Việt Nam "bỏ quên" ngành đồ chơi

Sau khi có thông tin liên quan đến vụ nổ đồ chơi bom ở Đắk Nông, người tiêu dùng tiếp tục bức xúc và cuống cuồng đi tìm đồ chơi Việt Nam để hy vọng an toàn. Thế nhưng, tiếc rằng tìm được một mặt hàng đồ chơi Việt Nam cũng đâu phải dễ và giá thì cũng cao vời vợi.

Mẫu mã đơn điệu, giá cao

Chị Lưu Thị Huyền Thương, trú tại quận Thủ Đức (TP.HCM), cho biết do là dân công sở, liên tục cập nhật thông tin trên mạng nên gia đình chị rất sợ hàng Trung Quốc. Mỗi lần đi chọn đồ chơi cho con gái, chị rất cẩn thận đọc xuất xứ hàng hóa nhưng ngay cả siêu thị cũng đa phần là hàng Trung Quốc.


Thị trường tràn lan mặt hàng đồ chơi Trung Quốc

“Tôi không hiểu lý do vì sao những bộ đồ chơi rất đơn giản như búp bê, những bộ đồ chơi dụng cụ nấu ăn, quần áo búp bê cũng là hàng Trung Quốc. Tôi rất muốn mua hàng của Việt Nam nhưng tìm hoài cũng không thấy. Cuối cùng đành chọn mua hàng Trung Quốc vì con gái quá thích”, chị Thương nói.

Cũng theo chị Nguyễn Minh Trang, ngụ quận Gò Vấp (TP.HCM), nếu tìm được đồ chơi của Việt Nam thì giá lại quá cao so với thu nhập của gia đình chị.

“Tôi rất thích đồ chơi bằng gỗ của một số doanh nghiệp Việt Nam nhưng giá của các mặt hàng này lại khá cao. Để tìm một món đồ chơi có giá dưới 40.000 đồng rất khó, trong khi trẻ con chơi nhanh chán. Thậm chí, có món đồ chơi lên đến vài trăm ngàn (đồng). Mức giá đó quá cao so với thu nhập của chúng tôi”, chị nói thêm.

Ngoài ra, nhiều người tiêu dùng khác cũng than mẫu mã đồ chơi của doanh nghiệp Việt Nam khá nghèo nàn. Quanh đi quẩn lại chỉ có một vài mẫu, thậm chí, mẫu đồ chơi của các doanh nghiệp lại na ná nhau, không có nét riêng.

Khảo sát một số website rao bán đồ chơi Việt Nam chúng tôi cũng nhận thấy giá của các mặt hàng khá cao. Ví dụ, giá của món đồ chơi bảng ghép chữ cái bằng gỗ lên tới 245.000 đồng, bộ bàn ghế, giường tủ búp bê có giá gần 300.000 đồng, bập bênh nhựa có giá 650.000 đồng…

Ngành công nghiệp bị… bỏ rơi

Thực tế, câu chuyện về đồ chơi Trung Quốc độc hại không có gì mới. Cách đây, từ rất nhiều năm, dư luận luôn đặt câu hỏi về ngành đồ chơi Việt Nam, doanh nghiệp sản xuất đồ chơi đang ở đâu? Mà cho đến nay, tình hình vẫn không có nhiều biến chuyển.

Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Công ty Thiết bị Đồ chơi Giáo dục Văn Minh, cho rằng sở dĩ ngành đồ chơi Việt Nam èo uột là do các DN sản xuất đồ chơi không được sự hỗ trợ từ Nhà nước. Muốn ngành đồ chơi phát triển phải có “nhạc trưởng” hay nói cách khác là “người cầm trịch”.

“Tôi đã có 18 năm sống cùng với ngành đồ chơi. Năm 1994 tôi có một nhà máy sản xuất đồ chơi cùng đội ngũ lao động khá lớn. Nhưng năm 2009 tôi quyết định đóng cửa nhà máy vì càng làm càng lỗ. Chỉ cần sản phẩm ứ đọng vài tháng, không bán được là doanh nghiệp sẽ khó khăn ngay. Vì vậy, tôi phải chuyển sang nhập khẩu đồ chơi từ các nước về”, ông Minh nói. Mà đã nhập về thì tất giá không thể rẻ.

Cũng theo ông Minh, hiện Việt Nam chưa hình thành một ngành công nghiệp đồ chơi, càng không có sự hỗ trợ để ngành đồ chơi phát triển. Ví dụ như ở Trung Quốc, Đan Mạch… sau lưng đó là cả Nhà nước hỗ trợ về thuế, tiền thuê đất đai, lãi suất, hỗ trợ xuất nhập khẩu…
Chúng tôi đã từng tổ chức một hội nghị về đồ chơi Việt Nam, tại đó có rất nhiều đối tác đặt câu hỏi khi nào Việt Nam có ngành công nghiệp đồ chơi riêng?”. Tôi không thể trả lời câu hỏi đó khi ngành đồ chơi của chúng ta còn quá manh mún, yếu ớt, èo uột, cạnh tranh thiếu lành mạnh. Một khi chưa coi nó là một công nghiệp cần có hỗ trợ thì các doanh nghiệp sẽ sống kiểu tự vận động, tự xoay sở, tự mua bán”, ông nhấn mạnh.

Còn theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, một trong những vấn đề mà các doanh nghiệp đồ chơi Việt Nam đang gặp phải đó là chưa chú trọng khâu phân phối. Chính điều này đã khiến người tiêu dùng không biết đến sản phẩm của mình, nhất là ở thị trường nông thôn.
vanhuong
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