- Chuyên đề:
- Tăng huyết áp
Bác sĩ Lân Hiếu khuyên người bệnh nếu thấy huyết áp tăng cũng phải bình tĩnh, đừng quá lo lắng và tránh đo liên tục gây căng thẳng và huyết áp có thể tiếp tục lên - Ảnh: Dantri
Bài viết này được bác sỹ Nguyễn Lân Hiếu chia sẻ trên trang cá nhân. Theo ông, những khi thời tiết thay đổi, nhiều người – đặc biệt là những người ở lứa tuổi trung niên, dễ gặp phải cơn tăng huyết áp. Họ dễ rơi vào tình trạng hoảng hốt, vội vàng tìm giải pháp bởi những thông tin được đăng tải trên các báo hàng ngày. Rằng tăng huyết áp có thể dẫn tới đột quỵ, nhồi máu cơ tim… nhẹ thì để lại biến chứng, nặng thì có thể mất đi tính mạng.
Bác sĩ Lân Hiếu khẳng định, đúng là tăng huyết áp không xử lý đúng thì có thể dẫn tới các biến chứng nguy hiểm như trên. Nhưng, xử lý tăng huyết áp cũng khá đơn giản và điều quan trọng, người bị tăng huyết áp và người nhà, đừng hoảng.
Bác sĩ Lân Hiếu chia sẻ: “Nếu huyết áp tăng cao kém theo các triệu chứng như nhức đầu dữ dội, khó thở, đau ngực hoặc thay đổi thị lực... phải nghĩ tới một trường hợp khẩn cấp về tăng huyết áp. Đây là cấp cứu nội khoa cần nhập viện.” Thế nào là cơn tăng huyết áp? Đó là khi chỉ số huyết áp vượt quá 180/120. “Gọi xe cứu thương hoặc đến bệnh viện gần nhất. Nếu có bác sĩ gia đình, việc liên hệ nhận các hướng dẫn là rất cần thiết, đừng ngần ngại nhấc điện thoại gọi dù là giữa đêm, chắc chắn các bác sĩ sẽ không phật lòng đâu.”, bác sĩ Lân Hiếu viết trên trang cá nhân.
Nhưng nếu chỉ số huyết áp tâm thu dưới 180, tâm trương dưới 120 và không có triệu chứng gì, thì làm thế nào?
Bác sĩ Lân Hiếu đưa ra 5 lời khuyên.
Thứ nhất: Bình tĩnh. Trong khi chờ đợi sự giúp đỡ, hãy cố gắng giữ bình tĩnh. Căng thẳng có thể làm tình trạng tăng huyết áp trở nên trầm trọng hơn. Ngồi hoặc nằm trong tư thế thoải mái.
Thứ hai: Đo lại huyết áp sau 5 phút. Nếu huyết áp đã hạ dù chỉ 5mmHg hãy bình tĩnh đợi thêm 15 phút nữa để đo lại. Đừng đo liên tục vì sẽ gây căng thẳng khiến huyết áp lại càng tăng thêm.
Thứ ba: Dùng thêm thuốc. Thuốc dùng thêm sẽ chỉ sử dụng khi sau 15 phút huyết áp không xuống được đặc biệt huyết áp tâm trương. Bác sĩ Lân Hiếu viết: “Không có hướng dẫn cụ thể về con số vì liên quan đến cơ địa của từng bệnh nhân. Tôi thường sử dụng công thức lấy số tuổi cộng với 100 là huyết áp tâm thu chúng ta thường chịu đựng được để làm yên lòng những bác bệnh nhân quá lo lắng. Tuy nhiên nếu huyết áp tâm trương vượt quá 100mmHg lại là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ cần dùng thuốc thêm hoặc nâng liều thuốc. Lấy ví dụ một bác 70 tuổi, huyết áp thỉnh thoảng lên 168/90 chắc cũng không lo ngại nhiều nếu không có dấu hiệu lâm sàng nhưng huyết áp 150/110 lại rất cần điều chỉnh liều thuốc.”
Thứ tư: Dùng thuốc thêm thế nào? “Nếu có đơn hàng ngày, hãy dùng thuốc hạ huyết áp theo chỉ dẫn nhưng có thể uống giờ sớm hơn. Ví dụ như 6h dậy thấy huyết áp tăng cao có thể lấy thuốc sáng uống luôn không cần đợi đến 7h như thông lệ. Không tự dùng thuốc hoặc điều chỉnh liều lượng mà không hỏi ý kiến bác sĩ của mình. Đặc biệt không dùng những loại thuốc hạ áp mạnh, tác dụng nhanh vì lợi bất cập hại. Huyết áp xuống rất nhanh sẽ gấy thiếu máu các tạng quan trọng như tim, não, thận...”, bác sĩ Lân Hiếu viết. Các thuốc huyết áp có thể sử dụng cần bảo đảm nguyên tắc hạ áp từ từ. Nói dễ hiểu chỉ cần giảm áp lực vài mmHg là đã bảo đảm "đường ống không bị vỡ".
Bác sĩ Lân Hiếu cũng gợi ý, các bác sĩ có thể kê uống thêm ức chế men chuyển, ức chế thụ thể Angiotensin hay lợi tiểu cho bệnh nhân tăng huyết áp. Ông cũng khuyên rằng, nếu giữa đêm bệnh nhân không có sẵn thuốc khác thì có thể dùng thêm 1/2 liều thuốc vẫn dùng hàng ngày kèm theo thuốc an thần nhẹ để loại trừ nguyên nhân tăng huyết áp do lo lắng quá mức.

Người bị cao huyết áp nên đi kiểm tra lại sau mỗi cơn huyết áp tăng cao để có phương án dùng thuốc hợp lý
Thứ năm: Đi khám lại. Sau khi bị cơn tăng huyết áp phải dùng thêm thuốc thì chắc chắn người bệnh cần đi khám lại. Nếu chưa dùng thêm hoặc tăng liều thuốc, lúc này chỉ cần thay đổi chế độ sinh hoạt tập luyện, đặc biệt chế độ ăn uống, huyết áp sẽ được bình ổn. Bác sĩ Lân Hiếu cũng khuyên rằng, “Đừng đo huyết áp quá nhiều lần mỗi ngày, hãy đo 2 lần sáng - tối, ghi vào quyển sổ hoặc điện thoại để đưa cho bác sĩ xem khi tái khám”.
Bác sĩ Lân Hiếu cũng cho rằng, bệnh có thể nguy hiểm, nhưng mỗi người nên hiểu về bệnh của mình, tin tưởng và tuân thủ đúng hướng dẫn điều trị của bác sĩ. Có như vậy, bệnh mới ổn định, cuộc sống mới vui vẻ, hạnh phúc.
Bình luận của bạn