Những gương mặt xuất sắc của Thể thao Việt Nam
Thể thao Việt Nam cần hoạch định lại chiến lược để đi đến thành công
ĐT Việt Nam cần thay đổi, cần làm mới để thành công trở lại
Không thể chọc thủng lưới Thái Lan, ĐT Việt Nam chính thức thành cựu vương
Vừa đen, vừa bị trọng tài ép, ĐT Việt Nam thua không có gì lạ
HLV Phạm Minh Giang - Người nâng tầm futsal Việt
Khó có thể tin được với sự dẫn dắt của HLV nội, đội tuyển futsal Việt Nam đã giành vé dự VCK Futsal FIFA World Cup 2021. Những ngày dịch dã căng thẳng, thầy trò HLV Phạm Minh Giang đã mang đến nhiều niềm vui cho người hâm mộ. Lần đầu tiên, đội tuyển futsal chúng ta đã lọt đến vòng 1/8, chỉ chịu thúc thủ trước đương kim á quân thế giới Nga với tỷ số sát nút 2-3.
Sự nghiệp của Phạm Minh Giang là một tấm gương khiêm nhường, không ngừng học tập và lao động. Sau khi chia tay đội tuyển quốc gia và sự nghiệp cầu thủ, ông chuyển sang công tác đào tạo trẻ ở Thái Sơn Nam, đồng thời huấn luyện một số CLB phong trào tại TPHCM. Ông Giang đã tự học hỏi từ đồng nghiệp, các đội bóng lớn như Thái Sơn Nam, đặc biệt từ HLV nước ngoài, tiêu biểu là Bruno Garcia (người từng đưa futsal Việt Nam dự World Cup 2016) và Miguel Rodrigo sau này.
Đầu năm 2019, bầu Tú triệu hồi Minh Giang về dẫn dắt Thái Sơn Nam để HLV Miguel Rodrigo tập trung huấn luyện đội tuyển Việt Nam. Năm đó Thái Sơn Nam vô địch Giải VĐQG, đoạt huy chương đồng Cúp các CLB châu Á, và mùa kế tiếp tạo nên “cú ăn ba” tại quốc nội, đồng thời lọt vào tốp 10 HLV xuất sắc nhất thế giới.
Từ thành công ở cấp CLB, với tinh thần cầu tiến, và một phần may mắn vì khó tìm “thầy ngoại” trong bối cảnh dịch Covid-19, Minh Giang nhanh chóng được lãnh đạo Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) chọn làm người kế nhiệm chiếc ghế HLV đội tuyển Việt Nam thay cho ông Miguel Rodrigo cáo bệnh xin rút. Tại đây, chiến lược gia sinh năm 1981 đã thực hiện cuộc cách mạng với futsal Việt Nam.
Ngoài việc HLV nội đầu tiên đưa đội tuyển Việt Nam lọt vào vòng knock-out Futsal World Cup, ông còn là thầy nội đầu tiên giúp một CLB Việt Nam có huy chương ở đấu trường châu Á, và giành “cú ăn ba” trong mùa giải. Futsal World Cup 2021 chỉ là điểm khởi đầu cho cái duyên giữa HLV Phạm Minh Giang với đội tuyển Việt Nam. Với tinh thần cầu thị và thái độ nghiêm túc với nghề, tin rằng ở tuổi 40, ông sẽ còn tiến xa và thành công hơn nữa trong tương lai!
Nguyễn Thị Thu Nhi - Cô gái vàng của boxing Việt Nam
Với đai vô địch của Tổ chức quyền Anh thế giới (WBO), Nguyễn Thị Thu Nhi đã tạo nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho nhiều thế hệ võ sĩ nước nhà khát vọng vươn lên tầm thế giới.
Gần 1 năm sau khi gây tiếng vang với chức vô địch WBO châu Á - Thái Bình Dương cuối tháng 2/2020 ở Campuchia, Nguyễn Thị Thu Nhi tiếp tục khiến thể thao Việt Nam chấn động với thành tích vô địch WBO, chiếc đai giá trị bậc nhất thế giới với các nữ võ sĩ hạng siêu nhẹ (mini-flyweight) dưới 47,6kg, khi đánh bại Etsuko Tada, là người duy nhất có tới 3 chiếc đai của 3 tổ chức boxing lớn trên thế giới là WBA, IBF và WBO.
Hạng siêu nhẹ (mini-flyweight) dưới 47,6kg là nội dung đầu tiên được 4 tổ chức quyền Anh lớn nhất thế giới (bao gồm WBA (Hiệp hội quyền Anh thế giới), WBC (Hội đồng quyền Anh thế giới), IBF (Liên đoàn quyền Anh quốc tế) và WBO (Tổ chức quyền Anh thế giới) đưa vào thi đấu kể từ lần tổ chức đầu tiên năm 2004.
Cô gái quê An Giang bắt đầu được chú ý từ khi đoạt HCV giải trẻ boxing TP.HCM 2010. Sau đó, cô trở thành võ sĩ hạng nhẹ hàng đầu Việt Nam ở các giải VĐQG. Với quyết tâm theo đuổi boxing chuyên nghiệp, năm 2015, Thu Nhi lên ở hẳn TP.HCM với bà ngoại để mưu sinh, và thỏa đam mê. Bước ngoặt sự nghiệp đến với Thu Nhi khi ông Kim Sang Bum đến Việt Nam và lập ra trung tâm Cocky Buffalo tại TP.HCM, nơi có thể xem như khai thác tiềm năng còn rất lớn của các võ sĩ Việt.
Tiềm năng của Thu Nhi khiến ông Kim mạnh dạn đầu tư cho võ sĩ này bằng cách trả lương để võ sĩ 25 tuổi yên tâm thi đấu, thuê HLV riêng để nâng cao trình độ, lên kế hoạch tập luyện, du đấu nước ngoài và đưa cả những giải đấu về Việt Nam để giúp các tay đấm trong nước có cơ hội cọ sát.
Với trận thắng Etsuko Tada, Thu Nhi đã trở thành nhà vô địch nữ thứ 8 trong lịch sử hạng siêu nhẹ của WBO. Thành công của Thu Nhi cũng là động lực để boxing Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai. Đồng thời, cho thấy tiềm năng rất lớn của boxing Việt Nam, cần được đầu tư mạnh để có thêm nhiều Thu Nhi hơn nữa.
Lê Văn Công- Lực sỹ có trái tim nhân hậu
Lực sĩ Lê Văn Công giành tấm Huy chương Bạc (HCB) môn cử tạ tại Paralympic Tokyo 2020 và tiếp tục chứng tỏ là một trong những lực sĩ xuất sắc nhất thế giới ở hạng dưới 49kg nam trong cuộc thi của những người khuyết tật. Tuy nhiên, đằng sau các cuộc thi đấu, Lê Văn Công còn là nhà vô địch của nỗ lực vươn lên vượt qua nghịch cảnh và lan tỏa lòng nhân ái tới cả cộng đồng.
Trước khi đến với Paralympic Tokyo, Lê Văn Công đã trải qua quá trình điều trị chấn thương dai dẳng ở vai trái kéo dài tới 2 năm. Cùng với sự ảnh hưởng của chấn thương, kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, việc tập luyện, thi đấu của Lê Văn Công cũng bị gián đoạn nhiều lần. 5 tuần trước khi lên đường tới Tokyo, lực sĩ 37 tuổi mới có thể tập luyện hàng ngày, trong đó có 4 tuần tập luyện tại Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia (HLTTQG) TP Hồ Chí Minh, 1 tuần tập luyện tại Nhật Bản.
Thực tế trong cuộc thi đấu tại Paralympic Tokyo, cho thấy Lê Văn Công thậm chí phải xịt giảm đau trước khi bước vào cuộc so tài với 8 đối thủ khác. Vậy mà anh đã xuất sắc mang về tấm HCB quý như vàng cho thể thao người khuyết tật nước nhà.
