WHO cảnh báo "mối đe dọa đại dịch" sốt xuất huyết do sự nóng lên toàn cầu

Nhân viên y tế đang phun hóa chất diệt muỗi ở Bangkok, Thái Lan - Ảnh: Reuters.

WHO: 6 trẻ em tử vong sau khi uống siro ho nhiễm độc ở Cameroon

WHO: Ghi nhận số lượng lớn mèo nhiễm virus cúm gia cầm H5N1 ở Ba Lan

WHO: Cúm gia cầm gia tăng bất thường gây lo ngại cho con người

Biến đổi khí hậu và "cánh cửa đang dần đóng lại" đối với loài người

Theo Reuters, WHO cho biết, tỷ lệ sốt xuất huyết đang gia tăng trên toàn cầu, với các trường hợp được báo cáo vào năm 2022 là 4,2 triệu ca bệnh, cao hơn gấp 8 lần so với con số thống kê năm 2000.

Vào tháng 3 vừa qua, căn bệnh này lần đầu tiên lan rộng kỷ lục ở Sudan theo báo cáo của WHO, trong khi Châu Âu báo cáo số ca mắc tăng đột biến và Peru tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở hầu hết các khu vực.

Đầu năm nay, WHO ra cảnh báo rằng sốt xuất huyết là bệnh nhiệt đới lây lan nhanh nhất thế giới và là một "mối đe dọa đại dịch".

Tiến sĩ Raman Velayudhan, chuyên gia tại bộ phận kiểm soát các bệnh nhiệt đới của WHO, nói với các nhà báo ở Geneva rằng khoảng một nửa dân số thế giới hiện đang có nguy cơ mắc bệnh.

Tiến sĩ Velayudhan nêu rõ các trường hợp được báo cáo cho WHO đạt mức cao nhất mọi thời đại vào năm 2019 với 5,2 triệu trường hợp ở 129 quốc gia. Năm nay thế giới đang trên đà ghi nhận "hơn 4 triệu ca", phụ thuộc chủ yếu vào mùa mưa gió ở Châu Á.

Theo TS Velayudhan, gần 3 triệu trường hợp mắc sốt xuất huyết đã được báo cáo ở Châu Mỹ, đồng thời bày tỏ quan ngại về sự lây lan của dịch bệnh xuống khu vực phía Nam sang các nước Bolivia, Paraguay và Peru. Tại Argentina, nơi phải đối mặt với một trong những đợt bùng phát dịch sốt xuất huyết tồi tệ nhất trong những năm gần đây, đang khử trùng muỗi bằng cách sử dụng bức xạ làm thay đổi DNA của chúng.

“Tình hình sốt xuất huyết đang diễn biến khá tồi tệ ở khu vực Châu Mỹ. Chúng tôi hy vọng khu vực Châu Á có thể kiểm soát được dịch bệnh”, chuyên gia của WHO cho hay.

Theo WHO, các trường hợp mắc sốt xuất huyết được báo cáo cho đến nay chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số ca nhiễm toàn cầu vì hầu hết đều không có triệu chứng, trong đó tỷ lệ số ca tử vong chưa đến 1%.

Khí hậu ấm hơn được cho là giúp muỗi sinh sản nhanh hơn và tạo điều kiện cho virus tồn tại trong cơ thể chúng. Ông Velayudhan trích dẫn sự di chuyển ngày càng tăng của hàng hóa và con người, quá trình đô thị hóa và các vấn đề liên quan đến vệ sinh là những yếu tố khác đằng sau sự gia tăng các ca bệnh.

Trả lời câu hỏi về tình trạng nắng nóng hiện nay ở Bắc bán cầu ảnh hưởng thế nào đến sự lây lan của dịch sốt xuất huyết, Tiến sĩ Velayudhan cho biết còn quá sớm để nói về điều này.

Chuyên gia của WHO giải thích, về lý thuyết, ở nhiệt độ trên 45 độ C, số lượng muỗi bị tiêu diệt nhiều hơn số muỗi sinh ra. Tuy nhiên, muỗi là loài côn trùng rất thông minh, và nó có thể sinh sản trong các vật chứa nước nơi nhiệt độ không tăng đến mức như vậy.

