40% trẻ nhỏ có nguy cơ dị ứng thức ăn

Gần đây liên tiếp các trường hợp trẻ nhập viện được xác định bị dị ứng thức ăn. Trẻ bị dị ứng thức ăn không chỉ rơi vào trường hợp vài tháng tuổi mà cả những trẻ lớn.

Chớ coi thường dị ứng thực phẩm

Cách đây ít ngày, cháu Nguyễn Duy H. (14 tuổi) ở Bắc Ninh đã được gia đình đưa đến Bệnh viện (BV) Nhi Trung ương trong tình trạng li bì, suy thở. Theo gia đình bệnh nhi, sau bữa cơm trưa gồm thịt gà, thịt heo, măng tươi, mít, cháu H. thấy khó chịu và xuất hiện nhiều nốt sẩn ngứa trên da, sưng nóng môi, mắt mờ, chóng mặt, buồn nôn, đi ngoài nhiều lần… Nghĩ con bị ngộ độc thực phẩm, gia đình vội đưa đến BV tỉnh Bắc Ninh. Tại đây, tình trạng trẻ ngày càng nặng lên, khó thở, tím tái, tụt huyết áp nên được bác sĩ nhanh chóng cấp cứu, đặt nội khí quản hỗ trợ hô hấp và chuyển đến BV Nhi Trung ương. Nghi ngờ bệnh nhi bị dị ứng thức ăn, bác sĩ đã sử dụng các thuốc vận mạch, chống sốc, an thần, thở máy bảo đảm duy trì các dấu hiệu sinh tồn trong giới hạn bình thường. Sau 4 ngày điều trị tích cực, cháu H. thoát khỏi tình trạng nguy kịch.

Khi trẻ có các dấu hiệu của dị ứng thức ăn, cha mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn

Theo bác sĩ Lê Minh Hương, Trưởng Khoa Miễn dịch - Dị ứng lâm sàng (BV Nhi Trung ương), dị ứng thức ăn có tỉ lệ cao ở trẻ em, đặc biệt ở trẻ dưới 3 tuổi. BV từng tiếp nhận nhiều trường hợp dị ứng với các loại thực phẩm như trứng gà, sữa bò, sữa đậu nành, các loại hạt và cá. "Có những cháu nhỏ bị tiêu chảy kéo dài đến mức suy dinh dưỡng trầm trọng, được xét nghiệm nhiều lần nhưng vẫn không tìm thấy vi khuẩn hay vi nấm trong phân. Thậm chí dù được điều trị bằng các loại men tiêu hóa, hạn chế các thực phẩm nguy cơ nhưng trẻ vẫn bị tiêu chảy. Chỉ đến khi làm test kiểm tra mới biết trẻ bị dị ứng sữa bò. Bác sĩ chỉ định dừng ăn các sản phẩm sữa bò, sau 2 tuần trẻ hết tiêu chảy và bắt đầu lên cân" - bác sĩ Hương chia sẻ.

Dễ nhầm với bệnh đường tiêu hóa

Bác sĩ Bùi Văn Khánh, Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng (BV Bạch Mai), cho biết trên thực tế tất cả các thực phẩm đều có thể gây dị ứng, đặc biệt là những loại giàu chất đạm. Trong đó các loại thức ăn như sữa, trứng, bột mì, đậu nành, đậu phộng, cá, mực, tôm, cua, ốc… dễ gây dị ứng hơn cả. Mới đây BV tiếp nhận bé H. N. T. (15 tháng tuổi) ở Hà Nội bị dị ứng hải sản. Trước đó, sau những lần ăn cháo tôm hay ghẹ, bé đều nổi mụn đỏ quanh miệng. Tình trạng này chỉ xuất viện một vài giờ là đỡ nên gia đình chủ quan. Gần đây nhất sau khi mẹ bé bóc tôm lấy thịt cho ăn trực tiếp thì bé T. xuất hiện các nốt ban đỏ toàn thân, kèm theo đau bụng, khó thở nên gia đình đưa con đến BV. Bệnh nhân phải uống thuốc kháng sinh và bôi thuốc sau cả tuần mới khỏi.