Lê Văn Công sinh ngày 20/6/1984 tại Hà Tĩnh và bị chứng teo chân từ nhỏ. Anh rời quê hương vào TP Hồ Chí Minh lập nghiệp từ năm 2005 với mong muốn chiến thắng số phận. Kể từ khi tham gia CLB hướng nghiệp dành cho người khuyết tật và bén duyên với các môn thể thao với mục đích tập luyện để duy trì sức khỏe. Lê Văn Công từng tập luyện điền kinh, sau đó mới chuyển hẳn sang thi đấu cử tạ tại CLB thể thao dành cho người khuyết tật quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh.
Bản thân Lê Văn Công cũng phải xoay xở làm rất nhiều nghề, để mưu sinh trong cuộc sống. Từ sửa chữ điện tử đến làm nông nghiệp sạch.
Trong những ngày dịch bệnh COVID-19 hoành hành, dù khó khăn nhưng Lê Văn Công cũng luôn hỗ trợ người nghèo. Ngay ở những đợt thu hoạch đầu tiên, Lê Văn Công đã gửi món quà là 2.000 trái bắp “Nữ hoàng đỏ” tới những người đồng đội là các VĐV thể thao người khuyết tật đang tập luyện tại Trung tâm HLTTQG Đà Nẵng. Sau đó, còn gửi tới trang trại trẻ mồ côi tại TP Hồ Chí Minh.
Trước đó, vào đầu tháng 11/2019, Lê Văn Công đã quyết định đấu giá tấm HCV giành được tại Giải vô địch thế giới vào năm 2016 trên mạng xã hội để lấy tiền ủng hộ cho cô bé hàng xóm chữa bệnh ung thư. Tấm HCV sau đó được anh Nguyễn Thiện (quận 7, TP Hồ Chí Minh) mua với mức giá 125 triệu đồng và toàn bộ số tiền đã được Lê Văn Công trao lại cho gia đình bé Đoàn Thị Bích Hương để cô bé được điều trị tốt hơn.
Câu chuyện về tấm HCV được đấu giá và nhiều nghĩa cử đẹp của Lê Văn Công đã lan tỏa tình yêu thương, tinh thần tương thân tương ái tới toàn xã hội.
Nguyễn Hoàng Đức - Thủ lĩnh mới của đội tuyển Việt Nam
Lâu lắm rồi bóng đá Việt Nam mới phát lộ một tiền vệ trung tâm tiến bộ nhanh, xuất sắc như Nguyễn Hoàng Đức. Từng nổi lên ở U20 World Cup 2017, toả sáng ở SEA Games 2019, nhưng anh chỉ chiếm suất chính thức trên đội tuyển gần đây khi Đỗ Hùng Dũng bị chấn thương.
Hoàng Đức nổi bật ở khả năng đi bóng thoát khỏi áp lực, và điều này cần thiết cho đội tuyển khi gặp đối thủ mạnh hơn. Các đối thủ mạnh thường gây áp lực nhanh mỗi khi cầu thủ Việt Nam chạm bóng, nhưng không phải ai cũng giữ bóng tốt như Hoàng Đức. Với chân trái khéo léo, sải chân dài với chiều cao 1m83, Hoàng Đức biết cách che chắn rồi dùng tốc độ đẩy bóng vượt qua đối phương. Những tình huống rê dắt của anh không chỉ mở ra cơ hội, còn giúp đồng đội tự tin hơn mỗi khi có bóng.
Tầm ảnh hưởng của Hoàng Đức lên đội tuyển ngày càng lớn, từ Vòng loại World Cup 2022 đến AFF Cup. Không cầu thủ Việt Nam nào thu hồi bóng nhiều hơn Hoàng Đức. Giải thưởng Quả Bóng Vàng 2021 đang nổi lên rất nhiều ứng cử viên. Tuy thế, thật hiếm gương mặt nào có phong độ ổn định, ngày càng tiến bộ nhanh như Hoàng Đức. Anh là mẫu cầu thủ đáng xem nhất trong “binh đoàn áo đỏ” hiện nay.
Bình luận của bạn