6 lợi ích của probiotics đã được khoa học chứng minh

Bổ sung probiotics có thể giúp tăng cường sức khỏe đường ruột, hỗ trợ tiêu hóa khỏe mạnh

Làm thế nào để biết bạn đang bổ sung probiotic hiệu quả?

Những lợi ích không ngờ của lợi khuẩn với sức khỏe của trẻ

Probiotics có lợi gì với sức khỏe con người?

Tại sao thực phẩm bổ sung probiotics lại dẫn đầu xu hướng TPCN 2019?

Probiotics là gì?

Probiotics là những vi khuẩn có lợi, có thể giúp tăng cường sức khỏe đường ruột. Probiotics được nhiều chuyên gia coi là “chìa khóa” giúp duy trì hệ vi khuẩn đường ruột.

Các lợi khuẩn đường ruột có nhiều trong những thực phẩm lên men như sữa chua, kim chi, tempeh (một món từ đậu nành lên men)… Ngoài ra, bạn cũng có thể bổ sung probiotics dưới dạng thực phẩm chức năng.

6 lợi ích sức khỏe của probiotics đã được chứng minh

Probiotics có nhiều lợi ích như hỗ trợ tiêu hóa và hấp thu, giúp cải thiện hệ miễn dịch và sản xuất các chất dẫn truyền thần kinh… Dưới đây là 6 lợi ích của probiotics đối với sức khỏe tổng thể đã được các nhà khoa học kiểm chứng:

Có lợi cho đường ruột

Bác sỹ Vincent Pedre (người Mỹ) cho biết: “Probiotics được biết tới nhiều nhất về tác động tốt với sức khỏe đường ruột. Probiotics giúp khôi phục trật tự và duy trì sự hài hòa trong hệ vi khuẩn đường ruột, giúp chống lại các vi khuẩn, nấm men và ký sinh trùng có hại cho sức khỏe”.

Có rất nhiều bằng chứng khoa học đã chỉ ra rằng probiotics có lợi cho việc kiểm soát các vấn đề đường ruột như tiêu chảy do dùng kháng sinh, táo bón… Chúng cũng giúp hỗ trợ các tình trạng rối loạn tiêu hóa mạn tính và cấp tính khác như hội chứng ruột kích thích, nhiễm trùng ruột…

Probiotics có nhiều tác động tốt tới sức khỏe đường ruột

Giúp quản lý cân nặng

Probiotics cũng có thể đóng vai trò tích cực trong việc duy trì cân nặng ổn định. Trên thực tế, các vi khuẩn đường ruột đóng vai trò quan trọng trong quá trình trao đổi chất, từ tiêu hóa đến sản sinh, dự trữ năng lượng và điều chỉnh cảm giác thèm ăn.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, hệ vi khuẩn đường ruột của những người béo phì khác với người gầy. Khi những người thừa cân, béo phì được cấy thêm các vi khuẩn đường ruột từ người gầy, các nhà khoa học nhận thấy họ có xu hướng giảm cân, giảm lượng mỡ thừa trong cơ thể. Nguyên nhân có thể là do các lợi khuẩn giúp hỗ trợ phân giải thức ăn.

Hỗ trợ tiêu hóa khỏe mạnh

Các lợi khuẩn đường ruột là nhân tố chính trong việc phân giải và tiêu hóa các thực phẩm giàu chất xơ (hay chính là prebiotics). Trong quá trình phân hủy thực phẩm, lợi khuẩn đường ruột sẽ tạo ra các acid béo chuỗi ngắn như butyrate, nhiên liệu cho các tế bào, giúp tăng cường lớp màng bảo vệ ruột.

Theo bác sỹ Will Bulsiewicz (người Mỹ), lượng butyrate vừa đủ sẽ giúp quản lý tình trạng viêm trong cơ thể, giúp chống lại nhiều vấn đề sức khỏe, đặc biệt là tình trạng thừa cân, béo phì.

Tốt cho da

Nhiều chuyên gia cho rằng, probiotics có thể ảnh hưởng tới cả các vi khuẩn trên da, giúp kiểm soát các vấn đề như chàm (eczema), mụn trứng cá, viêm da dị ứng… Bổ sung probiotics còn giúp thúc đẩy chữa lành các tổn thương ngoài da.

Bổ sung probiotics có thể giúp kiểm soát các vấn đề như viêm da dị ứng, mụn trứng cá...

Thúc đẩy tâm trạng

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, bổ sung probiotics có thể làm giảm phản ứng căng thẳng của cơ thể, giúp cải thiện khả năng nhận thức. Mặc dù cơ chế của quá trình này rất phức tạp, nhưng lợi khuẩn trong ruột có khả năng tạo ra các chất dẫn truyền thần kinh như serotonin và dopamine, giúp ổn định tâm trạng. Đường ruột có liên kết trực tiếp đến hệ thần kinh trung ương thông qua dây thần kinh phế vị, do đó bổ sung probiotics cũng có thể giúp điều chỉnh tâm trạng.

Hỗ trợ sức khỏe tim mạch

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, việc bổ sung probiotics có thể ảnh hưởng tích cực đến lượng cholesterol toàn phần trong cơ thể. Probiotics cũng có lợi trong việc ổn định huyết áp. Theo đó, bổ sung probiotics giúp ổn định huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương, tương tự như việc duy trì chế độ ăn ít muối.

Lợi ích của probiotics đối với phụ nữ

Bổ sung probiotics có tác động tốt tới hệ vi khuẩn trong âm đạo, giúp chị em phòng ngừa nhiễm khuẩn âm đạo, nhiễm trùng nấm men…

Probiotics cũng mang lại lợi ích trong thời kỳ mang thai. Từ năm 2015, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyến cáo phụ nữ mang thai có nguy cơ cao bị dị ứng nên bổ sung probiotics, giúp giảm nguy cơ phát triển bệnh chàm cho trẻ. Phụ nữ mắc đái tháo đường thai kỳ cũng nên bổ sung probiotics để cải thiện tình trạng kháng insulin.

Lợi ích của probiotics đối với nam giới

Bên cạnh lợi ích cho đường ruột, probiotics còn giúp cải thiện khả năng sinh sản cho nam giới. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, bổ sung probiotics và prebiotics có thể giúp cải thiện đáng kể chất lượng tinh trùng và tăng hàm lượng testosterone cho nam giới.

Lựa chọn probiotics để cải thiện sức khỏe

Có rất nhiều chủng lợi khuẩn khác nhau và mỗi chủng lại có những lợi ích khác nhau cho sức khỏe. Bạn có thể chọn bổ sung chủng lợi khuẩn phù hợp với nhu cầu cá nhân, ví dụ như:

- Tăng cường sức khỏe tổng thể: Lactobacillus, Bifidobacterium và Saccharomyces Boulardii.

- Khắc phục tình trạng tiêu chảy: Lactobacillus rhamnosus GG, Lactobacillus acidophilus và Lactobacillus bulgaricus.

- Duy trì cân nặng: Lactobacillus gasseri, Lactobacillus rhamnosus và Bifidobacterium lactis.

- Cải thiện tâm trạng: Bifidobacterium longum, Bifidobacterium breve, Bifidobacterium Newbornis, Lactobacillus helveticus và Lactobacillus rhamnosus.

- Cải thiện sức khỏe tim mạch: Lactobacillus acidophilus, Lactobacillus plantarum và Bifidobacterium lactis.

- Khắc phục tình trạng đầy hơi: Lactobacillus Acidophilus và Bifidobacterium lactis.

Lưu ý, bổ sung probiotics thường được coi là an toàn đối với người khỏe mạnh. Tuy nhiên, bạn vẫn nên tham khảo ý kiến bác sỹ trước khi bổ sung probiotics từ các loại thực phẩm chức năng. Họ có thể tư vấn cho bạn liều bổ sung, cũng như nên bổ sung chủng lợi khuẩn nào cho phù hợp.

Vi Bùi H+ (Theo MBG)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Nghiên cứu - Sản xuất