Việt Nam cần loại bỏ thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng

Không khó để bắt gặp những sản phẩm thuốc lá thế hệ mới đang được mua bán và sử dụng rộng rãi, công khai

Cảnh báo tình trạng ma tuý ẩn nấp sau tinh dầu CBD tự pha chế

Cảnh báo chất cấm trong thuốc lá điện tử

Thuốc lá điện tử không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn ngang nhiên lưu hành

Ngành công nghiệp thuốc lá và các chiến thuật khiến giới trẻ “nghiện” suốt đời

Nhận dạng các loại thuốc lá thế hệ mới

Hiện nay, tại đa số các quốc gia, 2 loại thuốc lá thế hệ mới được cho là phổ biến nhất là: Thuốc lá điện tử (TLĐT) và Thuốc lá nung nóng (TLNN).

Về bản chất, cả 2 loại đều áp dụng những kỹ thuật sản xuất hiện đại trong máy móc, chip, bảng điều khiển điện tử… Cơ chế hoạt động mới, liên tục được cải tiến của TLĐT và TLNN đang ngày một bỏ xa thuốc lá truyền thống.

Cụ thể, TLĐT được sử dụng dưới dạng hoá hơi tinh dầu, có buồng chứa, có lõi đốt và có hương vị rất “nịnh miệng” giới trẻ. Còn đối với TLNN, đây là sản phẩm dùng để nung nóng các điếu thuốc lá truyền thống mà không cần tới bật lửa. Để dễ hình dung, TLNN đóng vai trò giống như một chiếc “tẩu điện tử”.

Theo quảng cáo, thuốc lá thế hệ mới rất hiện đại với nhiều kiểu dáng trẻ trung, năng động, tiện dụng, không hại như thuốc lá truyền thống... Nhưng câu hỏi được đặt ra ở đây: Tại sao không chỉ ở Việt Nam mà rất nhiều nước trên thế giới đã và đang hoàn thiện bộ khung quản lý chặt chẽ thậm chí nghiêm cấm sản phẩm này?

Những con số biết nói

Theo báo cáo tổng hợp gần 700 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam, bao gồm các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, bệnh viện thuộc Sở Y tế và trung tâm y tế huyện, chỉ tính riêng năm 2023, đã có 1.224 ca nhập viện do sử TLĐT, TLNN. Bộ Y tế Việt Nam cũng cho biết, tỷ lệ sử dụng TLĐT trong học sinh ở nhóm tuổi 13-17 tăng từ 2,6% năm 2019 lên 8,1% năm 2023. Ở nhóm 13-15 tuổi, tỷ lệ đã tăng hơn gấp đôi từ 3,5% năm 2022 lên 8% năm 2023. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2024, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) đã tiếp nhận khoảng 100 ca ngộ độc thuốc lá điện tử, đa số là bệnh nhân trẻ ngộ độc cấp.

Cũng theo một khảo sát được Trung tâm Chống độc, bệnh viện Bạch Mai nghiên cứu đối với mẫu thuốc lá điện tử được 120 bệnh nhân sử dụng cho thấy, 16 mẫu dương tính với ma túy (chiếm tỷ lệ 13,3%). Kết quả độc chất một số bệnh phẩm gửi Viện pháp y, phát hiện các chất ma tuý với thành phần, gồm: ADB-Butinaca, MDMD-butinaca; ADB-4en-pinaca; MDMB-4e-pinaca; EDMB-4e-pinaca; THC; PB-22.

Tại Mỹ, tính đến tháng 1/2020, cả nước Mỹ có hơn 2.600 ca phải nhập viện, khoảng 60 người tử vong vì TLĐT. Trong đó, 2/3 bệnh nhân có độ tuổi từ 18 - 34. Trên toàn cầu, ước tính có khoảng 19 triệu thanh thiếu niên từ 13–15 tuổi (13 triệu bé trai và 6 triệu bé gái) hiện đang hút thuốc lá, trong đó có khoảng 5 triệu thanh thiếu niên hút thuốc lá sống ở khu vực Đông Nam Á. Theo khảo sát ở hầu hết các quốc gia đều cho thấy tỷ lệ trẻ em từ 13–15 tuổi đang sử dụng các sản phẩm thuốc lá, đặc biệt là các sản phẩm thuốc lá mới như TLĐT, TLNN là rất cao. Hiện trên thế giới có ít nhất 34 quốc gia và vùng lãnh thổ áp dụng chính sách cấm hoàn toàn các sản phẩm TLĐT, 11 quốc gia cấm bán TLNN. Điển hình như tại Singapore, từ tháng 2/2018, chính phủ nước này đã hoàn toàn cấm việc mua bán, sử dụng và sở hữu các sản phẩm thuốc lá như TLĐT, shisha và thuốc lá không khói.

Thống kê tình hình quản lý thuốc lá điện tử thế hệ mới của các nước ASEAN

Thống kê tình hình quản lý thuốc lá điện tử thế hệ mới của các nước ASEAN

Tóm lại, chỉ một vài ví dụ về những con số cụ thể đã đủ để nói lên những tác hại mà TLĐT thế hệ mới gây ra. Chưa kể hiện nay thị trường TLĐT đang có rất nhiều những diễn biến phức tạp. Hàng loạt những mẫu mã được cải tiến và sản xuất số lượng lớn cùng với đó là tình trạng buôn bán lậu mặt hàng này vẫn đang hoành hành, khó kiểm soát. Chính vì vậy, những hợp chất hay chất hoá học được sử dụng trên loạt sản phẩm TLĐT thế hệ mới đang ngày một biến hoá khôn lường, đặt ra thách thức lớn cho các cơ quan quản lý tại Việt Nam.

Hoạt động quảng cáo TLĐT vẫn đang rầm rộ

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có mối liên quan rõ ràng giữa việc gia tăng tỷ lệ sử dụng các sản phẩm thuốc lá trong giới trẻ với việc tiếp cận giới trẻ thông qua quảng cáo, khuyến mại, tiếp thị thuốc lá, đặc biệt trên các nền tảng kỹ thuật số.

Tại Việt Nam, chỉ tính riêng mạng xã hội Facebook – nơi hoạt động buôn bán TLĐT sôi nổi nhất cũng đã cho ra kết quả của vô số những bài đăng quảng cáo TLĐT rầm rộ, được đầu tư bài bản. Các “đại lý” không ngần ngại tung hô sản phẩm của mình lên tận trời mây về hương vị, chất lượng, các dịch vụ hậu mãi và đặc biệt là không gây hại tới sức khoẻ như thuốc lá truyền thống.

Cụ thể, khi quảng cáo các sản phẩm TLNN, người bán hàng sẽ không ngần ngại mà tư vấn rằng khói thuốc từ loại sản phẩm này không hề độc hại như thuốc lá truyền thống. Nhưng trên thực tế, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã nhiều lần khuyến cáo, TLNN tạo ra chất khí độc hại, có nhiều chất độc giống như trong khói thuốc lá điếu thông thường. Dù TLNN được nung ở nhiệt độ thấp hơn, nhưng vẫn tạo ra những hóa chất tương tự như trong khói thuốc lá, trong đó một số hóa chất được xếp vào nhóm gây ung thư.

Có thể nói, hoạt động quảng bá bất chấp thế này đã khiến phần lớn các em học sinh, sinh viên có những lầm tưởng nghiêm trọng về TLĐT. Theo khảo sát của Giáo sư Hoàng Văn Minh – Hiệu trưởng trường Đại học Y tế Công cộng và nhóm nghiên cứu cho thấy, nhiều học sinh vẫn còn những hiểu lầm sai lệch về tác hại của các loại thuốc lá mới này, khi tin rằng chúng an toàn hoặc ít gây hại hơn so với thuốc lá truyền thống. 23,5% học sinh không nhận thức được những rủi ro tiềm ẩn của TLĐT và con số này còn cao hơn đối với TLNN (43,2%).

"Điều này đã dẫn đến việc nhiều học sinh sẵn sàng trải nghiệm và sử dụng các sản phẩm này mà không hề lường trước được những tác hại đi kèm", GS. Minh cho biết.

Nhìn chung tất cả những loại TLĐT thế hệ mới đều đang tiềm ẩn nguy cơ gây hại khôn lường. Chính vì thế, người dân cần tỉnh táo trong việc chọn lọc thông tin và tốt hơn hết, hãy tránh xa khói thuốc.

Việt Nam đang làm gì để hạn chế tác hại của TLĐT thế hệ mới?

Về mặt pháp lý, hiện nay Việt Nam vẫn đang trong quá trình xây dựng một bộ khung hoàn chỉnh về những quy định mua, bán, sử dụng TLĐT. Đa số các ý kiến đóng góp đều cho rằng nên cấm buôn bán, sử dụng mặt hàng này. Đặc biệt, vào tháng 10 năm 2024, Bộ Y tế dự kiến sẽ trình Quốc hội Đề xuất cấm thuốc lá điện tử. Đây là một tín đáng mừng đối với toàn thể người dân trước “đại dịch” thuốc lá mới.

Về mặt tuyên truyền giáo dục, các nhà trường, các bậc phụ huynh cũng đang dần nâng cao ý thức hơn trong việc quản lý con em sử dụng TLĐT. Bên cạnh đó, hàng loạt các chương trình phòng chống tác hại, những hội thảo về TLĐT đã được tổ chức với quy mô lớn nhằm nâng cao ý thức xã hội về một cộng đồng không khói thuốc.

Tiêu biểu nhất, hội thảo InnovaConnect với chủ đề “Phòng chống tác hại của thuốc lá mới: Bằng chứng khoa học và kinh nghiệm tại Việt Nam và trên thế giới” vừa diễn ra thành công tại Trường Đại học Y tế công cộng (ĐHYTCC). Hội thảo nằm trong chuỗi InnovaConnect do Quỹ VinFuture phối hợp với trường ĐHYTCC tổ chức với sự tham gia của gần 500 khách mời, gồm các chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước. Tại hội thảo, bà Bungon Ritthiphakdee, Giám đốc Điều hành Trung tâm Quản trị và Kiểm soát thuốc lá toàn cầu (GGTC, Thái Lan) đã chia sẻ, TLĐT là nguy hiểm và có gây hại cho sức khỏe”. "TLĐT và TLNN cũng có nicotine gây nghiện, có khả năng tạo ra một thế hệ mới nghiện nicotine", bà cảnh báo.

Hội thảo InnovaConnect với sự góp mặt của nhiều chuyên gia uy tín được tổ chức vào ngày 24/09/2024 tại trường Đại học Y tế Công cộng

Hội thảo InnovaConnect với sự góp mặt của nhiều chuyên gia uy tín được tổ chức vào ngày 24/09/2024 tại trường Đại học Y tế Công cộng

Cũng trong khuôn khổ hội thảo, các chuyên gia quốc tế đã đồng loạt cảnh báo về “đại dịch” thuốc lá mới (TLĐT, TLNN…), đồng thời nhấn mạnh Việt Nam cần nhanh chóng định hình một chiến lược đối phó toàn diện càng sớm càng tốt.

Cuối cùng, đề nghị các cơ quan chức năng thắt chặt công tác quản lý TLĐT thế hệ mới, khắc phục tình trạng mua bán, sử dụng đang diễn ra tràn lan ở mọi phương thức, mọi lứa tuổi. Đặc biệt đối với giới trẻ, các nhà trường, các bậc phụ huynh cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục tư tưởng cho con em, tránh để cho con em tiếp xúc và sử dụng TLĐT. Cùng với đó, cần gấp rút hoàn thiện khung pháp lý cụ thể để hạn chế, loại bỏ TLĐT, TLNN ra khỏi đời sống giúp bảo vệ tương lai của giới trẻ, bảo vệ sức khoẻ toàn dân.

 
Hà Chi
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn