Những kiến thức cần biết trước khi bệnh sởi vào mùa

Bệnh sởi là bệnh xuất hiện quanh năm nhưng thường xảy ra dịch vào những tháng Đông - Xuân.

WHO cảnh báo bệnh sởi sắp là mối đe dọa toàn cầu

Trẻ bị sởi có nên dùng kháng sinh?

Làm sao để con nhanh khỏi bệnh sởi?

Bệnh sởi ở trẻ nguy hiểm thế nào, mắc bao lâu sẽ khỏi?

Theo công bố của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), sởi là một bệnh truyền nhiễm cao, hơn cả Ebola, bệnh lao hay bệnh cúm. Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra, chúng rất dễ dây lan và sống trong chất nhầy mũi, cổ họng của người nhiễm bệnh.

Bệnh sởi lây lan bằng đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với chất tiết từ mũi, họng của bệnh nhân. Nhiều trường hợp bị lây bệnh gián tiếp qua các đồ vật mang mầm bệnh do bệnh nhân sử dụng. Theo thống kê cứ 10 người tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân sởi sẽ có tới 9 người bị lây nhiễm nếu chưa từng bị mắc sởi. Trường hợp này cũng xảy ra với những ai chưa tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ.

Những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh sởi cao

Tất cả những người chưa có miễn dịch với sởi (những người chưa bị sởi bao giờ và chưa tiêm vaccine sởi) đều có nguy cơ mắc bệnh. Ở nước ta, các nhóm có nguy cơ mắc sởi cao là:

- Trẻ em, vì lúc này không còn miễn dịch do mẹ truyền sang nhưng chưa được tiêm vaccine

- Nhóm trẻ đã tiêm vaccine nhưng chưa có đáp ứng miễn dịch

- Thanh niên chưa từng mắc sởi hoặc chưa được tiêm vaccine trước đây.

- Những người đang mắc các bệnh mãn tính như tim bẩm sinh, cảm cúm, tiểu đường, bệnh lao,...có sức đề kháng yếu dễ bị virus sởi tấn công.

- Trẻ sinh ra bởi người mẹ bị nhiễm HIV: Trẻ sinh từ mẹ nhiễm HIV dễ mắc sởi ở tuổi nhỏ hơn trẻ sinh từ người mẹ không bị bệnh.

Do vậy, những nhóm đối tượng này cần được tiêm vaccine sởi để phòng ngừa bệnh.

Dấu hiệu nhận biết mắc bệnh sởi

Thời gian ủ bệnh khi mắc virus sởi từ 10 - 12 ngày, sau đó xuất hiện các triệu chứng như: Mắt đỏ, nhức mắt khi nhìn ánh sáng, sốt nhẹ, ho khan, ho không có đờm kéo dài liên tục, chảy nước mũi... Bên trong miệng, gần gò má xuất hiện những dấu hiệu đầu tiên là các nốt màu trắng.

Đến giai đoạn phát ban: Người bệnh xuất hiện ban đỏ trên da. Các nốt ban mọc từ sau tai lan ra mặt và lưng, sau 2-3 ngày sẽ lan ra toàn thân, lan dần xuống chân. Bệnh nhân sốt cao liên tục kèm theo các triệu chứng: mệt mỏi nhiều, ăn kém, đau mỏi toàn thân, ho khan nhiều, xung huyết kết mạc mắt, gỉ mắt nhiều,.

Ban sởi mọc theo thứ tự từ sau tai sau đó lan dần hai má, cổ ngực, chi trên,...

Ban sởi mọc theo thứ tự từ sau tai sau đó lan dần hai má, cổ ngực, chi trên,...

Cách xử trí khi bị bệnh sởi

Cần chú ý phát hiện sớm các biểu hiện của bệnh sởi để đi khám. Điều trị bệnh sởi chủ yếu là điều trị triệu chứng, kết hợp với chăm sóc đúng cách. Các biện pháp được áp dụng bao gồm:

– Hạ sốt: dùng thuốc hạ sốt thông thường (paracetamol) khi nhiệt độ từ 38,5 độ C trở lên.

- Giảm viêm nhiễm mũi họng.

– Thuốc kháng sinh chỉ dùng khi có bội nhiễm, biến chứng theo đơn của bác sĩ.

– Phối hợp với các biện pháp hồi sức tùy theo tình trạng người bệnh: hồi sức hô hấp khi có suy hô hấp (cho trẻ thở oxy, hô hấp hỗ trợ), hồi sức tim mạch.

Bên cạnh đó, chế độ chăm sóc trẻ bị sởi tại nhà cũng rất quan trọng, đặc biệt chế độ ăn uống có lợi cho sức khỏe của trẻ rất cần thiết để hỗ trợ điều trị bệnh.

Các biện pháp phòng ngừa bệnh sởi hiệu quả

Tiêm vaccine

Tiêm vaccine sởi là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. Trẻ cần được tiêm 2 mũi, mũi thứ nhất được tiêm khi trẻ 9 tháng tuổi, mũi thứ hai được tiêm khi trẻ 18 tháng tuổi.

Không có vaccine nào có hiệu quả bảo vệ 100%. Nếu trẻ được tiêm một mũi vaccine sởi lúc 9 tháng tuổi, chỉ có 80-85% trẻ có đáp ứng miễn dịch. Nếu trẻ được tiêm thêm mũi vaccine sởi thứ hai lúc 18 tháng tuổi thì tỷ lệ bảo vệ là 90-95%.

Sau khi mắc sởi xong hoặc sau khi được tiêm đủ 2 mũi vaccine theo lịch tiêm chủng thì có miễn dịch có thể bền vững suốt đời.

Giữ vệ sinh cá nhân và nhà cửa sạch sẽ

Cần hướng dẫn trẻ cách rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước sạch, đặc biệt là khi tới các khu vực đông người, chạm tay vào các bề mặt tiếp xúc thường xuyên. Khi trẻ ho hoặc hắt hơi, dạy trẻ cách ho/hắt hơi vào khăn giấy dùng một lần hoặc khuỷu tay. Tuyệt đối không sử dụng chung các đồ dùng cá nhân như bàn chải đánh răng, cốc uống nước, khăn tắm,...

Đồng thời, không để trẻ đưa tay chạm vào mắt, mũi, miệng sau khi chạm vào bất kì bề mặt nào có thể bị ô nhiễm. Nếu xung quanh trẻ có người bị ốm hoặc có biểu hiện của bệnh sởi, cần giữ trẻ tránh xa. Ngoài ra, cần chú ý vệ sinh nhà cửa sạch sẽ và chú ý tới mức độ thông gió trong nhà.

Xây dựng kế hoạch ăn uống lành mạnh, nâng cao sức đề kháng

Ngoài tiêm phòng và giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ thì cha mẹ cũng cần xây dựng một chế độ ăn uống giàu vitamin và khoáng chất giúp nâng cao hệ miễn dịch cho trẻ. Nhất là thời điểm giao mùa đông xuân thời tiết thay đổi thất thường dễ bị ốm.

Nhìn chung, do bệnh sởi dễ lây lan và có thể gây ra nhiều biến chứng nặng nề cho trẻ mắc bệnh, vì thế mà việc dự phòng là vô cùng quan trọng. Nếu có bất kì thắc mắc vào về tình trạng sức khỏe của trẻ có đáp ứng với việc tiêm vaccine không, cha mẹ nên thăm khám bác sĩ để được tư vấn tốt nhất.

 
Việt An (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