7 lý do khiến bạn ho mãi không khỏi

Ho mãi không khỏi có thể do cảm lạnh, dị ứng, hen suyễn, viêm phổi hoặc bệnh ho gà

19 cách trị ho cho trẻ: Tự nhiên, an toàn, không lạm dụng thuốc

Trẻ bị ho có đờm bố mẹ nên làm gì?

6 bài thuốc dân gian trị ho có đờm cho trẻ

Một số lưu ý chọn siro ho an toàn cho trẻ bị ho có đờm

Một loại virus gây cảm lạnh 

Ho trong 3 tuần hoặc ít hơn rất có thể là do cảm lạnh. Ho do cảm lạnh - chủ yếu là ho khan, với một ít chất nhầy trong - có thể kéo dài trong 1 tháng hoặc hơn sau khi các triệu chứng cảm lạnh khác đã hết.

Tiến sỹ, bác sỹ Peter Dicpinigaitis - Giám đốc Trung tâm Ho Montefiore đồng thời là Giáo sư tại Đại học Y Albert Einstein, thành phố New York (Mỹ) nói. "Virus này gây kích thích các dây thần kinh trong đường thở trong một thời gian dài". 

Cách điều trị ho do cảm lạnh: Không có cách điều trị nhiễm virus, vì vậy, bạn cần chờ để cơ thể tạo miễn dịch. Thuốc làm thông mũi hoặc thuốc long đờm có thể giúp làm loãng chất nhầy để bạn ho ra dễ dàng hơn. 

Ho do nước mũi chảy xuống họng 

Nếu bạn bị ho (ho khan hoặc ho có đờm) kéo dài 8 tuần hoặc lâu hơn, có thể bạn bị ho do chất nhầy tích tụ trong mũi, xoang chảy xuống cổ họng. Có thể nguyên nhân gây ra điều này là do cảm lạnh kéo dài hoặc dị ứng. 

Cách điều trị ho do dịch nhầy từ mũi, xoang chảy xuống: Rửa mũi bằng nước muối hoặc dùng thuốc kháng histamin (theo chỉ định của bác sỹ) để làm giảm viêm. Bạn nên chú ý đến màu sắc của chất nhầy, đờm. Ho ra đờm màu vàng hoặc xanh có nghĩa là cơ thể bạn bị nhiễm trùng do vi khuẩn, như viêm xoang. Trong trường hợp này, có thể bạn sẽ phải dùng thuốc kháng sinh. 

Cảm lạnh kéo dài hay dị ứng đều có thể gây ho dai dẳng, ho mãi không khỏi

Hen suyễn

Người bệnh hen suyễn thường thở khò khè, khó thở. Nhưng một số người lại chỉ có triệu chứng duy nhất là ho khan, ho dai dẳng, ho mãi không khỏi. Cơn ho thường tồi tệ hơn vào ban đêm, trong hoặc ngay sau khi tập thể dục, khi hít thở không khí lạnh hoặc khi đang ở trong môi trường có chất gây dị ứng, như lông thú hoặc phấn hoa. 

Cách điều trị ho do hen suyễn: Bác sỹ có thể cho bạn thử nghiệm thở để chẩn đoán hen suyễn hoặc khuyên bạn nên dùng thuốc hít 2 lần/ngày trong vài tuần để xem liệu cơn ho có giảm hay không. Thuốc kháng histamine hoặc dị ứng cũng có thể hữu ích.

Trào ngược acid 

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) có liên quan đến khoảng 25% trường hợp ho mạn tính. Khi acid chảy ngược trở lại vào thực quản có thể gây kích ứng dây thần kinh, gây ho dai dẳng. Nhưng có thể khó chẩn đoán. "Không phải tất cả mọi người bị GERD đều bị ợ nóng", bác sỹ Dicpinigaitus nói. "Nếu bạn bị ho sau bữa ăn, khi bạn nằm ngủ, buổi sáng khi thức dậy, hoặc nếu giọng bạn bị khàn liên tục cùng với ho, có thể là bạn bị trào ngược dạ dày thực quản".

Cách điều trị ho mạn tính do GERD: Hầu hết các trường hợp GERD tương đối dễ điều trị bằng thuốc kháng acid.

Viêm phổi

Đôi khi ho có thể do viêm phổi. Nhiễm trùng đường hô hấp lan xuống phổi, khiến cho lá phổi đầy mủ. Điều này khiến bạn khó thở, ho, đôi khi đau. Viêm phổi có thể đe dọa đến tính mạng. Bởi vậy, nếu bạn ho ra nhiều đờm màu xanh hoặc có máu, sốt, ớn lạnh, tốt nhất bạn nên đi khám ngay. 

Cách điều trị viêm phổi: Chụp X-quang ngực là cách duy nhất để kiểm tra xem bạn có bị viêm phổi hay không, nhưng một số bác sỹ sẽ chẩn đoán bệnh bằng cách nghe phổi bằng ống nghe, bác sỹ Frank nói. Hầu hết các trường hợp viêm phổi đều là do vi khuẩn, được điều trị bằng thuốc kháng sinh. 

Bệnh ho gà

Triệu chứng của bệnh ho gà là thở có tiếng rít, thở hổn hển sau một cơn ho dữ dội. 

Cách điều trị ho gà: Nếu bạn bắt đầu dùng thuốc trong vòng 3 tuần sau khi bị nhiễm trùng, thuốc kháng sinh có thể làm giảm các triệu chứng. Chúng cũng có thể giúp vi khuẩn không lây lan sang người khác - điều này rất quan trọng vì nhiễm trùng có thể dẫn đến bệnh nặng, thậm chí tử vong ở trẻ sơ sinh. 

Các nguyên nhân khác

Đối với những cơn ho không đáp ứng với các phương pháp điều trị trên, bác sỹ có thể yêu cầu chụp X-quang ngực hoặc chụp CT phổi hoặc xoang để loại trừ các tình trạng nghiêm trọng như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hoặc ung thư phổi. 

Nếu bạn bị ho vào những thời điểm hoặc địa điểm nhất định, có thể bạn bị dị ứng hoặc nhạy cảm với các chất kích thích như nấm mốc, ô nhiễm hoặc khói. Một số loại thuốc cũng có thể gây ho khan, chẳng hạn như thuốc ức chế ACE (điều trị tăng huyết áp). 

Các biện pháp tự nhiên giúp trị ho, giảm ho

Mật ong: Mật ong có thể làm dịu cổ họng, làm giảm ho.

Tắm nước ấm: Tắm dưới vòi sen nước ấm hoặc hít hơi nước từ bát nước nóng có thể giúp làm loãng chất nhầy, giúp bạn ho dễ dàng hơn. 

Uống cà phê: Caffeine giúp giãn phế quản, có nghĩa là nó có thể giúp mở rộng đường hô hấp. Uống một ly cà phê hòa tan có thể làm giảm nhẹ cơn ho. Tuy vậy, cà phê không thể thay thế cho ống hít với người bị hen suyễn. 

Vân Anh H+ (Theo health)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Bệnh thường gặp