Các khách mời tham dự buổi Tọa đàm - Ảnh: VGP
Trẻ bị cúm: Khi nào cần đi khám?
Rau củ quả giúp bảo vệ sức khỏe tim mạch mùa Thu - Đông
Khám phá về gene và sự tiến hóa loài người giành Giải Nobel Y sinh 2022
7 triệu chứng bất thường không nên chủ quan
Vợ chồng tôi vừa có chuyến đi xuyên biên giới đầu tiên sau hơn 2 năm bị kìm chân vì đại dịch. Thủ tục xuất ngoại (sang Lào) khá đơn giản. Khác với những lần trước, lần này cô nhân viên làm thủ tục của Vietnam Airline có thêm một công đoạn là kiểm tra giấy chứng nhận đã tiêm chủng và trong suốt hành trình bắt buộc phải mang khẩu trang, việc đã trở thành thói quen của mỗi người chúng ta khi ra đường. Chuyến bay của chúng tôi, sau chặng dừng ở Vientian (Lào) thì nối tiếp bay đi Phnom Penh (Campuchia), kín khách. Trên máy bay tôi cứ nghĩ, nếu cách đây 1 năm, nước mình không có cú “quay đầu xe” ngoạn mục trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, vẫn tiếp tục chủ trương thực hiện những biện pháp hành chính nghiêm ngặt để chống dịch thì liệu hôm nay chúng tôi có cuộc xuất ngoại như thế này không?!
Nhớ lại đúng một năm trước (11/10/2021), Chính phủ ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19. Vào thời điểm đó, sau những diễn biến tình hình dịch bệnh với những hậu quả nặng nề trong nước, nhất là tại TP.HCM, đây là một quyết định cân não của lãnh đạo ở cấp cao nhất, nhằm đưa đất nước chuyển hướng sang “sống chung với COVID-19”, vừa tập trung chống dịch, vừa phục hồi và phát triển kinh tế. Quyết định sáng suốt mang tầm chiến lược ấy đã giúp phục hồi và phát triển kinh tế để đưa Việt Nam là một trong những điểm sáng nổi bật trong phát triển kinh tế sau đại dịch. Nhận xét ấy không chỉ là bài học của riêng chúng ta mà còn là của cộng đồng quốc tế khi nhìn vào Việt Nam.
Lật lại những trang thông tin trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, trong cuộc tọa đàm dịp đầu năm (ngày 4/1/2022) với chủ đề “Nhìn lại 2021 - Những chuyển hướng chiến lược”, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã nhận định: “Tôi cho rằng, đến thời điểm Thủ tướng quyết định chuyển hướng từ Zero-COVID sang thích ứng an toàn, linh hoạt là đúng với tình hình phòng chống dịch của chúng ta. Đến nay, chiến lược này là phù hợp và đang mang lại hiệu quả cho cả hai lĩnh vực vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội”.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH &ĐT) Trần Quốc Phương thì cho rằng: “NQ 128 đã làm xoay chuyển cả cục diện, cả trong công tác chống dịch và phát triển kinh tế-xã hội”. Theo ông Phương nhìn nhận, NQ 128 ra đời rất phù hợp, không thể sớm hơn và cũng không thể muộn hơn vì phụ thuộc vào mức độ tiêm chủng, mức độ bao phủ vaccine trên toàn quốc. Về kinh tế, NQ 128 có ý nghĩa then chốt trong việc đảo chiều kết quả kinh tế năm 2021. “Nhờ có NQ 128 chúng ta mới có sự tăng trưởng kinh tế như hiện nay”, ông Phương nói trong cuộc tọa đàm.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cũng nhìn nhận, việc chúng ta ban hành rất kịp thời NQ 128 đánh dấu chuyển trạng thái rất phù hợp với xu hướng ngày càng phổ biến trên thế giới. Đa số các nước phải chấp nhận sống chung với đại dịch, vừa sản xuất, vừa xây dựng kinh tế, vừa chống dịch. Đây là những quyết sách dựa trên cơ sở thực tiễn khi chúng ta đã có tỉ lệ phủ vaccine xin nhất định. “Tôi cho rằng chúng ta chuyển trạng thái qua NQ 128 là một sự thay đổi và là quyết định thay đổi khó khăn. Quản lý sự thay đổi đó cũng là một thách thức lớn, chúng ta mở ra cũng xác định, chấp nhận có rủi ro nhất định, khi giao lưu, tiếp xúc nhiều”, Thứ trưởng Ngoại giao nói trong cùng cuộc tọa đàm.
Nhân một năm Chính phủ ban hành NQ 128, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ lại vừa có cuộc tọa đàm về Nghị quyết này. Vẫn là Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương, khẳng định lại những gì ông đã nói dịp đầu năm: Cần phải nhìn nhận rằng, với kết quả nền kinh tế Việt Nam đã đạt được cho đến thời điểm này, rất nhiều tổ chức quốc tế, các chuyên gia cũng đã nhận định một cách khách quan, đánh giá cao về cách chỉ đạo điều hành của Chính phủ khi đối phó với dịch bệnh. Bản thân là người làm trong bộ máy Chính phủ, chúng tôi cũng cảm nhận rất rõ nét về cách điều hành của Chính phủ.
Ông Phương chia sẻ một số ấn tượng của cá nhân về công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thời gian vừa qua. Đó là ấn tượng về sự chỉ đạo quyết liệt và sự sát sao của Thủ tướng Chính phủ đến tất cả các vấn đề, các lĩnh vực của hoạt động kinh tế-xã hội. Ngành KHĐT của ông Phương thường xuyên được Thủ tướng quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt và giám sát đến kết quả cuối cùng.
Ông Phương cảm nhận được sự chỉ đạo sát sao, kịp thời, linh hoạt của Chính phủ và Thủ tướng. Thủ tướng liên tục nhắc nhở và chỉ đạo phải nắm chắc tình hình và kịp thời tham mưu để ban hành chính sách kịp thời, hiệu quả. Từ quan điểm đó dẫn đến công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ rất linh hoạt và hiệu quả.
“Chúng ta hôm nay ngồi đây để có thể thấy rằng NQ 128 là bằng chứng rõ nét nhất từ việc nắm chắc tình hình thực tế trên cơ sở thực tiễn, lợi thế và các kết quả có sẵn để chúng ta điều chỉnh chính sách kịp thời”, Chinhphu.vn dẫn lời ông Phương.
Là một trong các khách mời của cuộc tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Y tế, bà Nguyễn Thị Liên Hương cho biết: Đến nay dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát. Tỷ lệ tử vong trên tổng số mắc ở Việt Nam là 0,02% trong khi trung bình thế giới xấp xỉ 1,2%. Tiêm vaccine phòng COVID-19 là một biện pháp quan trọng trong phòng, chống dịch.
Bà Liên Hương cũng cho biết, Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá Việt Nam có chiến lược sử dụng vaccine phù hợp, hiệu quả với cam kết thực hiện của toàn bộ hệ thống chính trị và người dân, là quốc gia đi sau nhưng về trước trong tiêm chủng vaccine phòng COVID-19. Tính đến ngày 30/9/2022, Việt Nam đã triển khai tiêm chủng được hơn 260 triệu liều vaccine an toàn, hiệu quả, khoa học. Tỷ lệ tiêm mũi 1, mũi 2 cho người từ 12 tuổi trở lên đạt xấp xỉ 100%, tỷ lệ tiêm mũi 3, mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên và tiêm mũi 1 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đã đạt mục tiêu. Việt Nam là một trong những nước triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 với quy mô rộng rãi, nhiều đối tượng, nhiều mũi tiêm, sử dụng đa dạng các loại vaccine, là quốc gia có số liều vaccine sử dụng, tỷ lệ bao phủ vaccine cao và tốc độ tiêm chủng nhanh so với các nước trên thế giới. Tỷ lệ tiêm mũi 3 cho người từ 12 tuổi trở lên trên tổng dân số cao gấp đôi tỷ lệ trung bình trên thế giới. Tỷ lệ tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi cao hơn một số quốc gia phát triển như Mỹ, Pháp, Đức, Italy. Việc tiêm chủng vaccine rất thành công góp phần quan trọng trong phòng chống dịch COVID-19.
Nói về NQ 128, bà Liên Hương cho hay: Nhớ lại những ngày khó quên cách đây hơn 1 năm, đợt dịch lần thứ 4 bùng phát, lúc đó thế giới còn chưa hiểu biết nhiều về dịch bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chưa có đủ vaccine để phòng bệnh, người dân hoang mang. Nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đã phải áp dụng các biện pháp hành chính để kiểm soát hiệu quả dịch bệnh như giãn cách xã hội, cách ly diện rộng.
Tuy nhiên chiến lược này chỉ tập trung vào phòng chống dịch, kiểm soát được dịch bệnh nhưng lại ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế-xã hội. Nếu kéo dài sẽ có thể dẫn đến đình trệ các hoạt động đời sống, kinh tế và gây bất ổn xã hội. Trước đại dịch nguy hiểm chưa từng có này, nhiều quốc gia hùng mạnh đều lúng túng, bị động. Khi đó đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội đã quyết liệt chỉ đạo toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu "dĩ bất biến, ứng vạn biến", "chống dịch như chống giặc nhưng phải đảm bảo khoa học, đồng bộ, hiệu quả".
Bà Liên Hương nhớ lại những ngày cách đây tròn 1 năm: Tại thời điểm cam go này, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Đây là một quyết sách sáng suốt, táo bạo, dũng cảm, thay đổi căn bản tư duy trong chiến lược phòng, chống dịch, quyết sách căn cứ vào kinh nghiệm thực tiễn trong nước, quốc tế, các bằng chứng khoa học, bám sát dự báo tình hình dịch bệnh, khả năng tiếp cận, cung ứng và tỉ lệ bao phủ vaccine phòng bệnh, sự sẵn có của thuốc điều trị với mục tiêu đặt tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết, vừa đảm bảo kiểm soát hiệu quả dịch bệnh vừa tạo điều kiện phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường mới.