WHO cảnh báo nắng nóng cực đoan làm gia tăng áp lực cho các hệ thống y tế

Một cô gái đang té nước vào mặt từ đài phun nước ở Rome, Italia để cố gắng hạ nhiệt trong một đợt sóng nhiệt ở Châu Âu - Ảnh: AP

Một cô gái đang té nước vào mặt từ đài phun nước ở Rome, Italia để cố gắng hạ nhiệt trong một đợt sóng nhiệt ở Châu Âu - Ảnh: AP

Trước đó, trong cuộc họp báo ngày 19/7, WHO cũng cảnh báo nắng nóng khắc nghiệt đang ảnh hưởng tới hàng triệu người ở cả ba châu lục Á, Âu và Mỹ và gây áp lực cho nhiều hệ thống y tế, kêu gọi các nước có kế hoạch ứng phó cả ngắn hạn và dài hạn, theo AFP.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh, nắng nóng cực đoan gây hậu quả nặng nề nhất đối với những người có khả năng thích ứng kém nhất như người cao tuổi, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, người nghèo và người vô gia cư. Các hệ thống y tế cũng phải chịu áp lực lớn vì nắng nóng vượt ngưỡng có thể gây ra những hệ lụy khôn lường về sức khỏe, khiến những bệnh sẵn có nghiêm trọng hơn, thậm chí tử vong.

Bên cạnh đó, WHO cho biết, nắng nóng thường làm trầm trọng thêm những chứng bệnh sẵn có ở mỗi người, đặc biệt đáng lo ngại ở nhóm bị bệnh tim mạch, đái tháo đường và hen suyễn.

Hiện nay, WHO đang phối hợp với Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) hỗ trợ các nước xây dựng kế hoạch hành động trong thời tiết nắng nóng để điều phối công tác chuẩn bị ứng phó và giảm bớt tác động của tình trạng nắng nóng cực đoan tới sức khỏe của người dân.

Những ngày này, hàng triệu người ở cả ba châu lục Á, Âu và Mỹ đang phải đương đầu với tình trạng nắng nóng gay gắt. Nạn cháy rừng lan rộng ở nhiều nơi khi nhiệt độ liên tục phá vỡ các kỷ lục. Các chuyên gia cho rằng đây là một phần hậu quả của biến đổi khí hậu do tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch, và xu hướng toàn cầu nóng lên là yếu tố then chốt dẫn tới các loại hình thời tiết nguy hiểm.

Tại Châu Âu, chính phủ Italia ngày 19/7 đã ra báo động đỏ ở 23 thành phố do nắng nóng cực độ. Hy Lạp phải nhờ các lực lượng quốc tế hỗ trợ dập cháy rừng, trong khi Pháp ghi nhận nhiệt độ lên tới 40 độ C ở nhiều vùng phía Nam đất nước. Ở Tây Ban Nha, các nhà chức trách đưa ra thông điệp nhắc nhở mọi người tự bảo vệ mình để tránh hít phải khói bụi từ các đám cháy.

Tại Mỹ, đợt nắng nóng nguy hiểm tiếp tục diễn ra ở miền Nam và miền Tây. Thành phố Phoenix (bang Arizona) ghi nhận ngày thứ 20 liên tiếp có mức nhiệt trên 43 độ C trong ngày 18/7, phá vỡ kỷ lục 18 ngày liên tiếp ghi nhận nhiệt độ không thấp hơn mức này đã tồn tại từ năm 1974.

Tại Châu Á, thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc trải qua chuỗi ngày liên tiếp ghi nhận nhiệt độ trên 35 độ C dài nhất trong lịch sử. Ở Nhật, Đài Phát thanh - Truyền hình công cộng NHK đưa tin, nắng nóng đang ở mức đe dọa đến tính mạng khi nhiệt độ một số nơi tăng vọt lên gần 40°C. Chính phủ Nhật Bản đã ban hành cảnh báo say nắng đến 20 trong số 47 tỉnh của nước này, chủ yếu ở phía Đông và Tây Nam.

Các kỷ lục về nhiệt độ đang bị phá vỡ trên khắp thế giới và các nhà khoa học cho biết rất có thể năm 2023 sẽ trở thành năm nóng nhất từng được ghi nhận, kể từ khi việc đo lường được thực hiện từ những năm giữa thế kỷ 19.

 
Hiệp Nguyễn (Theo Reuters/AFP)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin