Cần đội nón, đeo kính râm khi ra nắng để bảo vệ làn da của bạn. Ảnh minh họa: internet
Theo Học viện Da liễu Mỹ (AAD), phương pháp bảo vệ da hiệu quả nhất khi phải ra ngoài trời trong lúc nắng gắt là bạn nên mặc áo dài tay, quần dài, đội mũ rộng vành và mang kính mát, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các vùng da tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời.
Trong trường hợp bạn đi du lịch hoặc tắm biển, đảm bảo tất cả vùng da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời cần phải được thoa kem chống nắng, chịu nước, có chỉ số chống nắng (SPF) từ 30 trở lên, nhằm bảo vệ da chống lại cá hai tia cực tím A và B.
Để bảo đảm an toàn cho da, bạn cần thoa lại kem chống nắng sau mỗi hai giờ, ngay cả khi trời râm mát và sau khi tắm biển xong. Hạn chế đến mức thấp nhất việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời từ 10 sáng đến 2 giờ chiều, vì khoảng thời gian này, các tia nắng là gay gắt nhất.
Nếu da bạn bị cháy nắng, bạn nên tắm bồn hoặc tắm vòi sen mát có thể giúp giảm cảm giác đau, rát.
Sau khi tắm xong, bạn cần nhớ không được lau khô mà chỉ nên vuốt người cho ráo, giữ nước lưu lại làm mát da.
Tiếp theo, bạn nên sử dụng các loại kem dưỡng ẩm có chứa lô hội (nha đam) hoặc đậu nành thoa lên vùng da bị cháy nắng để giữ ẩm cho da.
AAD khuyến cáo, trong trường hợp các vùng da bị cháy nắng gây khó chịu, bạn có thể sử dụng kem hydrocortisone, có bán ở các cửa hiệu thuốc, để thoa lên da. Tuy nhiên, bạn cần nhớ, không bao giờ được sử dụng các sản phẩm “Caine" (như benzocaine) để thoa lên da, vì chúng có thể gây kích ứng da hoặc phản ứng dị ứng da.
Ngoài ra, bạn có thể sử dụng thuốc aspirin hay ibuprofen để giúp làm giảm tình trạng da bị sưng, tấy đỏ và khó chịu gây ra bởi cháy nắng.
Song song đó, bạn cũng nên uống nhiều nước để giúp làm mát da. Nếu da bị phồng rộp, bạn không nên làm vỡ chúng, nhằm ngăn ngừa nguy cơ nhiễm trùng, giúp da mau lành.
Cuối cùng, trong lúc chữa da bị cháy nắng, bạn cần nhớ không được đi ra ngoài vào lúc trời nắng, để tránh làm tình trạng cháy nắng thêm nghiêm trọng.
Bình luận của bạn