Covid-19 và quyền sống, hạnh phúc của con người

Dù đã được kiểm soát nhưng Covid-19 vẫn đe dọa mạng sống của con người

Bộ Y tế tổ chức buổi tọa đàm số 2 trong chiến dịch "Tiêm vaccine - Vững niềm tin"

AstraZeneca: Câu chuyện về cuộc đua phát triển vaccine chống Covid-19 của các nhà khoa học Oxford

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Công ty Dược phẩm Sanofi

Ngàn mặt trời rực rỡ: Câu chuyện của tình yêu và hy vọng

Vinh danh khoa học
Làm thế nào chúng ta có thể rút ra điều gì đó sau gần hai năm chống Covid-19 từ một quan điểm lịch sử rộng lớn? Nhiều người tin rằng Coronavirus gây ra số tử vong khủng khiếp, chứng tỏ sự bất lực của nhân loại trước sức mạnh của thiên nhiên. Thực tế, năm 2020 đã cho thấy rằng nhân loại không hề bất lực. Khoa học đã có thể kiểm soát được dịch bệnh.
Vậy tại sao lại có nhiều chết chóc và đau khổ? Chính là do những quyết định quản trị xã hội tồi tệ của con người.
Trong các thời đại trước, khi con người phải đối mặt với một bệnh dịch như Cái chết Đen vào thế kỷ 15, họ không biết cái gì đã gây ra nó hoặc làm thế nào để ngăn chặn nó. Khi đại dịch cúm năm 1918 xảy ra, các nhà khoa học giỏi nhất trên thế giới không thể xác định được loại virus chết người, nhiều biện pháp đối phó được áp dụng đều vô ích và những nỗ lực phát triển một loại vaccine hiệu quả đã thất bại.
Tuy vậy, khi đại dịch Covid-19 xảy ra, mọi chuyện đã khác. Hồi chuông cảnh báo đầu tiên về một đại dịch mới tiềm ẩn bắt đầu vang lên vào cuối tháng 12 năm 2019. Đến ngày 10 tháng 1 năm 2020, các nhà khoa học đã không chỉ phân lập được virus gây bệnh mà còn giải mã bộ gene của nó và nhanh chóng công bố thông tin trên mạng internet. Trong vòng vài tháng, người ta đã thấy rõ những biện pháp nào có thể làm chậm và ngăn chặn các chuỗi lây nhiễm. Chưa đầy một năm, một số loại vaccine hiệu quả đã được sản xuất hàng loạt. Moderna, Pfizer, AstraZeneca… Rồi mới nhất là thuốc điều trị viên Molnupiravir có thể chống tất cả biến thể.
Trong cuộc chiến giữa con người và mầm bệnh, chưa bao giờ con người lại mạnh và nhanh đến thế.
Corona virus vẫn đe dọa quyền sống của con người
Tuyên ngôn Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc nói: tất cả mọi người đều có quyền sống. Thomas Jefferson đã thảo ra khái niệm này và ghi vào Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ. Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945 cũng ghi: "…dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.
Năm 2020 con người bước vào một cuộc chiến thật sự chống lại đại dịch Covid-19.
Thực ra, cùng với nạn đói, cuộc chiến chống dịch bệnh chỉ là một phần trong trận đại chiến chính của con người nhằm giành giật và chiếm lĩnh thời gian sống. Không gì cường điệu cả, khi nói quyền căn bản nhất của con người là quyền sống. 
Chúng ta luôn được nhắc rằng: cuộc sống là cái thiêng liêng nhất của vũ trụ. Tất cả đều nói như thế.Thầy giáo trong trường học, chính trị gia ở quốc hội, luật sư ở toà và nghệ sỹ trên sân khấu đều nói như thế. Tuyên ngôn phổ quát về nhân quyền được LHQ công nhận – điều gần gũi nhất mà chúng ta có chung đối với bản hiến pháp toàn cầu - quyền sống là giá trị căn bản nhất.
Đầu tháng 11/2021, nhân danh quyền sống của tất cả mọi dân tộc, Tổng Thư ký LHQ kêu gọi các nước giàu hãy chia sẻ vaccine chống Covd-19 nhiều hơn cho các nước nghèo. Quyền sống của một tiến sỹ giàu có ở London cũng ngang bằng như quyền sống của một người Ethiopia mù chữ, nghèo đói. Tại Hội nghị thượng đỉnh Bảo vệ môi trường COP26 ở Glasgow (Anh), tất cả lãnh đạo các quốc gia, trong đó có Thủ tướng Việt Nam, đều đồng thuận “cứu lấy trái đất”, chống dịch bệnh để bảo vệ quyền được sống của nhân loại.
Trong cuộc chiến giữa con người và mầm bệnh, chưa bao giờ con người lại mạnh và nhanh đến thế.
Khoa học không tin vào Thần Chết
Trên thực tế, “con người không chết vì cái áo choàng đen của Thần Chết, cũng không phải vì Chúa hay Phật… hay chết là cái tất nhiên của quy luật tự nhiên, có sinh có tử”.  Khoa học tin rằng con người chết chỉ vì một trục trặc kỹ thuật nào đó. Nếu giải quyết được vấn đề kỹ thuật này thì con người có thể chiến thắng cái chết.
Rõ ràng, ngày càng nhiều nhà khoa học và bác sỹ tuyên bố mình có thể làm cho con người “kéo dài quyền sống”. 
Dự án tham vọng nhất của thế kỷ 21 chính là dự án về sự bất tử.
Đáng chú ý là công việc của hai nhà lão học và bác học Aubrey de Grey và Ray Kurzweil (người được trao Huy chương quốc gia Hoa Kỳ về công nghệ và phát minh năm 1999). Vào năm 2012, Kurzweil được cử làm Giám đốc Công nghệ của Google và năm 2013 ông trở thành giám đốc công ty con Calico mà nhiệm vụ chính của nó là “giải quyết cái chết” (solve death).
Chúng ta cần chú ý rằng năm 2009, Google đã cử một nhà bác học khác - Bill Maris - người luôn tin vào sự bất tử vật lý, làm chủ tịch Quỹ Đầu tư Mạo hiểm Google.
Bill Maris - Chủ tịch Quỹ Đầu tư mạo hiểm Google, luôn tin rằng con người có thể sống tới 500 tuổi nếu biết chăm sóc đúng cách.
Trong một phỏng vấn năm 2015, Maris đã nói: “Nếu bạn hỏi tôi bây giờ có thể thọ đến 500 tuổi không? Câu trả lời là: Có”. Và để minh chứng cho lời nói dũng cảm của mình, Maris đưa ra nhiều con số “tiền cứng” trong 2 tỷ USD tài trợ cho nhiều công ty khởi nghiệp đầy tham vọng về nghiên cứu kéo dài cuộc sống. Ông nói: “ Dù sao, sống vẫn tốt hơn là chết” (It is better to live than to die).
Cộng đồng công nghệ tại Sillicon Valley đã nhiệt thành ủng hộ sáng kiến về sự “bất tử”, mà tiêu biểu là Peter Thiel, người sáng lập PayPal, nhà doanh nghiệp thuộc loại thành công và ảnh hưởng nhất tại Sillicon Valley, với tài sản 2,2 tỷ USD.  Mới đây Thiel thú nhận rằng “ông đang nhắm đến mục tiêu sống mãi”. Ông cho rằng: Có ba cách tiếp cận cái chết, một là chấp nhận nó, hai là từ chối nó, và ba là chống lại nó. Tất nhiên, Thiel theo cách thứ ba: chống lại cái chết. Trên bức tường tại công ty ông có dòng chữ: “Bình đẳng đi ra - Bất tử đi vào” (Equality is out - Immortality is in). Thậm chí có chuyên gia dự báo thời gian con người chiến thắng cái chết là năm 2200, có người lạc quan hơn: Năm 2100. 
Nhưng hai điều kiện để đạt tới sự bất tử, theo Kurzweil và de Grey, cũng không quá cầu kỳ, đó là: 1) cơ thể tráng kiện 2) một tài khoản ngân hàng dồi dào. Có nghĩa là khỏe mạnh chưa đủ, phải có đủ tiền.
Và như vậy đến năm 2500, những người bất tử này chỉ cần “cứ mỗi 10 năm đến bệnh viện một lần, chủ yếu lấy toa thuốc và để bác sỹ nâng cấp các bộ phận cơ thể như tay chân, mắt, mũi… Và 10 năm sau lại đến và khi đó y khoa đã tiến lên vượt bậc, và bạn không cần uống thuốc, mà chỉ để làm đẹp thôi.
Thật ra con người đã nhân đôi tuổi thọ cứ qua mỗi 100 năm. Ví dụ thế kỷ 20 bình quân tuổi thọ con người từ 40 lên 70 và thế kỷ 21 hy vọng sẽ lên 150. 
Đạo diễn lừng danh người Mỹ Woody Allen có lần được hỏi: “Ông có muốn sống mãi trên màn bạc không?”. Và Allen trả lời: “Tôi thích sống mãi trong căn hộ của tôi hơn”. Ông giải thích thêm rằng: Ông không muốn trở thành bất tử nhờ thành tích nghệ thuật của mình. Nếu muốn, ông chỉ muốn đạt được “bất tử” khi không phải chết.
Nói cho cùng, vinh danh bất tử, tưởng nhớ những anh hùng yêu nước hay giấc mơ thiên đường, đều là những thay thế chẳng đặng đừng cho cái gì mà con người thật sự muốn như Allen, đó là “không phải chết”. 
“Khát vọng được sống sẽ từ chối việc tiếp tục kéo những toa tàu nghệ thuật, ý thức hệ và tôn giáo và khát vọng đó sẽ tiến lên phía trước như một trận lở tuyết”.  
CLB 120 tuổi ở TP.HCM đã có nhiều năm hoạt động, mong muốn kéo dài tuổi thọ của người Việt Nam đến 120 tuổi
Ở thành phố Hồ Chí Minh của tôi đã có một Câu lạc bộ 120, dành cho các hội viên là những nhà doanh nghiệp muốn sống (và hy vọng sống) đến tuổi 120. Câu lạc bộ này do doanh nhân Đặng Đức Thành sáng lập năm 2018 và đến năm 2020 - khi dịch Covid-19 bùng nổ, đã có trên 300 hội viên.
Nhiều năm trước tôi có xem một cuốn phim kiếm hiệp của TVB Hong Kong nói về một nữ hiệp đã uống nhầm một loại thuốc trường sinh. Thời gian đầu cô thấy rất vui vì đã chiến thắng tất cả kẻ thù. Nhưng sau đó, tất cả người cùng thời chết hết, rồi tới con cháu, chắt… và nhiều thế hệ nữa cũng ra đi, đến mức cháu mấy đời còn già hơn nữ hiệp trăm tuổi. Khi ấy nữ hiệp cảm thấy cô đơn vô hạn, cô tìm lên một ngọn núi tuyết và nhảy xuống nhưng vẫn không chết… Hạnh phúc lớn nhất của cô lúc ấy là được chết, chứ không phải được sống. Như vậy nếu thật sự con người được quyền sống, thì cũng phải được quyền chết.
Thế kỷ 21 phải có một dự án lớn nữa là dự án hạnh phúc, mà một phần của nó là cuộc tranh đấu về một cái chết êm ái. Nói cho cùng, đó cũng như uống thuốc ngủ hay thuốc an thần, chỉ khác là thời gian kéo dài đến vô tận mà thôi.
Tổng hạnh phúc nội địa
Cho nên bây giờ các nhà nghiên cứu đưa ra một khái niệm mới bổ sung thêm cho Tổng sản phẩm nội địa (GDP: Gross Domestic Production), đó là Tổng Hạnh phúc nội địa (GDH: Gross Domestic Happiness). Cuối cùng thì con người muốn cái gì, sản xuất hay hưởng hạnh phúc? Câu trả lời thực tình là: “Tôi muốn hạnh phúc”. Điều đó thấy rõ trong các câu chúc phổ biến nhất: “Trăm năm hạnh phúc” (không ai chúc: Trăm năm sản xuất cả), “Happy Birthday” hay “Happy New Year”… Nếu gọi “Tổng sản phẩm nội địa” là phương tiện để đạt tới cái mục đích tối thượng là “Tổng Hạnh phúc nội địa” cũng không gì quá đáng!
Tác giả Yuval Noah Harari trong cuốn Homo Deus đặt câu hỏi: Nếu trong thế kỷ 21, các tai họa chính của con người là nạn đói, dịch bệnh và chiến tranh biến mất, thì phải chăng mục tiêu thứ hai của loài người là hạnh phúc (sau quyền sống), và khi mà hòa bình, thịnh vượng cũng như tuổi thọ tăng đáng kể thì đương nhiên con người sẽ thấy hạnh phúc hơn. Điều đó có đúng không? 
