội khóa XII ban hành ngày 21 tháng 11 năm 2007 và có hiệu lực từ ngày 1 tháng 7 năm 2008.

Việc công bố dịch phải đảm bảo nguyên tắc “mọi trường hợp có dịch đều phải được công bố” và “việc công bố dịch và hết dịch phải công khai, chính xác, kịp thời và đúng thẩm quyền”. Đây là cơ sở pháp lý để cộng đồng cùng chung tay và quan tâm đúng mức đến việc phòng ngừa dịch bệnh trong gia đình và mọi người xung quanh.

Liên quan đến việc công bố dịch sởi của TP.HCM, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, việc công bố dịch phụ thuộc vào hai tiêu chí chính đó là theo yếu tố về chuyên môn và khả năng đáp ứng của địa phương. Về tiêu chí chuyên môn, TP.HCM đủ điều kiện để công bố dịch sởi theo quy định của Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm và theo căn cứ tại Quyết định số 02/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định điều kiện công bố dịch. Việc công bố dịch là do địa phương tự quyết định và còn căn cứ vào khả năng đáp ứng của thành phố.

Mặc dù, ngay từ đầu TP.HCM đã chuẩn bị tốt các kịch bản có thể xảy ra và đã có kế hoạch tiêm chủng vaccine sởi để chuẩn bị cho đợt dịch này tuy nhiên Thành phố cần tiếp tục huy động thêm nguồn lực và cần triển khai các biện pháp phòng, chống dịch mạnh mẽ, quyết liệt hơn.

Công bố dịch sởi, TP.HCM sẽ chống dịch ra sao?

Tuần qua, TP.HCM đã ghi nhận 100 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, tăng gấp đôi so với trung bình 4 tuần trước - Ảnh: Tiền Phong

Tuần qua, TP.HCM đã ghi nhận 100 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, tăng gấp đôi so với trung bình 4 tuần trước - Ảnh: Tiền Phong

Theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, TP.HCM sẽ cần thực hiện các biện pháp phòng chống dịch sau khi công bố dịch như: thành lập, kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp; thực hiện việc khai báo, báo cáo dịch; tổ chức cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh, cách ly y tế và thực hiện các biện pháp bảo vệ cá nhân.

Đối với các địa phương khác cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh; tăng cường giám sát, xét nghiệm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, các ổ dịch tại cộng đồng và các cơ sở y tế; kịp thời xử lý triệt để ổ dịch không để dịch lây lan, bùng phát trong cộng đồng và thường xuyên đánh giá nguy cơ, phân tích tình hình để kịp thời triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch; tiếp tục đẩy mạnh công tác tiêm chủng vaccine; tổ chức tiêm bù, tiêm vét và triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch sởi.

 

Cùng ngày công bố dịch sởi, UBND TP.HCM cũng đã ban hành kế hoạch chủ động ứng phó dịch bệnh sởi trên địa bàn toàn thành phố.

Mục đích của kế hoạch này là phát hiện sớm các trường hợp bệnh sởi, ngăn chặn không để dịch sởi lây lan trên diện rộng trong cộng đồng, hạn chế lây lan trong bệnh viện và không có ca bệnh tử vong do sởi.

Theo kế hoạch này, TP.HCM sẽ khẩn trương tổ chức chiến dịch tiêm vaccine phòng bệnh sởi cho trẻ từ 1 đến 5 tuổi không kể tiền sử tiêm chủng theo hướng dẫn của Bộ Y tế trên địa bàn thành phố. Vaccine sử dụng trong chiến dịch là vaccine phối hợp sởi - Rubella (MR).

Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chủ động phát hiện sớm các trường hợp sốt phát ban nghi sởi, lấy mẫu huyết thanh gửi về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố và thực hiện báo cáo lên hệ thống quản lý giám sát bệnh truyền nhiễm của Bộ Y tế (phần mềm) trong vòng 24 giờ theo quy định.

Củng cố hoạt động phòng chống bệnh truyền nhiễm trong trường học, chú trọng công tác phát hiện sớm ca bệnh tại các nhóm trẻ và các trường mầm non.

Trạm y tế phường, xã, thị trấn giám sát việc thực hiện của các trường học, nhóm trẻ hằng tuần khi chưa có ca bệnh trên địa bàn phường, xã và giám sát hằng ngày khi phường, xã có ca bệnh.

Khi phát hiện trẻ sốt và phát ban cần hướng dẫn gia đình đưa trẻ đi khám tại cơ sở y tế, đồng thời tiến hành điều tra dịch tễ. Đối với người bệnh, thực hiện cách ly y tế (tại nhà hoặc tại cơ sở y tế)...

Tuần qua, TP.HCM ghi nhận hơn 100 ca phát ban nghi sởi, tăng gấp đôi so với trung bình 4 tuần trước đó. Tính từ đầu năm đến 22/8, thành phố ghi nhận 353 ca sởi, trong khi từ năm 2021 đến 2023 chỉ có một ca xét nghiệm dương tính.

Trong một diễn biến khác liên quan, ngày 28/8, lãnh đạo Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM thông tin, thời gian qua, bệnh viện đã tiếp nhận rất nhiều trường hợp mắc sốt rét về nước từ Châu Phi. Trong đó, có nhiều ca bị sốt rét ác tính, biến chứng nặng. Sốt rét đang lưu hành ở nước ta, sự xâm nhập của ca bệnh ngoại lai làm gia tăng nguy cơ cho cộng đồng.

 

Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính với các triệu chứng sốt, phát ban, chảy nước mũi, ho, mắt đỏ... Bệnh có thể gặp ở trẻ em, người lớn nếu không có miễn dịch phòng bệnh, có thể gây thành dịch.

Sởi là căn bệnh lây lan rất nhanh với hệ số lên đến 12-18 (tức một cá nhân mắc bệnh sởi có thể truyền virus cho 12-18 người không có miễn dịch ở xung quanh). Đối với sởi, tiêm chủng vaccine được đánh giá là "vũ khí" hiệu quả nhất để kiểm soát dịch.

Hiện Bộ Y tế cũng đang phối hợp với WHO, UNICEF cùng các địa phương tổ chức chiến dịch tiêm chủng 1.134.200 liều vaccine phòng sởi nhằm bao phủ vaccine cho trẻ, phòng tránh nguy cơ mắc bệnh và chuyển nặng. Chiến dịch tiêm hơn 1 triệu liều vaccine sởi này được triển khai lần này sẽ khác với các chiến dịch trước đây, đó là các đối tượng tiêm được mở rộng từ 1 - 10 tuổi, trừ những trường hợp đã tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine chứa thành phần sởi. Quy mô tiêm tại 18 tỉnh, thành.

Hiệp Nguyễn
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn