Lần đầu tiên thế giới chữa khỏi hoàn toàn ung thư não

Lucas, cậu bé đầu tiên trên giới được chữa khỏi hoàn toàn ung thư não giai đoạn cuối.

WHO: Gánh nặng ung thư toàn cầu đang gia tăng nhanh chóng

Phát hiện đột phá giúp ngăn chặn sự lây lan của tế bào ung thư não

Mới: Sinh viên Ohio tìm ra loại thuốc điều trị ung thư não

Hy vọng mới chữa ung thư não nhờ virus bại liệt

Theo AFP, Jacques Grill, giám đốc chương trình điều trị u não tại Trung tâm Ung thư Gustave Roussy ở Paris, bác sĩ trực tiếp điều trị cho Lucas, xúc động khi nhớ lại khoảnh khắc thông báo cho cha mẹ cậu bé rằng con trai họ sắp chết.

Tuy nhiên, 7 năm sau, Lucas ở tuổi 13 đã không còn dấu vết khối u. Theo các nhà nghiên cứu, cậu bé người Bỉ này là người đầu tiên trên thế giới được chữa khỏi bệnh u thần kinh đệm thân não, một loại ung thư đặc biệt ác tính.

"Lucas đã vượt qua mọi khó khăn để sống sót", bác sĩ Jacques Grill cho biết.

Khối u có tên đầy đủ là u thần kinh đệm cầu não nội tại lan tỏa (DIPG), được chẩn đoán hàng năm ở khoảng 300 trẻ em ở Hoa Kỳ và 100 trẻ em ở Pháp. Trước Ngày Quốc tế Phòng chống Ung thư ở trẻ em (15/2), giới y khoa đã ca ngợi những tiến bộ có ý nghĩa trong cuộc chiến ung thư. Hiện nay, khoảng 85% trẻ em sống sót hơn 5 năm sau khi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư.

Tuy nhiên, tiên lượng đối với những trẻ em mắc khối u DIPG vẫn rất ảm đạm, hầu hết những trẻ này không sống được quá 1 năm sau khi được chẩn đoán. Một nghiên cứu gần đây cho thấy, chỉ có 10% trẻ mắc bệnh còn sống sau 2 năm.

Xạ trị đôi khi có thể làm chậm sự phát triển của khối u, nhưng hiện chưa có loại thuốc nào hiệu quả để điều trị hoàn toàn.

Trường hợp đặc biệt

 

Theo AFP, Lucas và gia đình đã đi từ Bỉ đến Pháp để cậu bé có thể trở thành một trong những bệnh nhân đầu tiên tham gia thử nghiệm BIOMEDE, dành cho loại thuốc tiềm năng mới đối với bệnh nhân mắc DIPG.

Ngay từ đầu, Lucas đã phản ứng mạnh mẽ với loại thuốc trị ung thư có tên everolimus mà cậu được chỉ định ngẫu nhiên.

“Sau hàng loạt lần chụp MRI, tôi quan sát thấy khối u đã biến mất hoàn toàn”, bác sĩ Grill chia sẻ với AFP.

Theo các nhà nghiên cứu, chính xác tại sao Lucas lại bình phục hoàn toàn như vậy và trường hợp của cậu bé có thể giúp đỡ những đứa trẻ khác mắc bệnh tương tự như thế nào trong tương lai vẫn còn là điều chưa rõ.

7 đứa trẻ khác trong thử nghiệm vẫn sống sót nhiều năm sau khi được chẩn đoán, nhưng chỉ khối u của Lucas biến mất, tức là em đã khỏi bệnh hoàn toàn. Theo bác sĩ Grill lý giải, do "đặc điểm sinh học" riêng của các khối u nên một số trẻ phản ứng với thuốc, số khác lại không. 

"Khối u của Lucas có một đột biến cực kỳ hiếm gặp, mà chúng tôi tin rằng khiến tế bào của nó nhạy cảm hơn nhiều với thuốc”, bác sĩ Grill chia sẻ thêm.

Triển vọng mới trong điều trị u não DIPG

Những đột phá mới trong y khoa thế giới đã mang lại hy vọng cho những trẻ em mắc khối u não hiếm gặp DIPG - Ảnh: Fred TANNEAU

Những đột phá mới trong y khoa thế giới đã mang lại hy vọng cho những trẻ em mắc khối u não hiếm gặp DIPG - Ảnh: Fred TANNEAU

Các nhà khoa học đang tìm hiểu thêm về những bất thường di truyền trong khối u bệnh nhân bằng cách tạo ra các "bó tế bào" được gọi là "cơ quan" khối u trong phòng thí nghiệm để nghiên cứu.

"Trường hợp của Lucas thực sự là tia hy vọng trong việc điều trị ung thư. Chúng tôi sẽ cố gắng tái tạo những khác biệt trong tế bào của cậu bé trong ống nghiệm", Marie-Anne Debily, giám sát viên nghiên cứu, cho biết.

Theo đó, nhóm nghiên cứu muốn tái tạo sự khác biệt di truyền trong các cơ quan để xem liệu khối u sau đó có thể bị tiêu diệt hiệu quả như trường hợp của Lucas hay không.

Nếu có tác dụng, bước tiếp theo của các nhà khoa học là tìm loại thuốc tương tự, tiến sĩ Marie-Anne Debily nói. Các nhà nghiên cứu tỏ ra hào hứng với hướng đi mới này, song họ cảnh báo còn chặng đường dài để thuốc đến với tay người tiêu dùng.

“Trung bình, phải mất 10-15 năm để cho ra đời một loại thuốc - đó là một quá trình lâu dài và kéo dài”, tiến sĩ Grill cho biết.

David Ziegler, bác sĩ chuyên khoa ung thư nhi tại Bệnh viện Nhi đồng Sydney (Australia) cho biết, u thần kinh đệm thân não (DIPG) đã thay đổi đáng kể trong thập kỷ qua. Tuy nhiên, những đột phá trong phòng thí nghiệm, tăng nguồn tài trợ và các thử nghiệm như BIOMEDE khiến các nhà khoa học tin vào tiềm năng điều trị hoàn toàn ung thư cho bệnh nhân.

 

Theo IFL Science, xuất hiện hầu như chỉ ở trẻ em, DIPG là một dạng ung thư hiếm gặp nhưng cực kỳ nguy hiểm. Do vị trí của khối u trong thân não nên phẫu thuật cắt bỏ khối u là không thể và thời gian sống sót trung bình chỉ từ 9 đến 10 tháng.

Dựa trên kết quả của nghiên cứu BIOMEDE, các nhà nghiên cứu đã chọn everolimus làm thuốc ứng cử viên cho BIOMEDE 2.0, bắt đầu vào tháng 9/2022.

Hiệp Nguyễn (Theo AFP/IFL Science)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn