WHO cảnh báo về "cơn sóng thần" khi Delta và Omicron cùng ập đến

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus - Ảnh: AP.

Omicron đang lây lan nhanh "chưa từng thấy", Campuchia đã có ca đầu tiên

WHO: Biến thể Omicron lây lan nhanh hơn, làm suy yếu hiệu quả vaccine

WHO khuyến cáo không sử dụng huyết tương trong điều trị COVID-19

Việt Nam chủ động phối hợp WHO và CDC Hoa Kỳ ứng phó với chủng Omiron

"Biến chủng Delta và Omicron đang là hai mối đe dọa khiến số ca nhiễm tăng kỷ lục, dẫn đến số ca nhập viện và tử vong tăng đột biến", Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết trong cuộc họp báo hôm 29/12.

"Tôi rất lo ngại Omicron, có khả năng lây nhiễm cao và lây lan cùng lúc với Delta, đang dẫn đến một trận sóng thần về số ca nhiễm", ông Tedros cảnh báo, theo Reuters.

Ông Tedros một lần nữa kêu gọi các quốc gia phân phối vaccine đồng đều hơn và cảnh báo việc quá chú trọng tiêm mũi tăng cường tại các nước phát triển có thể khiến nguồn cung vaccine cho các nước nghèo trở nên hạn hẹp. Ông Tedros cho biết, WHO đang thực hiện chiến dịch vận động để mỗi quốc gia đều sẽ đạt mục tiêu tiêm phòng cho 70% dân số vào giữa năm 2022, từ đó giúp thế giới vượt qua giai đoạn hiểm nghèo vì đại dịch COVID-19.

Sự xuất hiện của biến chủng Omicron với số lượng đột biến nhiều "chưa từng thấy" được cho là nguyên nhân chính dẫn đến đợt bùng phát dịch COVID-19 mạnh nhất từ trước đến nay ở nhiều quốc gia trên thế giới. Trong ngày 28/12, hàng loạt quốc gia ghi nhận số ca mắc mới cao kỷ lục kể từ đầu dịch.

Dịch bệnh đang tái bùng phát ở Châu Âu khi số ca mắc mới tăng mạnh ở nhiều nước châu lục này. Hiện nay đây chính là "tâm dịch" của thế giới và biến thể Omicron dự kiến sẽ chiếm chủ đạo số ca mắc tại Châu Âu trong tháng tới.

Nhiều nước chứng kiến sự bùng phát của biến chủng mới như: Mỹ, Đức Anh, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ và số ca mắc mới vẫn cao. Trong 1 ngày qua, Mỹ là nước có số ca mắc mới cao nhất (trên 300.000 ca).

Tương tự, Pháp cũng ghi nhận trên 200.000 ca mắc mới trong ngày 29/12, mức cao nhất kể từ khi dịch bùng phát tại nước này. Hiện biến thể Omicron cũng đang tiếp tục lan rộng tại Pháp. Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran đánh giá, với tình hình hiện nay thì Omicron không phải đang gây ra làn sóng dịch bệnh mới mà là một “cơn sóng thần” dịch bệnh mới.

Ngày 28/12, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo Omicron có thể khiến các hệ thống y tế rơi vào "quá tải", dù những nghiên cứu trước đây nhận định biến thể mới này chỉ gây ra các triệu chứng COVID-19 ở thể nhẹ hơn.

Tiến sĩ Catherine Smallwood, quan chức cấp cao thuộc Văn phòng WHO khu vực Châu Âu nêu rõ: "Sự lây lan nhanh của biến thể Omicron... thậm chí nếu kết hợp với các ca nhiễm COVID-19 ở thể nhẹ hơn, vẫn sẽ dẫn tới một số lượng lớn bệnh nhân nhập viện, nhất là ở những người chưa tiêm vaccine COVID-19".

Bà Smallwood cũng nhấn mạnh, tình trạng này sẽ gây ra sự gián đoạn trên diện rộng đối với các hệ thống y tế cũng như các dịch vụ quan trọng khác. WHO kêu gọi các nước cần chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực để tránh nguy cơ hệ thống y tế sụp đổ.

Theo Reuters, cũng trong ngày 28/12, giới chức Indonesia đang truy vết tiếp xúc sau khi phát hiện một ca nhiễm Omicron đầu tiên ngoài cộng đồng ở nước này. Cho đến ngày 28/12, Indonesia đã ghi nhận 47 ca nhiễm biến thể Omicron, hầu hết là các trường hợp nhập cảnh. Chính phủ nước này đã quyết định tăng cường xét nghiệm PCR đối với người nhập cảnh, sau khi phát hiện một số ca nhiễm biến thể mới thông qua sàng lọc tại điểm cách ly tập trung Wisma Atlet ở Jakarta.

 
Hiệp Nguyễn (Theo Reuters)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn