Việt Nam sẽ có vaccine ngang tầm thế giới

Việt Nam sẽ sản xuất vaccine 5 trong 1, 6 trong 1 (Ảnh minh họa)

Việt Nam sẽ tự sản xuất thêm được 7 loại vaccine

Tiêm vaccine phòng dại có ảnh hưởng gì tới sức khỏe?

Chấn chỉnh triệt để tình trạng tiêm nhầm vaccine

Hỗ trợ hàng trăm nghìn liều vaccine chống dịch bệnh

Năm 2015 sẽ khan hiếm vaccine dịch vụ

Sẽ sản xuất vaccine đa giá 

Ông Đỗ Tuấn Đạt cho biết, đây là một trong các chương trình sản phẩm quốc gia do Bộ Khoa học - Công nghệ chủ trì. Các vaccine được sản xuất là vaccine đa giá như vaccine thương hàn vi cộng hợp, vaccine viêm não Nhật Bản trên tế bào vero… Đặc biệt, Việt Nam sẽ sản xuất vaccine 5 trong 1, 6 trong 1. Đây là loại vaccine dịch vụ khan hiếm do cung không đủ cầu.

Lợi thế tiềm năng của loại vaccine phối hợp bao gồm việc giảm chi phí bảo quản và quản lý so với các vaccine đơn giá, giảm chi phí số lần đi tiêm chủng, cải thiện sự kịp thời của tiêm chủng và tạo thuận lợi cho việc bổ sung các loại vaccine mới vào chương trình tiêm chủng. Với việc sản xuất ra vaccine đa giá, ngoài các lợi ích trên, thì người dân cũng không còn phải lo đến vấn đề khan hiếm vaccine và nước ta cũng không cần phải nhập khẩu vaccine đa giá từ nước ngoài.    

Việt Nam hiện đang có bốn nhà sản xuất vaccine, mỗi đơn vị sẽ được phân công một hoặc vài thành phần trong vaccine phối hợp. Mục tiêu ban đầu là tăng cường năng lực nghiên cứu, sản xuất vaccine phục vụ nhu cầu trong nước và tiến tới khả năng xuất khẩu vaccine.

Theo ông Đỗ Tuấn Đạt, thách thức của các nhà vaccine Việt Nam là phối hợp từng thành phần vaccine đơn lẻ. Có thể hoàn thành mục tiêu phối hợp từng thành vaccine đơn lẻ sớm nhưng phải chờ để cùng thử nghiệm vaccine phối hợp vì mục tiêu được giao là nghiên cứu, sản xuất loại vaccine phối hợp.

Việt Nam sẽ sản xuất vaccine đa giá 

Về vấn đề an toàn của các loại vaccine này, ông Đạt nhấn mạnh, các nhà sản xuất vaccine Việt Nam luôn đảm bảo yếu tố an toàn là khâu đầu tiên và vaccine muốn lưu hành rộng rãi ra thị trường phải trải qua nhiều bước thử nghiệm tính an toàn và hiệu lực. “Về công nghệ sản xuất vaccine của Việt Nam, chúng ta có thể tự hào Việt Nam là một trong số ít quốc gia có thể sản xuất vaccine công nghiệp. Đến nay Việt Nam đã sản xuất được 11/12 vaccine tham gia chương trình tiêm chủng mở rộng. Trong đó, có những vaccine như vaccine sởi đã được Tổ chức Y tế thế giới đánh giá là chất lượng hàng đầu thế giới”, ông Đỗ Tuấn Đạt chia sẻ.

TS. Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết, với việc sản xuất được 11/12 loại vaccine cung cấp cho chương trình tiêm chủng mở rộng, Việt Nam là một trong những quốc gia tự chủ được nguồn vaccine ngay từ những năm thập niên 80.

Khó khăn lớn nhất hiện nay là nhân lực

Theo mục tiêu của Chương trình sản phẩm quốc gia vaccine phòng bệnh cho người, đến năm 2020, nước ta sẽ sản xuất và thương mại hóa được ít nhất 7 loại vaccine quan trọng phòng bệnh cho người (vaccine đa giá, vaccine Rota, viêm não Nhật Bản, cúm mùa, thương hàn, dại và viêm gan A) tại Việt Nam, đáp ứng đủ yêu cầu chương trình tiêm chủng mở rộng trong nước, thay thế vaccine nhập khẩu, tiến tới xuất khẩu vaccine ra một số nước trong khu vực và thế giới.

Bà Nguyễn Thị Kim Tiến nói: “Việt Nam hoàn toàn có thể xuất khẩu vaccine sởi và cúm. Đặc biệt, với việc xây dựng nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP tại Khánh Hòa, Việt Nam sẽ có 1 trong 12 nhà máy cung ứng vaccine cúm trên toàn cầu”.

Trong khi đó, ông Đỗ Tuấn Đạt cho hay, khó khăn lớn nhất mà các nhà sản xuất vaccine hiện nay gặp phải là nhân lực. Nguồn nhân lực sản xuất vaccine ở Việt Nam nhiều năm qua quen với bao cấp mà chưa thật sự ra thị trường. Một tỷ lệ lớn nhân lực tham gia sản xuất cũng chưa được đào tạo cơ bản, không có trường lớp đào tạo mà chủ yếu qua công việc thực tế.

Ông cũng chia sẻ, chương trình sản phẩm quốc gia là một lợi thế và phải tận dụng được triệt để cơ hội này. Hơn 10 năm nay, Việt Nam cũng đang tiếp cận quy trình, quy chuẩn sản xuất vaccine của quốc tế và Tổ chức Y tế thế giới cũng đang chuẩn bị để đánh giá và công nhận hệ thống quản lý chất lượng vaccine quốc gia (NRA) của Việt Nam. Khi đó, nước ta sẽ mở rộng xuất khẩu vaccine ra nước ngoài.

Phát triển sản xuất vaccine trong nước cũng được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển của ngành Dược Việt Nam. Mục tiêu đến năm 2020, vaccine sản xuất trong nước đáp ứng 100% nhu cầu tiêm chủng mở rộng và 30% nhu cầu tiêm chủng dịch vụ.
M.Hiếu H+ (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Góc nhìn quản lý