WHO cân nhắc ban bố tình trạng khẩn cấp vì đậu mùa khỉ

Đậu mùa khỉ là một bệnh truyền nhiễm do virus gây ra, lần đầu tiên được xác định ở người vào năm 1970 tại Congo - Ảnh: Getty Images.

Bộ Y tế "nhắc" giám sát và phát hiện sớm ca bệnh đậu mùa khỉ

Việt Nam có ca tử vong đầu tiên do bệnh đậu mùa khỉ tại TP.HCM

Mỹ hối thúc cấp thiết phải đổi tên bệnh đậu mùa khỉ

Việt Nam xuất hiện ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên, Bộ Y tế chỉ đạo khẩn

Theo AFP, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, cơ quan y tế Liên Hợp Quốc, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Châu Phi, chính phủ các nước và các đối tác đang tăng cường ứng phó với đợt bùng phát.

“Tôi đang cân nhắc việc triệu tập một ủy ban khẩn cấp để đánh giá khả năng tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu đối với đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ vốn đang khiến cộng đồng quốc tế lo ngại hay không. Tuy nhiên, cần thêm kinh phí và hỗ trợ để có phản ứng toàn diện” - Ông Tedros nêu rõ, theo AFP.

Tình trạng khẩn cấp quốc tế về sức khỏe cộng đồng (PHEIC) là báo động cao nhất được WHO phát đi. Với tư cách là Tổng Giám đốc, ông Tedros có thể ban bố PHEIC theo khuyến nghị của một ủy ban gồm nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này.

Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh số ca mắc đậu mùa khỉ tại Cộng hòa Dân chủ (CHDC) Congo hiện tăng mạnh, khiến nhiều người tử vong. Kể từ tháng 9 năm ngoái, số ca nhiễm bệnh đã gia tăng ở CHDC Congo do một chủng virus mới được phát hiện gần đây ở các quốc gia Châu Phi lân cận.

Trong bài viết trên Tạp chí Science mới đây, ông Tedros khẳng định: “Loại virus này có thể ngăn chặn và phải được ngăn chặn bằng các biện pháp y tế công cộng tăng cường, bao gồm giám sát, sự tham gia của cộng đồng, điều trị và triển khai vaccine có mục tiêu cho những người có nguy cơ lây nhiễm cao hơn”.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus - Ảnh: AFP

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus - Ảnh: AFP

Đậu mùa khỉ là một bệnh truyền nhiễm, lần đầu tiên được xác định ở người vào năm 1970 tại Congo. Bệnh này đã xuất hiện trong nhiều năm ở một số quốc gia Tây và Trung Phi, khi virus lây truyền từ động vật bị nhiễm bệnh sang người. Bệnh gây sốt, đau nhức cơ bắp như cúm và tổn thương da bởi các nốt mụn chứa đầy mủ. Hầu hết ca bệnh có triệu chứng nhẹ, song có vẫn có thể gây tử vong.

Vào tháng 5/2022, số ca nhiễm đậu mùa khỉ gia tăng trên toàn thế giới, chủ yếu ảnh hưởng đến nhóm nam giới đồng tính, lưỡng tính, quan hệ tình dục đồng giới và người có nhiều bạn tình. Đợt bùng phát dịch bệnh đã khiến WHO phải tuyên bố PHEIC, kéo dài từ tháng 7/2022 đến tháng 5/2023. Sau đó, đợt bùng phát này đã lắng xuống và tình trạng khẩn cấp cũng đã được gỡ bỏ.

Kể từ tháng 9/2023 đến nay, một chủng đậu mùa khỉ khác lại xuất hiện đã khiến số ca mắc gia tăng đột biến ở CHDC Congo. Vào 11/7/2024, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, hơn 11.000 trường hợp và 445 trường hợp tử vong đã được báo cáo ở Congo trong năm nay, trong đó trẻ em bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Liên minh Châu Phi hôm 2/8 cho biết, thông qua Quỹ COVID, họ đã hỗ trợ khẩn cấp 10,4 triệu USD cho các nỗ lực của CDC Châu Phi nhằm tiếp tục chống lại sự bùng phát bệnh đậu mùa khỉ trên khắp lục địa.

Việt Nam phát hiện ca đậu mùa khỉ đầu tiên vào tháng 10/2022. Đến đầu năm nay, Bộ Y tế ghi nhận hơn 68 ca đậu mùa khỉ, 6 người tử vong, phần lớn bệnh nhân tiền sử nhiễm HIV. Từ đó đến nay các địa phương vẫn rải rác ghi nhận người mắc bệnh đậu mùa khỉ.

 
Hiệp Nguyễn (Theo AFP)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn