Vì sao trẻ dễ dị ứng và hen suyễn?


Trẻ em cần vận động ngoài trời để hấp thụ thêm vitamin D - Ảnh: Thuận Thắng

Di truyền là một nguyên nhân cho các nhóm bệnh này. Tuy nhiên, bệnh dị ứng và hen suyễn gia tăng ở nhiều trẻ không có tiền sử gia đình mắc bệnh dị ứng hay hen suyễn.

Có một số giả thuyết giải thích hiện tượng này như sau.

Béo phì và suyễn

Y học đã chứng minh việc thay đổi lối sống và vận động dẫn đến gia tăng nguy cơ mắc bệnh mãn tính không lây, trong đó có thừa cân béo phì. Hiện nay tỉ lệ thừa cân béo phì tại các đô thị lớn đã vượt xa tỉ lệ suy dinh dưỡng. Thừa cân béo phì là một yếu tố nguy cơ làm gia tăng bệnh dị ứng và hen suyễn thông qua nhiều cơ chế, gồm sự tương đồng gene giữa béo phì và bệnh hen suyễn, béo phì làm giảm chức năng hô hấp do làm gia tăng kháng lực đường thở.

Đặc biệt là mô mỡ dư thừa trong bệnh béo phì thúc đẩy cơ thể gia tăng sản xuất các chất gây viêm adipokine không có lợi cho sức khỏe như TNF alpha, IL-6 và leptin. Chế độ ăn nhiều chất béo và tinh bột cũng làm gia tăng stress oxy hóa và phản ứng viêm toàn thân. Ngoài khả năng làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh hen suyễn, béo phì cũng là một yếu tố làm việc khó kiểm soát trong điều trị hen suyễn. Do đó việc giảm cân giúp trong cả phòng và kiểm soát hen suyễn.

Thiếu vitamin D và hen suyễn

Vai trò cơ bản của vitamin D là trong chuyển hóa canxi và phospho trong cơ thể, từ đó ảnh hưởng đến quá trình tạo xương ở cơ thể. Tuy nhiên, gần đây y học phát hiện nhiều chức năng khác của vitamin D trong phòng chống các bệnh mãn tính không lây, cần thiết cho phổi và phát triển hệ miễn dịch. Thiếu vitamin D được chứng minh làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh hen suyễn. Trẻ em ngày nay được cho đi học từ sáng sớm, lại ít được tiếp xúc với ánh nắng mặt trời nên gia tăng nguy cơ thiếu vitamin D. Để phòng tránh thiếu vitamin D cần cho trẻ thường xuyên tiếp xúc ánh nắng mặt trời nhẹ, sử dụng thực phẩm có bổ sung vitamin D.

Trẻ quá sạch

Trẻ em ngày nay sống trong điều kiện vệ sinh tốt hơn nhiều so với trước đây. Song, nếu trẻ ít tiếp xúc với các tác nhân vi sinh khác nhau thì hệ miễn dịch của trẻ ít được "huấn luyện" để nhận biết yếu tố nào là có hại và vô hại.

Theo nhiều nghiên cứu cho thấy trẻ sống vùng nông thôn, trẻ sống trong gia đình có nuôi thú cưng như chó mèo, trẻ có anh chị em lớn hơn lại ít có nguy cơ mắc bệnh dị ứng và hen suyễn hơn. Lý do là hệ vi sinh của trẻ đa dạng với nhiều vi sinh có lợi cho sức khỏe và giảm các vi sinh không có lợi cho sức khỏe vì được tiếp xúc chéo vi sinh từ thú nuôi trong nhà; từ anh chị lớn do anh chị có tiếp xúc vi sinh từ đất, không khí và từ bạn bè trong trường học. Do vậy, ở những trẻ không có tiền sử gia đình mắc bệnh dị ứng và hen suyễn, gia đình nên mạnh dạn cho trẻ chơi bên ngoài để tiếp xúc với đất, không khí và nuôi thú cưng như chó, mèo trong gia đình.

Sử dụng kháng sinh sớm

Sử dụng kháng sinh sớm làm đảo lộn hệ vi sinh đường ruột tự nhiên và là nguyên nhân dẫn đến gia tăng nguy cơ mắc bệnh dị ứng và hen suyễn. Để phòng tránh điều này, phụ huynh không nên tự ý mua kháng sinh cho trẻ uống khi có sốt ho, mà cần đi khám để được sự chỉ định đúng của bác sĩ. Nhiều trường hợp cảm hay cúm không cần dùng kháng sinh.

linhly
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