Yoga cho người bệnh tiểu đường

Bệnh tiểu đường là một hình thức rối loạn chuyển hoá đường trong cơ thể khiến lượng đường trong máu tăng cao và một phần khác bị đào thải ra ngoài qua nước tiểu. Do đó người bệnh thường ăn nhiều uống nhiều, đi tiểu nhiều và dễ mệt mỏi. Bệnh thuộc phạm vi chứng tiêu khát của y học cổ truyền. Chứng tiêu khát có liên quan đến việc rối loạn khí hoá của nhiều tạng phủ khác nhau nhưng quan trọng và trực tiếp nhất là Tỳ Vị.

Qua nghiên cứu những đối tượng nam, các nhà khoa học cho biết nguy cơ mắc bệnh tiểu đường ở những người có tập thể dục đều đặn 5 lần mỗi tuần giảm chỉ còn phân nửa so với với nhóm người chỉ tập một lần mỗi tuần. Rèn luyện thân thể, vận động cơ bắp để giúp khí huyết lưu thông là điều kiện cơ bản để giữ gìn sức khoẻ. Riêng đối với bệnh tiểu đường sự vận động còn có ý nghĩa đặc biệt. Đông y cho rằng "Tỳ chủ hậu thiên" và "Tỳ chủ tứ chi và cơ nhục". Việc chuyển hoá thức ăn và việc vận động cơ bắp có liên quan với nhau và liên quan trực tiếp với việc khí hoá của Tỳ Vị. Phải năng vận động cơ bắp thì khí hoá của Tỳ Vị mới được bảo đảm và việc chuyển hoá thức ăn bao gồm chuyển hoá đường mới được cải thiện.

Do đó một khó khăn trong điều trị bệnh tiểu đường là yêu cầu phải tăng cường vận động. Một số người đã khỏi bệnh, đã rời bỏ thuốc cho biết ngoài việc dinh dưỡng hợp lý họ còn phải tuân thủ một chế độ vận động cơ thể hàng giờ hơn mỗi ngày và vẫn luôn phải duy trì chế độ nầy. Tiếc thay điều này không phải ai cũng thực hành được. Có thể do quá bận rộn công việc, do tuổi cao sức yếu hoặc do những yếu tố khác của sức khoẻ không cho phép. Trong những trường hợp này, người bệnh cần có một phương thức tập luyện không tốn nhiều thời gian nhưng chuyên biệt hơn cho bệnh tiểu đường. Một số tư thế Yoga có thể đáp ứng nhu cầu này.

Một số tư thế Yoga truyền thống có tác dụng tốt với bệnh tiểu đường

Thế đầu tựa gối

Ngồi thẳng lưng. Hai chân duỗi thẳng ra phía trước. Gập đầu gối phải lại và dùng 2 bàn tay kéo bàn chân phải vào sát đáy chậu, đầu gối phải sát mặt sàn, chân trái vẫn duỗi thẳng. Hít vào hai cánh tay giơ thẳng lên cao, thở ra từ từ gập người xuống, kéo giãn hai tay, kéo giãn cột sống về phía trước, hai bàn tay ôm lấy cổ chân hoặc bàn chân. Trong khi giữ tư thế hít thở đều, mỗi lần thở ra cố ép người gần xuống đùi trái, đầu tựa lên đầu gối trái, chân trái vẫn thẳng, đùi phải và đầu gối phải vẫn giữ sát mặt sàn. Hít vào nhấc đầu và thân lên, duỗi chân phải ra và trở lại tư thế ngồi thẳng lưng, hai chân duỗi thẳng ra phía trước như lúc ban đầu. Hít thở sâu một vài hơi trước khi đổi chân và lập lại động tác.

Thế ngồi gập người về phía trước

Ngồi thẳng lưng, hai chân duỗi thẳng, hướng hai mũi bàn chân về phía đầu gối. Hít vào đưa hai tay lên cao kéo dãn cột sống, thở ra từ từ gập người xuống, kéo giãn hai tay, kéo giãn cột sống về phía trước. Có thể dùng 2 bàn tay nắm lấy 2 cổ chân hoặc đan chéo 2 bàn tay ôm lấy 2 bàn chân và hướng mũi bàn chân về phía đầu gối để kéo dãn khoeo chân. Thời gian đầu có thể dùng một chiếc gối tựa trên 2 đùi để khi ép người xuống dễ giữ thẳng được 2 khuỷu chân. Trong khi giữ tư thế hít thở đều, mỗi lần thở ra cố ép người xuống một chút. Thoát tư thế, hít vào, đưa tay về phía trước nhấc đầu và thân người lên, trở về tư thế ban đầu.


Thế ngồi gập người về phía trước

Thế rắn hổ mang

Nằm sấp trên sàn. Hai bàn tay úp xuống, đặt sát ngay bên ngực, các ngón tay ngang bằng với vai, khuỷu tay hơi hướng lên trên. Hít vào, từ từ nâng đầu và ngực lên, uốn cong lưng về phía sau, mắt nhìn lên trần. Trong tư thế này phần cơ thể từ rốn tới chân luôn luôn chạm mặt sàn. Giữ tư thế và hít thở đều. Thở ra, từ từ hạ thấp phần ngực, đầu và đặt trán xuống trở lại vị trí ban đầu.


Thế Rắn hổ mang

Thế vặn cột sống

Ngồi trên sàn, hai chân thẳng ra. Gập chân trái lại, đặt gót chân áp sát mông trái. Chân phải vắt qua chân trái lại, bàn chân phải phía ngoài đầu gối trái. Đầu gối phải sát dưới nách trái, tay phải đặt ngay sau mông phải. Hít vào, kéo giãn tay trái lên cao, thở ra, vặn người sang bên phải, mắt nhìn qua vai phải đồng thời khuỷu tay trái đẩy đầu gối phải sang bên trái và bàn tay trái nắm lấy cổ chân phải hoặc bàn chân phải. Giữ nguyên tư thế này vài giây. Hít vào, kéo dãn tay trái lên và đưa đầu về trước, thở ra thả lỏng toàn thân trở về vị thế ban đầu. Tập lại tư thế này lần nữa với tay chân và chiều vặn ngược lại.


Cơ chế tác dụng của các tư thế

Tăng cường lưu thông khí huyết để gia tăng chức năng khí hoá của Tỳ Vị:

Những động tác vặn người, cúi gập hoặc kéo giãn của Yoga được thực hành chậm rãi và mềm dẻo không tốn nhiều năng lượng, không tạo áp lực cho tim nhưng lại có thể hoá giải xơ cứng và tăng cường lưu thông khí huyết đến những nơi mà sinh hoạt hằng ngày không đủ tác động tới. Những hơi thở sâu và những động tác kéo giãn quanh bụng có tác dụng xoa bóp và kích thích lưu thông khí huyết đến các tổ chức ở vùng bụng như gan, mật, lá lách, dạ dày, tuỵ tạng. Nằm ngay dưới dạ dày, tuỵ tạng là một tuyến nội tiết có nhiệm vụ xuất tiết chất insulin để điều tiết lượng đường trong máu. Như vậy, thông qua việc tăng cường khí huyết những tư thế trên không những có thể làm gia tăng chức năng khí hoá của tỳ vị mà còn tác động trực tiếp lên tuyến tuỵ để điều tiết việc xuất tiết insulin qua đó điều tiết lượng đường trong máu. Tác động trên những tuyến nội tiết và qua việc xuất tiết nội tiết gây ảnh hưởng đến toàn thân là một trong những nét đặc thù của Yoga.


Tăng cường sinh lực cho việc chuyển hoá cơ bản

Những động tác kéo giãn cột sống theo các hướng khác nhau quanh thắt lưng có tác dụng giải toả những ứ trệ chung quanh những đốt sống thắt lưng và hoạt hoá luân xa 5. Luân xa 5 nằm dưới đốt sống thắt lưng thứ hai. Luân xa 3 là trung tâm năng lượng cung cấp sinh lực cho các chức năng sinh dục, tiêu hoá và bài tiết. Trong số 7 luân xa chính của cơ thể luân xa 5 chủ về sức khoẻ vật chất và cũng là luân xa có quan hệ trực tiếp đến việc chuyển hoá chất đường.


Điều hoà cảm xúc và giải toả căng thẳng tâm lý

Ngoài việc thúc đẩy lưu thông khí huyết, kích thích và làm tươi trẻ hệ thần kinh dọc theo tuỷ sống những động tác căng giãn tối đa còn có tác dụng giãn cơ nhất là các cơ trơn tạo nên thành của các cơ quan nội tạng. Do tương tác thần kinh & cơ bắp việc thư giãn nầy sẽ tác động trở lại làm điều hoà thần kinh giao cảm. Việc điều hoà hệ thống thần kinh ngoài việc điều hoà cảm xúc, giải toả những căng thẳng tâm lý còn có tác dụng điều hoà nội tiết, nội tạng và tăng cường khả năng miển nhiểm của cơ thể.

Lưu ý :

Nên tập Yoga trong lúc bụng trống để không ảnh hưởng đến việc tiêu hoá và dễ thực hành các động tác cúi, ngửa.
Mỗi ngày có thể tập 1 hoặc 2 lần. Mỗi tư thế có thể tập một hoặc nhiều lần trong mỗi buổi tập. Giữa mỗi tư thế nên thở sâu một vài hơi, kế tiếp thở đều hoà trước khi tập đến tư thế khác. Điều quan trọng của hơi thở sâu không phải là cố hít vào nhiều hơi mà là thở ra chậm, từ từ và cố ép sát bụng dưới khi thở ra.
Thực hành các động tác phải chậm và từ từ để tránh bị sai khớp, trặt gân hoặc những tổn thương khác. Độ "căng giãn" hoặc "ép sát" sẽ được phát triển dần qua thời gian. Không nên quá cố gắng trong những lần đầu.
Những động tác kéo căng và những hơi thở sâu có khả năng kích hoạt một số luân xa của cơ thể. Do đó, liền sau mỗi buổi tập nên thực hành thư giãn từ 10 đến 15 phút để phát huy việc thu nhận và phân phối năng lượng thông qua các luân xa cho việc chữa bệnh và tăng cường sức khoẻ. Nằm xuống thoải mái trên sàn nhà hoặc trên ván qua một lớp chăn mỏng. Hai tay để dọc 2 bên thân. Hít thở đều hoà. Thì thở ra chậm và dài hơn thì thở vào. Tập trung tư tưởng quan sát hơi thở vào và ra. Trong thì thở ra có thể nhẩm trong tâm ý nghỉ "buông lỏng toàn thân".
Những phụ nữ có thai không nên tập các tư thế trong bài.
Những động tác Yoga không có giá trị thay thế các loại thuốc đang sử dụng. Việc gia giảm liều lượng thuốc tuỳ theo diễn tiến của bệnh phải tuân theo sự chỉ dẫn của Bác sĩ điều trị.

doandoan
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Khỏe đẹp