8 lời khuyên "vàng" cho người có HIV

Sự quan tâm, chia sẻ của cộng đồng, gia đình là "liều thuốc" tốt giúp bệnh nhân HIV có thêm nghị lực và sống tốt hơn

Viêm gan B dễ lây nhiễm hơn HIV từ 50 đến 100 lần

Đại dịch HIV đã có mặt ở 100% tỉnh, thành

Bệnh lao giết người ngang hàng HIV/AIDS

9 năm bị “kết án” nhiễm HIV oan

HIV là một loại virus tác động trực tiếp vào hệ thống miễn dịch, làm suy giảm khả năng bảo vệ của cơ thể khỏi sự xâm hại của các vi sinh vật, vi khuẩn, virus... Virus HIV phá hoại cơ thể dần dần và âm thầm, trong giai đoạn cuối, nó sẽ phát triển thành AIDS - thường được gọi là hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải. Lúc này, hệ thống miễn dịch đã hoàn toàn "tàn tạ", và nó không còn khả năng để chống chọi lại những bệnh lý thông thường.

Mặc dù vậy, các nhà khoa học đang ngày đêm miệt mài nghiên cứu nhằm tìm ra các biện pháp điều trị hiệu quả. Người nhiễm HIV hiện vẫn có thể làm chậm sự phát triển của bệnh ADIS, gia tăng tuổi thọ nếu tuân thủ nghiêm ngặt việc điều trị và áp dụng những lời khuyên dưới đây.     

1. Tìm các bác sỹ chuyên chữa trị HIV và thực sự hiểu mình

Điều quan trọng, bệnh nhân HIV cần cảm thấy thoải mái khi ở gần và trò chuyện với bác sỹ điều trị. Bởi vì, người bác sỹ là một thành viên rất quan trọng trong đội ngũ chăm sóc sức khỏe của họ. Nếu bạn cảm thấy không thoải mái với vị bác sỹ hiện tại, hãy đề nghị được giới thiệu một chuyên gia khác.

2. Điều trị toàn diện

Ngoài sự chăm sóc của bác sỹ điều trị HIV, bệnh nhân cũng cần được cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe khác.

TS. Mark Rasnake, Khoa Bệnh Truyền Nhiễm, Đại học Tennessee, Knoxville, Hoa Kỳ cho biết: "Việc chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân HIV phải bao gồm các bác sỹ, y tá, chuyên gia dinh dưỡng và nhân viên xã hội chuyên về HIV, liên quan tới HIV. Chẳng hạn nha sỹ, bác sỹ nhãn khoa, đặc biệt các là bác sỹ trị liệu tâm lý. Hơn tất cả, người bệnh cần được theo dõi và duy trì tất cả các cuộc hẹn với các bác sỹ chuyên khoa khác để được bảo đảm về sức khỏe thể chất và tinh thần".

Bệnh nhân HIV cần cảm thấy thoải mái khi ở gần và trò chuyện với bác sỹ

3. Tham gia cộng đồng hỗ trợ

Thêm vào đó, bệnh nhân HIV cũng nên tham gia một nhóm hỗ trợ cho những người có HIV. Ở đây, bạn có thể chia sẻ những nỗi sợ hãi, cũng như sự lo lắng của chính bản thân với nhân viên tư vấn hoặc những người cùng chung cảnh ngộ. Bởi hơn ai hết, những người tham gia vào nhóm hỗ trợ là những thành viên đã từng trài, họ có nhiều kinh nghiệm hơn bạn, và có thể giúp bạn vượt qua cơn khủng hoảng khi mới được chẩn đoán dương tính với HIV.

Đặc biệt, sự quan tâm của bạn bè và gia đình cũng là điều quan trọng để bệnh nhân HIV có thêm động lực sống tốt, sống có ý nghĩa.