Câu trả lời là: Không đúng.
Bạn nên nhớ triết gia Epicurus từ thời Hy Lạp cổ đại định nghĩa hạnh phúc là điều lành tối thượng, nhưng ông cũng cảnh báo rằng phải làm việc cực nhọc để đạt được hạnh phúc. Chỉ đạt được vật chất không làm chúng ta hạnh phúc lâu dài. Thật ra những cuộc mưu tìm mù quáng tiền tài, danh vọng, thú vui chỉ làm chúng ta trở nên khốn nạn hơn mà thôi.
Cuộc sống tốt hơn, tiền nhiều hơn nhưng con người không hề hạnh phúc hơn trước đây
GDP bình quân đầu người của Mỹ tăng gấp đôi, nhưng các nghiên cứu đều cho thấy người Mỹ không hề hạnh phúc hơn trước đây. Mức độ sung sướng của những năm 1990 cũng chỉ dừng lại mức của những năm 1950.
Tại Nhật, thu nhập thực tế đầu người tăng 5 lần trong khoảng 1958 đến 1987, nhưng người dân không thấy hạnh phúc hơn. Người Nhật cảm thấy hạnh phúc và không hạnh phúc với mức độ giống nhau giữa những năm 90 và 50 của thế kỷ trước, có nghĩa dù vật chất khá hơn trước, người Nhật vẫn không thấy sung sướng hơn 40 năm trước.
Luu ý rằng: hạnh phúc có hai yếu tố quan trọng là tâm lý và sinh lý. Về mặt tâm lý, hạnh phúc phụ thuộc vào những mong ước của chúng ta, nhưng thường con người không bao giờ ngừng mơ ước. Bạn có một giấc mơ, ví dụ khi tôi 20 tuổi, ước mơ của tôi là trở thành một nhà báo, khi đạt ước mơ đó, thì một ước mơ khác lớn hơn xuất hiện, ví dụ: giải thưởng Pulitzer. Nếu không được thì sau đó là một ước mơ khác, không đạt thì tôi sẽ buồn khổ, không còn hạnh phúc nữa. Nhiều nhà nghiên cứu về ước mơ và hạnh phúc cho rằng thế giới càng văn minh, con người càng không thỏa mãn.
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng cách duy nhất để kéo dài hạnh phúc của con người là hệ thống sinh hóa. Tăng trưởng kinh tế, cải cách xã hội, cách mạng chính trị không mang lại hạnh phúc. Cách duy nhất là tận dụng hệ sinh hóa của con người.
Quân đội cũng đi theo hướng dùng sinh hóa để an tâm binh sỹ. Nghiên cứu cho thấy: 12% binh sĩ Mỹ ở Iraq và 17% ở Afghanistan phải dùng thuốc ngủ hoặc thuốc an thần để tránh nỗi sợ chiến tranh. Nỗi sợ này không gây ra bởi bom đạn, vũ khí kẻ thù, mà do những trao đổi chất trong cơ thể hay hệ thần kinh. 
Trong cuộc săn tìm hạnh phúc, con người muốn bất tử và miễn dịch trước tai họa, và đau đớn nên con người muốn mình có những phẩm chất của thần linh. Điều này tưởng như là tiểu thuyết khoa học viễn tưởng, nhưng trong thế kỷ 21, đang xuất hiện thành sự thực. Các nhà khoa học đang cố gắng nâng cấp các cơ quan nội tạng con người bằng cách tạo ra các phản ứng sinh hóa mới bên trong cơ thể. 
Bản chất của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 chính là sản xuất sự sống (không phải vật chất như thế kỷ 20), sản xuất con người, người máy và các cơ quan, bộ phận của cơ thể, kể cả não bộ. 
Lúc đó, không phải là Covid-19, mà ngay cả Thần Chết cũng phải ra đi?
Covid-19 mang lại chết chóc và sợ hãi, nhưng lại làm cho con người thấy quyền được sống, được hạnh phúc có giá trị và sức mạnh hơn bao giờ!
Trần Ngọc Châu
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Bạn đọc viết