Omicron tăng nhanh ở "tâm dịch" Nam Phi và đã xuất hiện ở Đông Nam Á

Biến thể Omicron đã bắt đầu lan tới Đông Nam Á.

Chuyên gia y tế đánh giá về nguy cơ biến thể Omicron vào Việt Nam

Thủ tướng: Kiểm soát người đến và đi qua nơi chịu ảnh hưởng của biến chủng Omicron

"Siêu biến thể" Omicron đang lan ra nhiều quốc gia trên thế giới

Omicron - "Siêu biến thể COVID-19" nguy hiểm thế nào mà cả thế giới lo sợ?

Reuters hôm 2/12 đưa tin Omicron, biến thể mới của SARS-CoV-2, đang nhanh chóng trở thành biến thể chiếm ưu thế ở Nam Phi sau chưa đầy 4 tuần được phát hiện lần đầu tiên ở nước này, và tính đến nay, Omicron đã được ghi nhận ở ít nhất 24 quốc gia. Trong đó, Mỹ hôm nay (3/12) vừa thông báo đã ghi nhận 9 ca nhiễm biến chủng Omicron tại 5 bang, trong đó 2 trường hợp lây trong cộng đồng. Cùng ngày, Australia cũng đã phát hiện 9 ca nhiễm biến chủng Omicron, trong đó 8 trường hợp ở bang New South Wales đông dân nhất cả nước. 

Trước sự gia tăng nhanh chóng các ca nhiễm biến chủng Omicron, các quốc gia bắt đầu áp đặt nhiều hạn chế đi lại với miền Nam Châu Phi do lo ngại về làn sóng COVID-19 mới, giới khoa học đang "chạy đua" để thu thập các dữ liệu liên quan đến chủng mới của virus SARS-CoV-2 và đưa ra nhiều dự đoán về "tương lai" của biến chủng Omicron.

Châu Âu lo Omicron có thể trở thành biến chủng "thống trị" trong vài tháng

ECDC dự đoán Omicron có thể trở thành biến chủng thống trị ở Châu Âu trong vài tháng tới - Ảnh: AP

ECDC dự đoán Omicron có thể trở thành biến chủng "thống trị" ở Châu Âu trong vài tháng tới - Ảnh: AP

Reuters đưa tin, cơ quan y tế công cộng EU ngày 2/12 cảnh báo rằng, biến chủng Omicron có thể sẽ gây ra hơn một nửa số ca COVID-19 ở Châu Âu trong vài tháng tới.

Ước tính trên có thể phản ánh phần nào việc các chuyên gia đánh giá các thông tin sơ bộ về Omicron, trong bối cảnh nó là chủng SARS-CoV-2 có nhiều đột biến chưa từng có.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Châu Âu ECDC cho biết: "Dựa vào mô hình toán học do ECDC thực hiện, có những dấu hiệu cho thấy Omicron có thể gây ra hơn một nửa số ca COVID-19 ở khu vực EU và khu vực kinh tế Châu Âu (EEA) trong vài tháng tới".

Hiện vẫn chưa có thông tin và bằng chứng chính xác về khả năng lây lan của Omircon nhưng quan chức Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Maria van Kerkhove cho biết tổ chức này hy vọng sẽ có được dữ liệu này trong vài ngày tới.

Vào ngày 2/12, cố vấn khoa học hàng đầu của chính phủ Pháp Jean-Francois Delfraissy đưa ra kịch bản rằng, Omicron có thể sẽ soán vị trị của Delta vào cuối tháng Một năm sau.

Châu Âu hiện ghi nhận 79 ca Omicron kể từ khi chủng này lần đầu bị phát hiện ở khu vực phía Nam Châu Phi tháng trước, theo ECDC. Một nửa số ca trong số đó không có triệu chứng, và một nửa còn lại chỉ có triệu chứng nhẹ. Không có ca nào bệnh nhân có triệu chứng nặng, phải nhập viện, hoặc tử vong.

Biến thể Omicron đã xuất hiện ở Đông Nam Á

Ngày 2/12, Bộ Y tế Singapore thông báo, nước này phát hiện 2 ca đầu tiên có kết quả xét nghiệm sơ bộ dương tính với biến thể Omicron. Theo đó, Singapore trở thành quốc gia Đông Nam Á đầu tiên thông báo ghi nhận các ca mắc biến thể mới Omicron.

Cả 2 ca đều đã được cách ly khi đến Singapore cùng ngày và không có tiếp xúc với bất kỳ ai trong cộng đồng. "Hiện tại chưa có bằng chứng về bất kỳ sự lây truyền nào ra cộng đồng từ những ca này", Bộ Y tế Singapore cho hay.

Hai bệnh nhân COVID-19 nhiễm biến chủng Omicron ở Singapore đều đến từ Johannesburg (Nam Phi), đang hồi phục trong khu cách ly tại trung tâm các bệnh truyền nhiễm quốc gia, đều đã tiêm chủng đầy đủ và có các triệu chứng nhẹ như ho, ngứa cổ họng.

Ấn Độ, nơi bị biến thể Delta hoành hành trong đợt bùng dịch tháng 5 vừa qua, cũng ghi nhận 2 ca mắc biến thể Omicron có triệu chứng nhẹ tại bang Karnataka trong ngày 2/12. Đây là 2 ca Omicron đầu tiên tại Ấn Độ, được phát hiện giữa lúc nước này chuẩn bị mở cửa. Nhà chức trách Ấn Độ đã truy vết tất cả các tiếp xúc và đang lấy mẫu xét nghiệm, phân tích.

