Bệnh hô hấp lúc giao mùa: Nỗi lo của những gia đình trẻ

Tháng 11 là thời điểm trẻ dễ mắc các bệnh đường hô hấp nhất trong năm

Phòng bệnh hô hấp thường gặp trong mùa đông

Trẻ mắc bệnh hô hấp 'ùn ùn' nhập viện

Chung tay đẩy lùi các bệnh hô hấp mạn tính ở người cao tuổi

TP.HCM: Quá tải bệnh viện vì trẻ mắc bệnh hô hấp

TP.HCM: Liên tiếp trẻ nhập viện vì bệnh hô hấp

8h sáng tại Bệnh viện Nhi Trung ương, nhiều ông bố bà mẹ trẻ đã xếp hàng chật ních khu lấy số khám bệnh. Chỉ một góc của khu khám bệnh tự nguyện cho trẻ đã có gần trăm người đang ngồi đợi đến lượt khám, nét mặt ai cũng tỏ rõ sự lo lắng.

Một góc của khu khám bệnh tự nguyện, Bệnh viện Nhi Trung ương

Một bác sỹ ở Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, thời gian này, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận gần 3.000 lượt trẻ tới khám bệnh. Hơn một nửa trong số đó là các bệnh đường hô hấp như sốt virus, ho, viêm tiểu phế quản, viêm phổi. Số lượng trẻ mắc các bệnh đường hô hấp thời điểm này tăng khoảng 25 - 30% so với bình thường.

Gương mặt lo lắng của một người phụ nữ trẻ, chị Đ.T.T, 29 tuổi, Hoài Đức, Hà Nội chia sẻ: “Cháu ốm 2 tuần nay rồi, đi khám thì bác sỹ chẩn đoán là cảm cúm thông thường nhưng uống gần một tuần mà chưa khỏi nên phải cho cháu đi Bệnh viện Nhi Trung ương”. Cháu N, 6 tháng tuổi, con trai của chị được chẩn đoán là viêm phổi thể hen nhẹ. Mỗi lần đi khám bệnh như thế này, nếu ông bà nội không đi được thì chị phải nghỉ cả ngày để đưa con đi và chấp nhận bị trừ lương do số lượng ngày nghỉ bị hạn chế.

Những gia đình ở xa hơn, như một trường hợp ở Hải Hậu, Nam Định, cặp vợ chồng trẻ đưa con đi Hà Nội khám vì sốt, ho, khó thở. Anh chồng cho biết con của anh, bé N.T.M.T cứ ốm liên tục: “Đợt này lạnh về, mình đi làm cả ngày nên không trông được, lần này ốm quá nên phải cho cháu đi Bệnh viện Nhi Trung ương mới an tâm. Mỗi lần đưa cháu đi khám, nhanh thì một ngày, chậm thì phải 2 ngày mới về được, tổng chi phí cũng mất gần 2 triệu”. Với một gia đình ở vùng biển còn nhiều khó khăn, đây thực sự là một cái giá đắt đỏ.

Hành lang phòng khám hô hấp Bệnh viện Nhi Trung ương

Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cũng ở trong tình trạng tương tự với số lượng trẻ bị bệnh hô hấp đến khám tăng mạnh. Theo PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, thời tiết giao mùa từ tháng 8 đến tháng 12 là khoảng thời gian lý tưởng cho các bệnh đường hô hấp ở trẻ phát triển, đỉnh điểm là giữa tháng 10 đến tháng 11. Nhiệt độ giữa ngày và đêm chênh lệch lớn cùng với độ ẩm cao thuận lợi cho các yếu tố gây bệnh phát triển. Trẻ em có đường thở ngắn, hẹp và hệ miễn dịch chưa hoàn thiện nên các mầm bệnh rất dễ xâm nhập.

Các bệnh đường hô hấp có thể chữa khỏi nhanh trong vài ngày như cúm, sốt virus… Nhưng với những ca bệnh lâu ngày như viêm họng cấp, viêm phổi mà cha mẹ tự “bốc thuốc” hay chữa mẹo, các biến chứng nguy hiểm có thể xuất hiện như hen, viêm phổi nặng, viêm khớp, biến chứng cơ tim và van tim, thậm chí là tử vong.

Trong thời gian tới, thời tiết sẽ chuyển lạnh hơn. Các chuyên gia y tế cảnh báo , cha mẹ nên giữ cho trẻ luôn ấm áp, vệ sinh sạch sẽ, và dinh dưỡng hợp lý để trẻ có một sức khỏe tốt, xua tan đi nỗi lo mắc bệnh giao mùa.

Để phòng bệnh hô hấp cho trẻ cha mẹ cần:
- Giữ ấm cho trẻ khi thời tiết trở lạnh, nhất là khi đưa trẻ đi chơi ngoài trời vào buổi tối hoặc sáng sớm, ở các vị trí quan trọng như bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu.
- Không nên cho trẻ tiếp xúc với người có biểu hiện bị cúm, viêm đường hô hấp và những chỗ đông người ngột ngạt, có khói thuốc lá.
- Cho trẻ uống nước ấm, tránh ăn những thức ăn lấy trực tiếp từ tủ lạnh như: Kem, đá…
- Tăng cường dinh dưỡng với thực đơn cân đối của các nhóm dưỡng chất như: Tinh bột, chất đạm, chất béo và rau củ quả.
- Bổ sung đầy đủ vitamine và khoáng chất cho trẻ. Đây là những dưỡng chất quan trọng vừa giúp trẻ phát triển hoàn thiện cả về thể chất lẫn tinh thần cũng như tăng cường hệ miễn dịch.
- Tiêm phòng đầy đủ vaccine để phòng chống các loại bệnh tật cho trẻ.
Tiểu Bắc H+
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