Theo quan niệm xưa, đà điểu thường vùi đầu vào cát để né tránh những khó khăn, rủi ro hoặc nguy hiểm.
Khi thanh xuân không còn là thời kỳ hạnh phúc nhất
Giới trẻ và nỗi lo biến đổi khí hậu
Khi “xu hướng” lại trở thành gánh nặng!
Châm cứu có thể điều trị rối loạn lo âu?
Ảnh hưởng của bạo lực gia đình với tâm lý nam giới
Hiệu ứng đà điểu là gì?
Hiệu ứng đà điểu (Ostrich Effect) là một thiên kiến nhận thức thường gặp, được định nghĩa là một người có xu hướng và chủ đích trong việc bỏ qua, né tránh hoặc từ chối tiếp nhận thông tin tiêu cực hoặc gây căng thẳng về mặt cảm xúc. Theo chuyên gia tâm lý Caitlyn Oscarson (Mỹ): “Đây là một cơ chế tâm lý khiến chúng ta lựa chọn không đối diện với sự thật khó chịu, vì sợ phải đối mặt với những cảm xúc tiêu cực đi kèm.”
Thuật ngữ “hiệu ứng đà điểu” xuất phát từ một quan niệm lâu đời, cho rằng loài đà điểu sẽ vùi đầu vào cát khi bị đe dọa, như một cách để trốn tránh nguy hiểm. Theo PGS.TS Sue Varma chuyên ngành Tâm thần học Trường Y khoa Grossman, Đại học New York (Mỹ), mặc dù quan niệm này không chính xác về mặt sinh học vì đà điểu vùi đầu vào cát thường để chăm sóc trứng hoặc tìm kiếm thức ăn nhưng hình ảnh ẩn dụ ấy vẫn phổ biến vì phản ánh đúng hành vi né tránh của con người trong nhiều tình huống đời thường.
Tương tự, hiệu ứng đà điểu xảy ra khi con người “vùi đầu vào cát”, cố tình phủ nhận hoặc tránh né vấn đề, với hy vọng rằng nó sẽ tự biến mất.
Trong đời sống hàng ngày, biểu hiện của hiệu ứng đà điểu rất đa dạng và dễ bị xem nhẹ. Từ việc không “dám” kiểm tra tài khoản ngân hàng, phớt lờ các hóa đơn chưa thanh toán, cho đến né tránh các cuộc đối thoại nhạy cảm với người thân – tất cả đều phản ánh một điểm chung: họ chủ động lẩn tránh những tình huống có khả năng gây xáo trộn cảm xúc.
Đáng chú ý, hiệu ứng đà điểu không chỉ giới hạn trong việc né tránh thông tin tiêu cực về hoàn cảnh, mà còn đe dọa đến hình ảnh bản thân mà người đó đang cố gắng duy trì.
PGS.TS Oscarson cho rằng: “Một học sinh có thể không xem điểm thi, vì sợ rằng điểm số thấp sẽ mâu thuẫn với niềm tin rằng mình là người học giỏi.” Cơ chế phòng vệ này dù mang tính tạm thời nhưng lại dẫn đến những hệ quả dài hạn nếu không được nhận diện và điều chỉnh, đặc biệt trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần và hành vi.

Hiệu ứng đà điểu về lâu dài sẽ khiến tiêu cực tích tụ lại, gây căng thẳng và áp lực mạn tính.
Hiệu ứng đà điểu có thể gây ra những vấn đề gì trong cuộc sống?
Hiệu ứng đà điểu tuy có thể mang lại cảm giác dễ chịu tạm thời nhưng thực tế, né tránh không phải là một giải pháp bền vững mà ngược lại, chúng còn dẫn đến nhiều hệ luỵ nghiêm trọng hơn về sau.
Ví dụ, một người có thể trì hoãn việc xem sao kê thẻ tín dụng để tránh cảm giác tội lỗi, nuối tiếc vì đã chi tiêu quá mức nhưng việc lờ đi thực tế tài chính không thể giúp cải thiện tình hình. Người đó có thể tránh được cảm giác khó chịu tiêu cực nhưng đồng thời cũng đánh mất đi cơ hội cân đối chi tiêu hoặc nhận được sự hỗ trợ cần thiết của người khác.
Ví dụ này cũng có thể được áp dụng tương tự trong lĩnh vực sức khoẻ. Việc né tránh khám sức khoẻ hoặc các xét nghiệm y khoa không làm thay đổi thực trạng bệnh lý (nếu có) và việc trì hoãn can thiệp điều trị đồng nghĩa với việc làm gia tăng rủi ro tiến triển bệnh.
