Những nhân viên mặc đồ bảo hộ y tế an táng cho một nạn nhân COVID-19 ở nghĩa trang Depok, Indonesia, ngày 29/6 - Ảnh: EPA.
Biến thể COVID-19 gây nên "thảm họa" ở Ấn Độ nguy hiểm thế nào?
Vaccine COVID-19 AstraZeneca hiệu quả với biến thể Delta?
Ấn Độ: Phát hiện thêm triệu chứng nguy hiểm của biến thể Delta SARS-CoV-2
COVID-19 "bủa vây" Đông Nam Á, nguy cơ lặp lại kịch bản ở Ấn Độ
Theo Reuters, những ngày qua, Indonesia liên tục ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 theo ngày tăng kỷ lục với hơn 20.000 ca mỗi ngày, do sự xuất hiện của các biến thể virus SARS-CoV-2 mới có khả năng lây nhiễm cao và sự gia tăng dịch chuyển của người dân sau tháng ăn chay của người Hồi giáo.
Riêng trong ngày 29/6, Indonesia ghi nhận 20.467 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc lên 2.156.465 ca, còn số ca tử vong cũng tăng lên 58.024 ca. Diễn biến dịch bệnh nghiêm trọng nhất ở thủ đô Jakarta, tiếp đó là Tây Java và Trung Java.
Việc gia tăng ồ ạt số ca mắc COVID-19 ở Indonesia có khả năng biến quốc gia này trở thành "tâm chấn" COVID-19 mới trên thế giới. Nhà dịch tễ học Dicky Budiman của Đại học Griffith (Australia) cho biết, khi bắt đầu đại dịch, có 3 quốc gia có khả năng trở thành "tâm chấn" thế giới do dân số đông, đó là Ấn Độ, Brazil và Indonesia. "Hiện tại 2 trong 3 quốc gia vẫn là tâm chấn và nếu chính phủ Indonesia không nghiêm túc xử lý đại dịch thì quốc này cũng sẽ giống như Ấn Độ và Brazil”.
Cũng trong ngày 29/6, Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) cảnh báo Indonesia đang “bên bờ vực thảm họa” khi số ca nhiễm COVID-19 do biến chủng Delta tăng nhanh trên khắp cả nước, đẩy hệ thống y tế tới ngưỡng sụp đổ. IFRC cũng kêu gọi các tổ chức quốc tế viện trợ y tế và vaccine khẩn cấp cho quốc gia Đông Nam Á này trước tình trạng 93% giường bệnh, bao gồm cả ở thủ đô Jakarta, đã sử dụng hết công suất để điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tính từ cuối tuần qua.
Jan Gelfand, người đứng đầu IFRC của Indonesia đánh giá: “Mỗi ngày chúng ta đều thấy biến thể Delta đang đưa Indonesia đến gần bờ vực của thảm họa COVID-19”.
Tình hình còn phức tạp hơn khi chiến dịch tiêm chủng của Indonesia bị chậm, mới chỉ có khoảng 10% dân số được tiêm ít nhất một mũi, trong đó có 5% được tiêm đủ hai liều. IFRC cho rằng Indonesia phải đối mặt với tình cảnh bất bình đẳng vaccine toàn cầu khi buộc phải tìm kiếm 360 triệu liều vaccine đủ để tiêm ngừa cho 70% dân số nhằm đạt mục tiêu miễn dịch cộng đồng.
Theo The Straits Times, ngày 29/6, chính phủ Indonesia cho biết sẽ thắt chặt các hạn chế bắt đầu từ 30/6, với yêu cầu cấm ăn uống tại nhà hàng và quy định xét nghiệm COVID-19 ngay cả với hành khách di chuyển bằng hàng không nội địa.
Indonesia trước nguy cơ lặp lại "thảm họa" ở Ấn Độ
Bệnh viện quá tải, người dân Indonesia phải nằm ngoài sảnh và ngồi xe lăn đợi để được điều trị - Ảnh: Aljazeera
Cuối tuần trước (25/6), các quan chức y tế tỉnh Tây Java, ngoại ô thủ đô Jakarta cho biết, công suất sử dụng giường bệnh tại đây đã vượt quá 90%, một số bệnh viện vượt quá 100%, đẩy hệ thống y tế khu vực này gần như sụp đổ. Các bệnh viện được mô tả là "tràn ngập" bệnh nhân COVID-19, tình trạng thiếu hụt oxy y tế khiến giá bình oxy tăng cao gấp đôi, người bệnh và gia đình của họ thì phải di chuyển nhiều giờ để có thể tiếp cận các dịch vụ y tế tại đây.
Theo Detik, tại thủ đô Jakarta, số ca COVID-19 gia tăng khó kiểm soát đã buộc các bệnh viện phải dựng lều khẩn cấp. Nhiều lời kêu gọi đến chính phủ hỗ trợ xây dựng các bệnh viện dã chiến trên các khu liên hợp thể thao để giảm quá tải bệnh viện.
Số liệu của Hiệp hội bác sỹ Indonesia gần đây cho biết, có ít nhất 2.500 nhân viên y tế Indonesia mắc COVID-19, trong đó có 949 người đã thiệt mạng trong khoảng thời gian từ tháng 3/2020 đến tháng 6/2021. Trong khi lực lương y tế là tuyến đầu đã hoàn thành 100% việc tiêm chủng tại Indonesia, thì trong những tháng trở lại đây vẫn có hàng trăm nhân viên y tế mắc và tử vong do COVID-19.
Sự gia tăng nghiêm trọng số ca COVID-19 ở Indonesia cũng buộc chính phủ nước này phải trì hoãn việc mở cửa trở lại hoạt động du lịch quốc tế của Bali, sau những đồn đoán về việc mở cửa thiên đường du lịch này trong tháng 7.
Bộ trưởng Du lịch và Kinh tế Văn hóa Indonesia Sandiaga Uno cho biết, mặc dù 71% người trên đảo Bali đã được tiêm mũi 1 vaccine ngừa COVID-19, nhưng chính phủ vẫn sẽ đợi các ca bệnh giảm đáng kể trước khi cho phép du khách quốc tế quay trở lại hòn đảo này.
Bình luận của bạn