Trẻ em và thanh thiếu niên có nhiều nguy cơ mắc bệnh quai bị, đặc biệt trong mùa Đông, Xuân
Chích ngừa rồi vẫn lây quai bị?
Bệnh Whitmore gây tử vong sau 48h dễ bị nhầm với quai bị
Nhận biết bệnh quai bị thông qua những triệu chứng này!
Quai bị có gây vô sinh ở nữ giới?
Virus quai bị có tên khoa học là Mumps virus, thuộc giống Rubulavirus, họ Paramyxoviridae. Virus bị bất hoạt nhanh khi ra ánh nắng mặt trời và trong điều kiện khô nóng, nhưng có thể tồn tại lâu ở nhiệt độ thấp. Virus có thể tồn tại khá lâu ở môi trường ngoài cơ thể, từ 30 – 60 ngày ở nhiệt độ 15 – 20 độ C, khoảng 1-2 năm ở nhiệt độ âm sâu (-25 đến – 70độ C) và bị tiêu diệt ở nhiệt độ trên 56 độ C.
Bệnh quai bị có thể xảy ra quanh năm nhưng thường thành dịch vào mùa Đông và mùa Xuân. Bệnh lây trực tiếp qua đường hô hấp qua tiếp xúc giữa người bệnh và người lành. Thời gian lây bệnh từ 7 ngày trước đến 7 ngày sau khi có triệu chứng đầu tiên của bệnh.
Những người chưa mắc quai bị đều có thể mắc bệnh, thường gặp nhất ở trẻ em và thanh thiếu niên. Sau khi mắc, những người có miễn dịch tốt rất hiếm khi bị tái phát. Miễn dịch mẹ truyền cho con có thể tồn tại khoảng 1 năm. Trẻ dưới 2 tuổi và người già hiếm khi bị bệnh.
Bệnh quai bị có thể gây sốt cao
Bệnh quai bị có thể biểu hiện thành những triệu chứng như sốt cao, có thể lên đến 40 độ C, nhức đầu, khô miệng, nuốt đau, đau mỏi toàn thân, ăn ngủ kém; Tuyến nước bọt vùng dưới hàm 1 bên hoặc cả 2 bên sưng to. Ở trẻ vị thành niên, có thể sưng căng và đau tinh hoàn 1 bên hoặc cả 2 bên. Bệnh tiến triển và tự khỏi sau khoảng 10 ngày, nếu không có biến chứng.
Quai bị là bệnh lành tính, nhưng trong trường hợp xấu nhất có thể gây tử vong do biến chứng viêm não, viêm cơ tim, viêm tụy. Phụ nữ có thai mắc quai bị có thể bị sảy thai, sinh non. Nam giới ở tuổi trưởng thành nếu bị biến chứng viêm tinh hoàn nặng có thể dẫn đến vô sinh.
Hiện nay, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh quai bị, điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng, phát hiện sớm các biến chứng như viêm tinh hoàn, viêm màng não, tăng cường dinh dưỡng…
Nếu bệnh nhân chỉ sưng đau tuyến nước bọt mang tai đơn thuần có thể điều trị ngoại trú theo chỉ định của bác sỹ. Nếu bị sưng cả tuyến dưới hàm, dưới lưỡi gây khó nuốt, khó thở hay viêm tinh hoàn thì phải nhập viện điều trị ngay.
Các biện pháp phòng ngừa quai bị
Cải thiện chế độ dinh dưỡng: Để ngăn ngừa quai bị, cần chú trọng chế độ dinh dưỡng nhằm tăng cường sức đề kháng của cơ thể.
Tiêm phòng vaccine quai bị: Đây là vaccine sống giảm độc lực. Vaccine có thể dùng đơn độc hoặc kết hợp phòng sởi, quai bị và sởi Đức (Rubella). Trẻ từ 12 – 24 tháng tuổi nên được tiêm phòng mũi vaccine kết hợp, khi trẻ 4-6 tuổi tiêm liều thứ 2 nhắc lại. Tiêm phòng quai bị rất quan trọng ở trẻ dậy thì, thanh thiếu niên và người trưởng thành chưa có miễn dịch chống quai bị. Cần tiêm vaccine phòng quai bị không quá 72 giờ sau khi tiếp xúc với người mắc bệnh quai bị.
Cho trẻ tiêm vaccine quai bị để ngăn ngừa mắc bệnh
Chú ý thực hiện vệ sinh cá nhân: Thực hiện vệ sinh cá nhân, súc họng bằng dung dịch khử khuẩn hoặc nước muối loãng, đặc biệt cho nhóm trẻ em nhỏ tuổi.
Vệ sinh môi trường sống: Làm thông thoáng nhà ở, có thể khử khuẩn không khí nhà ở, buồng bệnh bằng đèn cực tím hoặc phun ULV, xông hơi nóng formalin cho những không gian kín.
Phát hiện sớm bệnh tại cộng đồng: Cần phát hiện sớm các bệnh nhân, tổ chức cách ly và điều trị kịp thời. Có thể cách ly điều trị tại nhà và điều trị theo chỉ dẫn của cơ sở y tế với các trường hợp nhẹ. Không cho bệnh nhân đến trường học, nơi làm việc hoặc nơi công cộng trong vòng 7 – 9 ngày từ khi phát bệnh. Bệnh nhân cần được hạn chế tiếp xúc, thường xuyên đeo khẩu trang, nghỉ ngơi tại chỗ, hạn chế vận động…Chú ý vệ sinh, tẩy uế các chất dịch tiết của người bệnh. Không bôi hoặc đắp những thứ thuốc dân gian như vôi, trầu nhai... ở tuyến mang tai để tránh tình trạng nhiễm độc.
Ai không nên tiêm hoặc hoãn tiêm vaccine phòng ngừa quai bị?
Vì vaccine ngừa quai bị chứa virus sống nên không nên tiêm phòng trong những trường hợp sau:
- Suy giảm miễn dịch nặng.
- Mắc bệnh ác tính toàn thân như Leucémie, lymphoma…
- Đang điều trị corticoid toàn thân liều cao, sử dụng thuốc chống chuyển hóa, thuốc độc tế bào, xạ trị chống ung thư.
- Phụ nữ đang mang thai và nghi ngờ mang thai không được tiêm vaccine quai bị.
- Phụ nữ được tiêm vaccine quai bị cần áp dụng các biện pháp phòng tránh thai trong thời gian ít nhất là 28 ngày sau khi tiêm.
Bình luận của bạn