Ăn uống không lành mạnh giảm khả năng sinh sản

Chế độ ăn uống không lành mạnh ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng sinh sản

Podcast: Bạn có nên tập thể dục khi bụng đói không?

Làm quen với các loại máy cardio ở phòng tập thể hình

Chia sẻ của người bị nhịp tim nhanh nhưng đi khám không ra bệnh

Thức càng khuya, nguy cơ mắc trầm cảm càng cao

Trong cuộc sống hiện đại, việc lựa chọn thức ăn nhanh, đồ chiên rán hay thực phẩm đóng gói sẵn trở nên phổ biến. Những loại thực phẩm này thường giàu calo nhưng lại thiếu chất dinh dưỡng, dẫn đến tăng cân và tích tụ mỡ nội tạng - loại mỡ bao quanh các cơ quan quan trọng như gan, ruột và buồng trứng.

Mỡ nội tạng không chỉ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch hay đái tháo đường mà còn ảnh hưởng đến hệ hormone trong cơ thể. Khi tích tụ nhiều, mỡ nội tạng khiến nồng độ estrogen - hormone sinh dục nữ tăng cao bất thường. Điều này làm rối loạn chu kỳ kinh nguyệt, cản trở quá trình rụng trứng, làm giảm khả năng thụ thai. Theo bác sĩ Astha Dayal, Giám đốc Sản phụ khoa tại Bệnh viện CK Birla (Ấn Độ), mỡ thừa làm tăng estrogen, dẫn đến rối loạn kinh nguyệt và có thể gây ra hội chứng buồng trứng đa nang (Polycystic Ovary Syndrome- PCOS) - một trong những nguyên nhân phổ biến gây vô sinh. Ngoài ra, tình trạng kháng insulin thường gặp ở người béo phì cũng làm mất cân bằng hormone, gây khó khăn cho việc mang thai.

Mỡ nội tạng làm tăng nồng độ estrogen

Mỡ nội tạng làm tăng nồng độ estrogen

Bên cạnh đó, các rối loạn ăn uống cũng là một vấn đề đáng lưu ý. Theo Tiến sĩ Yashica Gudesar, Giám đốc và Trưởng khoa Sản phụ khoa tại Bệnh viện Max Super Speciality Hospital (Ấn Độ): “Các rối loạn ăn uống khác, chẳng hạn như ăn uống vô độ, cũng có thể dẫn đến tình trạng viêm trong cơ thể, từ đó làm tăng nguy cơ biến chứng thai kỳ và sảy thai. Ngoài ra, các rối loạn tâm lý như cuồng ăn và chán ăn có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe sinh sản và cần được điều trị kịp thời để đảm bảo sức khỏe tổng thể.” Thói quen ăn uống vô độ (binge eating) là ăn một lượng lớn thực phẩm trong thời gian ngắn, thường không kiểm soát và vượt quá nhu cầu của cơ thể.

Áp dụng chế độ ăn lành mạnh để bảo đảm sức khỏe tổng thể

Áp dụng chế độ ăn lành mạnh để bảo đảm sức khỏe tổng thể

Mặc dù vậy, các chuyên gia cho rằng cơ thể có thể phục hồi nếu điều chỉnh kịp thời chế độ ăn uống và lối sống. Khẩu phần ăn nên tăng cường rau xanh, trái cây, đạm lành mạnh từ cá, thịt nạc, trứng, đậu phụ; bổ sung ngũ cốc nguyên hạt và chất béo có lợi từ dầu thực vật hoặc các loại hạt. Đồng thời, cần hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, món chiên rán, đường tinh luyện và nước ngọt có ga. Bên cạnh đó, vận động thường xuyên như đi bộ, yoga hoặc bơi lội giúp giảm mỡ nội tạng, điều hòa hormone và cải thiện khả năng thụ thai một cách tự nhiên.

Nếu bạn nhận thấy các dấu hiệu như tăng cân nhanh, kinh nguyệt không đều hoặc khó thụ thai dù không dùng biện pháp tránh thai, hãy chủ động đi khám tại cơ sở y tế. Việc điều chỉnh kịp thời lối sống và tâm lý không chỉ giúp tăng khả năng mang thai mà còn góp phần bảo vệ sức khỏe lâu dài cho cả mẹ và con.

 
Đào Dung (Theo Time Of India)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Dinh dưỡng