- Chuyên đề:
- Đái tháo đường
Trẻ thường xuyên khát nước là một trong những triệu chứng của bệnh đái tháo đường type 1
Các thuốc điều trị đái tháo đường type 2
Chế độ ăn GI thấp là gì?
3 yếu tố chính làm bạn dễ mắc đái tháo đường type 2
Bệnh nhân đái tháo đường type 2 trẻ nhất thế giới
“Điều quan trọng là không được chậm trễ trong việc điều trị. Cha mẹ nên đưa trẻ đi khám ngay khi có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh đái tháo đường type 1. Miễn là bệnh được quản lý tốt, trẻ vẫn có thể sống khỏe mạnh trong suốt cuộc đời”, chuyên gia đái tháo đường, TS. Maureen Clement (Vernon BC, Canada) cho biết.
Bệnh đái tháo đường type 1 thường được chẩn đoán trong độ tuổi từ 10 – 13. Đái tháo đường type 1 là một bệnh tự miễn và cha mẹ không thể giúp trẻ phòng ngừa căn bệnh này. Tuy nhiên, nếu trẻ được phát hiện bệnh sớm, cha mẹ có thể giúp trẻ phòng ngừa sự xuất hiện của các biến chứng, trong đónghiêm trọng nhất là nhiễm toan ceton đái tháo đường (diabetes ketoacidosis, gọi tắt là DKA). Theo TS. Maureen Clement, dưới đây là những dấu hiệu có thể con bạn mắc bệnh đái tháo đường type 1:
Hay đòi uống nước
Trẻ em mắc đái tháo đường type 1 thường khát nước và có nhu cầu uống nước liên tục. Nguyên nhân là do khi mức đường huyết tăng lên, cơ thể sẽ tìm cách đào thải đường ra ngoài qua nước tiểu, kéo theo trẻ bị mất nhiều nước và phải tăng uống để bù lại. Những đứa trẻ này đặc biệt thèm ăn đồ ngọt và đồ uống lạnh.
Đi tiểu thường xuyên
Đi tiểu thường xuyên cũng có thể là dấu hiệu của nhiều nguyên nhân sâu xa và nghiêm trọng, chẳng hạn như đái tháo đường type 1. Bởi vì trẻ uống nhiều nước nên cũng có nhu cầu đi “giải quyết” nhiều hơn. Trẻ cũng có thể đái dầm hoặc đi tiểu đêm nhiều hơn vào ban đêm. Chính vì lý do này, không chỉ để ý đến việc ăn uống, ngủ nghỉ, cha mẹ cũng nên để ý đến cả tần suất “thăm” nhà vệ sinh của con mình nữa nhé!
Trẻ bị sút cân
Khi các tế bào cơ bắp và tế bào chất béo không thể sử dụng năng lượng được chuyển hóa từ đường glucose, chúng sẽ bị teo nhỏ lại hoặc chết đi. Trẻ bị mắc bệnh đái tháo đường type 1 có thể sút cân đột ngột và nhanh chóng.
Trẻ hay kêu mệt
Từ một đứa trẻ hiếu động, con bạn bỗng dưng chỉ muốn nằm ì một chỗ và thường xuyên kêu mệt mỏi, không muốn vui chơi với bạn bè… thì bạn nên cẩn thận. Tình trạng mệt mỏi xảy ra là khi cơ thể không còn khả năng biến đường trong máu thành năng lượng cho cơ bắp và nội tạng sử dụng.
Trẻ bị đói
Nhiều bậc cha mẹ cảm thấy vui mừng khi trẻ đòi ăn liên tục vì nghĩ rằng như vậy là “hay ăn chóng lớn”. Tuy nhiên, nếu trẻ không vận động mà liên tục thèm ăn thì có thể trẻ đang bị thiếu năng lượng do nồng độ insulin thấp. Ngược lại, khi trẻ lười ăn cũng có thể là một dấu hiệu cảnh báo con bạn đã xuất hiện biến chứng nhiễm toan ceton đái tháo đường.
Thay đổi về thị lực
Lượng đường trong máu cao có thể khiến các chất lỏng tích tụ ở tất cả các mô của cơ thể, trong đó có võng mạc. Điều này dẫn đến mờ mắt hoặc các vấn đề về thị lực khác. Nghiêm trọng hơn là trẻ thường không phàn nàn về điều đó, thậm chí nhiều trẻ còn không biết đó là bất thường.
Nhiễm trùng nấm men
Triệu chứng này chỉ xảy ra ở trẻ gái. Bệnh đái tháo đường có thể khiến trẻ bị nhiễm nấm âm đạo, còn gọi là nhiễm trùng nấm men. Trẻ mới biết đi bị nhiễm trùng nấm men thường có biểu hiện giống như là hăm tã.
Nhiễm toan ceton do đái tháo đường
Đây là một cấp cứu nội khoa và có thể xảy ra khi bệnh tiểu đường chưa được chẩn đoán. Khi lượng glucose lên quá cao, cơ thể không đủ insulin để vận chuyển hết chúng vào trong tế bào dẫn đến thiếu hụt năng lượng trầm trọng. Ngay lúc này cơ thể trẻ phản hồi bằng cách tăng phân giải chất béo kéo theo đó là các sản phẩm phụ có tính acid gây nên tình trạng nhiễm toan ceton.
Dấu hiệu cảnh báo của nhiễm toan ceton bao gồm: Trẻ nôn mửa, đau bụng, thở gấp, mặt đỏ bừng, hơi thở có mùi giấm, mệt mỏi… Nó thường đến rất nhanh gây nguy hiểm cho tính mạng của trẻ. Tuy nhiên tình trạng này vẫn có thể được ngăn ngừa bằng cách phát hiện sớm các dấu hiệu và đưa trẻ nhập viện kịp thời.
Kim Chi H+
Bình luận của bạn