4. Quan hệ tình dục an toàn

Mặc dù, điều trị sớm bằng thuốc HIV có thể giữ lượng virus HIV ở mức thấp nhất, từ đó làm giảm nguy cơ lây truyền, nhưng bệnh nhân vẫn có thể truyền HIV cho người bạn tình. Mặt khác, nếu cả bạn và bạn tình đều có HIV, nguy cơ bội nhiễm HIV - một tình trạng lây truyền các chủng HIV khác nhau - cho nhau là rất cao. Thế nên, cần chắc chắn rằng, bệnh nhân HIV và bạn tình luôn áp dụng các phương pháp tình dục an toàn như sử dụng bao cao su, đeo miếng miếng bảo vệ miệng...

Đọc tiếp các lời khuyên còn lại dành cho bệnh nhân HIV


5. Chế độ dinh dưỡng

Một chế độ ăn uống lành mạnh là yếu tố quan trọng giúp phác đồ điều trị HIV có hiệu quả hơn. Nó cung cấp năng lượng, tăng cường khả năng chịu đựng và hỗ trợ sức khỏe miễn dịch cho người bệnh.

TS. Rasnake còn nhấn mạnh: "Một số thuốc điều trị HIV có thể khiến mức độ cholesterol trong máu của bệnh nhân vượt qua mức kiểm soát, và một chế độ ăn uống lành mạnh, ví dụ như tăng cường rau xanh, hoa quả, giảm tinh bột, thịt mỡ... là chìa khóa để giảm thiểu tác dụng không mong muốn này".

Thêm nữa, chế độ ăn uống thích hợp cũng là điều cần thiết đối với bệnh nhân đã diễn tiến sang giai đoạn AIDS, khi mà cơ thể đang gặp phải tình trạng suy dinh dưỡng nặng.

6. Vận động cơ thể

Bệnh nhân HIV không cần phải bỏ ra hàng giờ tại phòng tập thể dục. Thay vào đó, họ chỉ cần dành ra 30 – 45 phút đi bộ, chơi thể thao, đi xe đạp, hoặc tham gia một lớp tập aerobic mỗi ngày. Nghiên cứu cho thấy, hoạt động thể chất làm tăng sức mạnh, độ bền, giúp bạn đạt được/duy trì một trọng lượng khỏe mạnh, phòng ngừa bệnh tim, đái tháo đường. Nó cũng có thể làm giảm nguy cơ trầm cảm, tăng năng lượng và tăng cường sức khỏe cho xương. Lưu ý, người bệnh cần nói chuyện với bác sỹ trước khi bắt đầu một chương trình tập thể dục mới.

Vận động giúp duy trì sức khỏe cho bệnh nhân HIV

7. Duy trì sức khỏe răng miệng

Theo Rasnake, HIV làm tăng nguy cơ mắc bệnh nướu răng và răng, nên người bệnh cần khám nha khoa định kỳ 6 tháng một lần và duy trì vệ sinh răng miệng đều đặn. Bệnh nhân cần lưu ý bảo vệ cơ thể khỏi bị nhiễm trùng, do bất kỳ một nhiễm trùng đều có thể ảnh hưởng trầm trọng tới sức khỏe của người bệnh vì hệ thống miễn dịch lúc này đang bị suy yếu bởi sự tàn phá của virus.

8. Tránh ma túy, rượu bia và hút thuốc lá

Các chất trong ma túy, rượu bia, thuốc lá có thể góp phần với virus làm suy yếu hệ thống miễn dịch và tăng cường khả năng bị nhiễm trùng. Đơn cử, nghiên cứu được công bố vào tháng 9/2012 trên Tạp chí HIV/AIDS cho thấy, hút thuốc không chỉ làm suy yếu tác dụng của phác đồ điều trị HIV, nó còn có thể làm tăng một số bệnh nhiễm trùng liên quan đến HIV, chẳng hạn viêm phổi do vi khuẩn, bệnh tim mạch, ung thư...

M. Hiếu H+ (Theo Everyday)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Bệnh lây nhiễm