Nghị quyết 128 được dư luận, nhân dân và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao và cho rằng Nghị quyết đã tạo ra bước ngoặt trong tư duy, cách thức mới trong phòng, chống dịch, tạo sự linh hoạt, phá vỡ tình trạng đóng băng trong sinh hoạt của người dân cũng như các hoạt động kinh tế xã hội ở một số nơi trong thời gian trước; là chìa khóa hóa giải khó khăn, tạo tiền đề để thực hiện thành công mục tiêu kép, ổn định xã hội, đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới.
Bà TS. Angela Pratt, vừa đến nhận nhiệm vụ Trưởng đại diện của WHO tại Việt Nam, cũng đã có mặt tại buổi tọa đàm trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ. Bà nhận định: NQ 128 là dấu mốc vô cùng quan trọng của Việt Nam trong phòng chống dịch COVID-19, là sự chuyển đổi rất quan trọng từ việc kiểm soát virus, kiểm soát sự lây lan bằng mọi giá và bây giờ chuyển sang trạng thái chung sống với COVID-19, hoặc quản lý bền vững để có thể cân bằng giữa việc áp dụng các biện pháp kiểm soát COVID-19 cộng với việc mở cửa nền kinh tế, xã hội.
“Theo tôi, Việt Nam đã rất sáng suốt trong việc đưa ra Nghị quyết này. Trước hết Việt Nam đã bao phủ tỷ lệ tiêm chủng rất cao và tỷ lệ này gia tăng theo thời gian. Việt Nam đã rất thành công trong việc kiểm soát lây lan của virus ngay từ giai đoạn đầu của đại dịch nhờ áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội và các biện pháp tại nơi công cộng…
NQ 128 được đưa ra thông qua một quá trình có sự tham vấn rất sâu rộng với sự lãnh đạo của Chính phủ có sự tham gia của các bộ ngành, các đối tác, chính quyền địa phương, các đối tác quốc tế. Đây là một trong những bài học quan trọng nhất chúng ta học được trong phòng chống COVID-19, bởi vì ngành y tế không thể một mình đương đầu với COVID-19 được mà cần sự chung tay chung sức của toàn xã hội.
NQ 128 là văn bản vô cùng quan trọng giúp chúng ta cân bằng phát triển xã hội nói chung cũng như áp dụng các biện pháp y tế công cộng. Những điều Việt Nam đưa vào NQ128 cũng là những điều Tổ chức Y tế Thế giới đã khuyến cáo. Sau 1 năm chúng ta đang ở vị thế thoải mái hơn điều đó đã thể hiện rất rõ hiệu quả của Nghị quyết này”. Người đứng đầu WHO tại Việt Nam được Chinhphu.vn dẫn lời.
Trả lời phỏng vấn của chinhphu.vn, bà Era Dabla-Norris, Trưởng đoàn giám sát của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa đến Việt Nam cho rằng, dù chịu tác động nặng nề của dịch COVID-19, nhưng trong quá trình phục hồi, Việt Nam đã làm được việc đáng ngưỡng mộ. Đó là kết hợp đồng bộ các chính sách, chuyển dịch trọng tâm chính sách kịp thời, từ đó giúp kiềm chế lạm phát tốt, ổn định kinh tế vĩ mô. “Chính phủ đã làm được việc đáng ngưỡng mộ trong năm nay dù chịu tác động nặng nề của cuộc khủng hoảng do dịch COVID-19, đó là ngay từ nửa đầu năm 2022, đã dần mở cửa trở lại nền kinh tế và ban hành những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh. “Về tổng thể ở Việt Nam hiện nay, sự kết hợp của các chính sách đồng bộ, sự chuyển dịch kịp thời, chuyển trọng tâm từ hỗ trợ phục hồi sang tập trung vào ổn định giá cả đã giúp kiềm chế lạm phát tốt’’.
Trên chuyến bay của Vietnam Airline trở về Hà Nội, tôi thấy khách quốc tế chưa nhiều. Cũng có thể vì chuyến bay xuất phát từ Phnom Penh, dừng lại tiếp thêm khách ở Vientian. Nhưng hành khách không chỉ toàn là những người đi vì có “công chuyện” mà không ít người “không có công chuyện” cũng đi như vợ chồng tôi. Trở lại với cuộc tọa đàm, Thứ trưởng KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết thông tin, với chính sách mở cửa du lịch, hầu hết các ngành dịch vụ trong nước đều phục hồi. Du lịch quốc tế vẫn còn đang ở con số khiêm tốn, tính chung 9 tháng năm 2022, khách quốc tế đến nước ta đạt hơn 1.800.000 lượt người, gấp 16,4 lần so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn giảm 85,4% so với cùng kỳ năm 2019, năm chưa có dịch COVID-19. Mặc dù vậy, những ngành khác như vận tải, dịch vụ đều phục hồi mạnh mẽ. Nghĩ lại, thật sự nếu không có sự “chuyển hướng chiến lược” trong chống dịch thì chắc chúng tôi, cũng như biết bao người dân khác, vẫn chôn chân ở nhà, bức bách!
Bình luận của bạn