Các nghiên cứu gần đây cho thấy có đến 40% trẻ nhỏ có nguy cơ dị ứng thức ăn, trong đó nhiều trường hợp chỉ ăn những loại thức ăn bình thường hằng ngày nhưng do cơ địa dị ứng nên gây ra tình trạng sốc phản vệ. Tuy vậy, tỉ lệ này giảm dần theo tuổi. "Hiện tượng này xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể xác định nhầm một protein là có hại, cho rằng cơ thể đang bị tấn công nên gửi các tế bào bạch cầu đến bảo vệ và gây ra phản ứng dị ứng. Những phản ứng này có thể xảy ra từ nhẹ đến nặng như viêm da dị ứng, rối loạn tiêu hóa, suy hô hấp hay sốc phản vệ nguy hiểm đến tính mạng" - bác sĩ Khánh giải thích.

Theo bác sĩ Khánh, trước khi trẻ có phản ứng dị ứng với loại thức ăn nào đó thì bé phải tiếp xúc với thức ăn đó ít nhất một lần. Nhẹ thì da có thể nổi mề đay, phù mạch, đau bụng, tiêu chảy; nặng hơn thì có phản ứng sốc phản vệ: khó thở, tím tái, co thắt phế quản, rối loạn nhịp, nhịp tim tăng, hạ huyết áp… Quá trình này diễn biến rất nhanh, nhiều trường hợp nếu không được cấp cứu kịp thời trẻ có thể tử vong. "Khác với người lớn dị ứng thức ăn có thể biểu hiện ở cả đường tiêu hóa, da, còn ở trẻ đôi khi chỉ biểu hiện duy nhất ở đường tiêu hóa vì thế việc phát hiện bệnh rất khó. Không ít trường hợp bị dị ứng thức ăn nhưng có biểu hiện lâm sàng như rối loạn tiêu hóa nên có thể gây nhầm lẫn" - bác sĩ Khánh nhấn mạnh.

Bác sĩ Hương lưu ý dựa vào tiền sử bệnh dị ứng của bố mẹ, có thể xác đinh được nguy cơ dị ứng của bé ngay khi còn nằm trong bụng mẹ. Chẳng hạn cả bố mẹ cùng mắc các bệnh dị ứng thì 50%-80% con nguy cơ mắc. Nếu một trong hai bố mẹ bị thì khoảng 20%-40% con có nguy cơ. Do đó trẻ sinh ra trong những gia đình có cả bố và mẹ bị dị ứng hoặc một trong hai người bị dị ứng cần chú ý đề phòng dị ứng sớm qua chế độ ăn. Ngoài ra, trẻ em dưới 1 tuổi là đối tượng dễ bị dị ứng nhất vì ở độ tuổi này hệ thống miễn dịch và hệ tiêu hóa của trẻ chưa hoàn thiện. Nếu cha mẹ thấy trẻ có các triệu chứng như nổi mẩn đỏ, ngứa khắp người, sưng phù môi, mắt...; có thể khàn tiếng, hắt hơi, ho, khò khè, buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, khó thở... cần đưa ngay trẻ tới BV nếu không trẻ có thể tụt huyết áp, trụy mạch, suy hô hấp và tử vong.

Giải mẫn cảm điều trị dị ứng thức ăn

Theo bác sĩ Bùi Văn Khánh, thông thường trẻ bị dị ứng phải tránh tiếp xúc với loại thức ăn đã gây dị ứng. Có những trường hợp dị ứng thức ăn chỉ xảy ra ở một độ tuổi nhất định nhưng cũng có người tình trạng này kéo dài đến suốt cuộc đời với một hoặc nhiều loại thức ăn. Hiện nay giải mẫn cảm là phương pháp điều trị nhằm giảm tình trạng dị ứng với một loại thức ăn nào đó, tuy vậy quá trình điều trị thường kéo dài tới vài năm.

linhly
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