Một khía cạnh đáng lưu ý khác là sự giao thoa giữa hiệu ứng đà điểu và chủ nghĩa lạc quan thái quá. Theo PGS.TS Varma, ngay cả những người có tâm thế tích cực cũng không tránh khỏi cám dỗ của việc né tránh. “Sự tích cực quá mức, trong một số trường hợp, có thể là một hình thức của hiệu ứng đà điểu. Khi con người tối giản hóa hoặc phủ nhận hậu quả, họ trở nên mù quáng trước các nguy cơ thực tế.”
Hiệu ứng này còn biểu hiện qua hiện tượng “tê liệt” khi ra quyết định, đặc biệt ở những người có mục tiêu rõ ràng nhưng thiếu hành động cụ thể. “Nhiều người nhận thức được rằng họ cần thay đổi, cần ra quyết định hoặc đối diện với một vấn đề, nhưng lại chọn cách hy vọng nó sẽ tự biến mất” PGS.TS Varma phân tích.
Như vậy, việc trì hoãn đối diện với thực tế không chỉ làm trầm trọng hoá vấn đề mà còn gây áp lực tâm lý dai dẳng. Sự lo lắng mơ hồ về những điều mà một người đang cố tình né tránh có thể tích tụ thành căng thẳng mạn tính, dẫn đến cảm giác quá tải. Khi để bản thân bị dẫn dắt bởi cơ chế né tránh, con người ta sẽ rơi vào trạng thái bị động và chỉ hành động khi sự việc đã quá ngưỡng có thể chịu đựng.
Khi gặp khó khăn, thay vì dừng lại ở mức nhận thức, hãy hành động. Sự can đảm đối diện với thông tin tiêu cực dù không dễ dàng nhưng là bước đi tiên quyết để giải quyết tận gốc vấn đề - từ tài chính cá nhân đến sức khoẻ, thể chất và tinh thần.

Tập trung nhìn nhận và giải quyết vấn đề là giải pháp cuối cùng giúp cải thiện tâm lý "hiệu ứng đà điểu".
Làm thế nào để cải thiện tình trạng này?
Theo đó, để khắc phục hành vi này một cách hiệu quả, cần bắt đầu từ sự thấu cảm với chính bản thân. Cảm giác tội lỗi và xấu hổ, tránh né một vấn đề tiêu cực nào đó là một phản ứng hoàn toàn tự nhiên và là cơ chế bảo vệ tâm lý được hình thành từ sâu trong cấu trúc hành vi của con người. Nhưng nếu tiếp tục kéo dài, bản thân người tránh né sẽ rơi vào trạng thái bất lực và tổn thương.
Thay vì tự trách mình, hãy bắt đầu từ lòng trắc ẩn với chính bản thân – chấp nhận rằng mình đang sợ hãi, nhưng cũng tin rằng mình có thể thay đổi cách đối mặt.
Tiếp theo, hãy xác định rõ điều gì bạn đang né tránh và bắt đầu hành động từ những việc nhỏ. Ví dụ, kiểm tra lại tài khoản ngân hàng, gửi một email bạn đang trì hoãn, hoặc liên lạc lại với một người bạn sau một mâu thuẫn. Những bước nhỏ này giúp khởi động lại cảm giác kiểm soát và giảm bớt sự lo lắng.
Một mẹo hữu ích đó là đặt ra giới hạn cụ thể: chỉ hỏi ý kiến một vài người, giới hạn số lựa chọn, và ấn định thời gian ra quyết định. Có thể là 3 phút, 3 ngày, hay 3 tuần tùy tình huống. Càng trì hoãn, bạn sẽ càng cảm thấy áp lực, và hậu quả tâm lý cũng sẽ nặng nề hơn.
Trong những trường hợp căng thẳng như đối mặt nguy cơ mất việc, việc chuẩn bị sớm như sao lưu dữ liệu, cập nhật hồ sơ cá nhân, hoặc tìm hiểu cơ hội mới sẽ giúp giảm rủi ro và tăng khả năng ứng phó.
Cuối cùng, sự kết hợp giữa tỉnh táo và chủ động chính là chìa khóa. Dù ban đầu có thể cảm thấy lo lắng khi đối mặt với vấn đề, nhưng khi bạn bắt tay vào xử lý, cảm giác chủ động sẽ dần thay thế nỗi sợ. Việc duy trì sự bình tĩnh và biết rõ mình đang làm gì sẽ giúp bạn vượt qua giai đoạn khó khăn một cách vững vàng hơn.
Bình luận của bạn