Theo Hindustan Times, Tiến sĩ Poonam Khetrapal Singh, Giám đốc WHO khu vực Đông Nam Á, nhận định các nước nên cảnh giác với các ca nhiễm nhập cảnh, từ khách du lịch quốc tế.

"Dù số ca COVID-19 đã giảm ở hầu hết các quốc gia trong khu vực, song dịch bệnh hiện gia tăng ở những nơi khác và sự xuất hiện của biến chủng đáng lo ngại mới là lời nhắc nhở các nước cần thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn sự lây lan của virus", bà Khetrapal Singh nói.

Omicron tăng nhanh ở "tâm dịch" Nam Phi và nguy cơ tái nhiễm COVID-19 cao gấp 3 Delta 

Các chuyên gia ở Nam Phi cho biết, biến thể Omicron có khả năng gây tái nhiễm cao gấp 3 lần các biến chủng trước đây

Các chuyên gia ở Nam Phi cho biết, biến thể Omicron có khả năng gây tái nhiễm cao gấp 3 lần các biến chủng trước đây

Theo The Guardian, dựa trên bằng chứng dịch tễ học mới nhất được thu thập tại Nam Phi, Viện Quốc gia về Các bệnh Truyền nhiễm (NICD) tiết lộ Omircron có thể tránh được miễn dịch ở người từng nhiễm các biến chủng trước đó và gây tái nhiễm với tỉ lệ cao gấp 3 lần.

Trung tâm Mô hình và Phân tích Dịch tễ Nam Phi cùng viện NICD cho biết, những phát hiện mới nhất này sẽ “cung cấp bằng chứng dịch tễ học về khả năng tránh miễn dịch của Omicron đối với những lần mắc COVID-19 trước đó”. Các trường hợp được coi là tái nhiễm nếu họ có kết quả xét nghiệm dương tính cách nhau 90 ngày.

Theo SCMP, tại "tâm dịch" Nam Phi, biến thể Omicron đang lây lan nhanh tại Gauteng, địa phương đầu tiên ghi nhận trường hợp mắc Omicron, với mức lây nhiễm cộng đồng ở mức cao nhất từng ghi nhận được. 

Bruce Mellado, cố vấn chính quyền tỉnh Guateng của Nam Phi, hôm 2/12 nhận định lây nhiễm cộng đồng đang tăng mạnh "mức chưa từng thấy ở Nam Phi" và là dấu hiệu biến chủng có khả năng lây nhiễm cao hơn, sẽ trở thành biến chủng phổ biến nhất.

Cố vấn tỉnh Guateng dự báo tác động từ Omicron lên hệ thống y tế sẽ được kìm hãm nhờ 25% người dân Nam Phi đã tiêm chủng, cũng như một bộ phận dân số mắc COVID-19 đã bình phục. 

Trả lời phỏng vấn trên kênh CNBC, Tiến sĩ Leong Hoe Nam tại bệnh viện Mount Elizabeth Novena nói, mặc dù vaccine chống biến thể Omicron có thể được phát triển nhanh nhưng chúng cần được thử nghiệm trong 3-6 tháng để chứng minh có thể tạo miễn dịch. Ông nói: “Nhưng nói thẳng, biến thể Omicron sẽ thống trị và lan tràn toàn thế giới trong 3-6 tháng tới”.

Tiến sĩ Leong cũng cho rằng, 3 mũi vaccine sẽ có thể bảo vệ con người trước nguy cơ nhiễm bệnh nặng, nhưng nhiều quốc gia vẫn có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Theo ông, Omicron đang đe dọa toàn thế giới khi làm tăng vọt số ca mắc và các hệ thống y tế có thể bị quá tải, cho dù chỉ 1 tới 2% trong số đó phải nhập viện.

Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen nhấn mạnh hiện đang có “cuộc chạy đua với thời gian” trong việc ngăn chặn sự lây lan của biến thể Omicron. “Hãy chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất, hy vọng cho điều tốt nhất”, bà der Leyen phát biểu tại một cuộc họp báo ngày 1/12. Bà còn dẫn lời các nhà khoa học rằng việc tiêm vaccine đầy đủ và tiêm tăng cường cung cấp khả năng bảo vệ mạnh nhất, theo Reuters.

Omicron xuất hiện lần đầu tại Botswana vào ngày 11/11, sau đó được Nam Phi phát hiện và công bố, khi số ca nhiễm ở nước này tăng theo cấp số nhân chỉ trong vài tuần. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 26/11 tuyên bố xếp biến chủng này vào danh sách "đáng lo ngại".

Tính đến nay đã có ít nhất 56 quốc gia áp đặt các biện pháp hạn chế đi lại nhằm chống biến thể Omicron, theo AFP. Giới khoa học toàn cầu đang "gấp rút" tìm hiểu liệu biến chủng mới có đột biến đáng kể so với các chủng trước hay không, cũng như mức độ lây nhiễm, khả năng gây tử vong và né tránh miễn dịch.

 
Hiệp Nguyễn (Theo Reuters/The Guardian/SCMP/AFP)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn