Viêm loét dạ dày - tá tràng dễ phát và tái phát theo từng chu kỳ, gắn liền với guồng quay công việc
Đa số trường hợp loét dạ dày là do vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) gây ra. Các xét nghiệm cho thấy, vi khuẩn này hiện diện trong 90% bệnh nhân bị loét tá tràng và trong 70% loét dạ dày.
Với nhiều bệnh nhân, tình trạng viêm loét dạ dày, tá tràng thường diễn ra theo chu kỳ. Có những đợt bệnh phát, không cần điều trị bằng thuốc, chỉ cần một số điều chỉnh trong lối sống, dinh dưỡng, bệnh cũng sẽ lui. Stress được cho là yếu tố khiến tình trạng bệnh phát hoặc tăng nặng.
Nên đọc
Theo GS.TS Nguyễn Khánh Trạch, Phòng khám Giáo sư, Phòng khám chữa bệnh theo yêu cầu, Bệnh viện Bạch Mai, để ngăn ngừa phát và tái phát viêm loét dạ dày, tá tràng, cộng đồng nên hiểu hơn về căn bệnh này. Có 9 điểm cần chú ý về viêm loét dạ dày, tá tràng, trong đó bao gồm cả nguyên nhân gây bệnh, triệu chứng và hướng điều trị. Có nắm vững những vấn đề này, người bệnh mới hợp tác tốt được với bác sỹ trong điều trị viêm loét dạ dày - tá tràng.
Viêm loét dạ dày là...
Dạ dày sử dụng dịch vị để phân mảnh thức ăn. Để bảo vệ thành dạ dày khỏi bị sự tấn công của acid clorhydric trong dịch vị, một màng nhày dày bao phủ bên trong dạ dày. Nhưng khi sự tái sinh các tế bào của màng nhày bị rối loạn, kích thích của dịch vị tạo ra những vết loét đường kính vài milimet. Loét tá tràng diễn ra ở ruột tá, điểm tiếp nối giữa dạ dày và ruột non, chiếm 90%. Viêm loét nằm ở dạ dày có thể dẫn đến các biến chứng trầm trọng.
Vi khuẩn HP hiện diện trong 90% các trường hợp viêm loét dạ dày - tá tràng (Ảnh minh họa)
Nguyên nhân nào gây loét?
Từ lâu, người ta cho rằng nguồn gốc viêm loét dạ dày là các yếu tố tâm thể. Nhưng ngày nay, người ta biết rằng 99% là do vi khuẩn HP. Sự khám phá này đã tạo nên một cuộc cách mạng trong điều trị loét dạ dày - tá tràng bằng cách tiêu diệt vi khuẩn này.
Tuy nhiên, loét còn có thể do tác động của aspirine dùng thường xuyên hoặc các nhóm thuốc kháng viêm giảm đau không streoid khác. Đây là nhóm thuốc gây độc cho dạ dày và làm giảm cơ chế bảo vệ tự nhiên của màng nhày. Việc dùng các thuốc nhóm này để điều trị đau sẽ góp phần làm tăng tình trạng loét.
Nên đọc
Triệu chứng thế nào?
Viêm loét dạ dày tá tràng thường kéo theo những cơn đau như chuột rút, nóng bỏng, quặn thắt ở dạ dày. Cơn đau xuất hiện khoảng 2 giờ sau bữa ăn và có thể kéo dài tới bữa ăn kế tiếp. Bên cạnh đó còn có thể có các triệu chứng phối hợp như: Buồn nôn, nôn, rối loạn tiêu hóa, ợ hơi, ơ chua... Trong một số trường hợp còn kèm theo trào ngược dạ dày - thực quản. Việc cung cấp thức ăn vào dạ dày thường giúp giảm đau, đặc biệt là thức ăn khô. Các triệu chứng kéo dài vài ngày rồi trở nên đau theo định kỳ.
Khi nào đi bác sỹ?
Nếu cơn đau không thể giảm khi dùng các thuốc giảm đau dạ dày không cần kê toa, nếu tái xuất hiện nhiều lần trong ngày đêm thì nên đi khám để được điều trị sớm và hiệu quả.
Đâu là những yếu tố làm tăng nặng viêm loét dạ dày?
Có nhiều yếu tố làm tăng nặng vết loét dù không phải là nguyên gây ra viêm loét, mà là nghiện thuốc lá, nghiện rượu, dùng nhiều cà phê, bị stress thường xuyên, dùng các thuốc giảm đau không steroid và các thuốc corticoid.
Cần từ bỏ các yếu tố trên một khi đã được chẩn đoán viêm loét dạ dày - tá tràng. Cần theo một chế độ ăn uống cân bằng, sử dụng nhiều rau quả để cung cấp chất xơ, tránh các đồ chiên xào quá nhiều mỡ hoặc gia vị. Cần dành thời gian cho việc ăn uống; Những bữa ăn vội vã sẽ làm cho dịch vị tiết ra nhiều gây đau cho vết loét.
Chẩn đoán viêm loét dạ dày như thế nào?
Việc chẩn đoán cần đến kỹ thuật nội soi hoặc chụp fibroscopie dạ dày để thấy rõ ổ viêm, vết loét và lấy sinh thiết các mảnh màng nhày. Bệnh nhân không thoải mái lắm với phương pháp này nên có thể trắc nghiệm gián tiếp bằng cách dùng test qua đường hô hấp.
Các liệu pháp dân gian thường được người dân sử dụng trong điều trị và phòng ngừa viêm loét dạ dày
Điều trị ra sao?
Cơ bản nhất vẫn là dùng thuốc tác dụng cùng lúc làm giảm tiết dịch vị và kháng sinh để tiêu diệt HP. Hai nhóm dược phẩm thường được sử dụng:
- Chống tăng tiết để ngăn chặn sự sản xuất acid chlorhydric và làm liền các tổn thương màng nhày: đó là chất ngăn chặn pompe proton thường được dùng từ 4 - 6 tuần.
- Các kháng sinh để tiệt trừ HP thường là amoxicillin và clarithromycin trong ít nhất là một tuần. Trong vài ngày, các triệu chứng biến mất nhưng không nên ngưng điều trị vì bệnh dễ tái phát cùng với chủng HP đã đề kháng với liều điều trị và kháng sinh cũ.
Khi nào cần đến phẫu thuật?
Với sự tiến bộ trong liệu pháp điều trị, chỉ định phẫu thuật ngày càng ít. Tuy nhiên, trong trường hợp xuất huyết dạ dày, bác sỹ phẫu thuật sẽ phải khâu lại các mạch máu hoặc khâu lại vết loét.
Trong viêm loét dạ dày, điều gây lo ngại là sự phát triển thành ung thư. Sau nhiều lần tái đi tái lại không được điều trị đúng mức hoặc trong trường hợp nghi ngờ tình trạng của vét loét, bác sỹ phẫu tuật có thể lấy đi một phần dạ dày nơi có vết loét rồi tùy tình hình, có thể đồng thời cắt dây thần kinh phế vị để giảm tình trạng tiết ra acid chlorhydric
Biến chứng gồm những gì?
Nếu không được điều trị, vết loét có thể phát triển các biến chứng như xuất huyết dạ dày hoặc thủng dạ dày. Xuất huyết có thể được nhận biết ở tình trạng nôn ra máu (màu đỏ hoặc đen) hoặc có máu đen trong phân. Tình trạng xuất huyết cho thấy mức trầm trọng các mạch máu bị tổn thương.
Thủng dạ dày thường kèm theo đau dữ dội ở bụng, cần phải thăm khám khẩn cấp. Chúng thường kéo theo viêm màng bụng. Bệnh nhân cần được nhập viện và can thiệp bằng phẫu thuật. Có bệnh nhân không đau dữ dội nhưng vẫn bị xuất huyết.
Nên đọc
Khánh Hạ (H+)
Bình luận của bạn