Cha mẹ lưu ý tiêm đủ cho trẻ 3 mũi vaccine phòng bệnh viêm não Nhật Bản.
Trẻ tổn thương não, tử vong vì viêm não Nhật Bản
Mùa hè, cẩn trọng với bệnh viêm não Nhật Bản
Đưa vaccine viêm não Nhật Bản vào tiêm chủng thường xuyên
Lịch tiêm phòng vaccine viêm não Nhật Bản cho trẻ như thế nào?
Theo Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội, viêm não Nhật Bản là bệnh hay gặp vào mùa Hè, đặc biệt ở trẻ chưa được tiêm hoặc tiêm không đầy đủ vaccine phòng bệnh.
Vì thế, để phòng bệnh, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu Trung tâm Y tế dự phòng thành phố và các Trung tâm y tế cấp quận, huyện, xã tăng cường giám sát dịch tại bệnh viện và cộng đồng; Kịp thời phát hiện bệnh nhân để khoanh vùng xử lý triệt để ổ dịch. Đồng thời, Trung tâm Y tế dự phòng đôn đốc các đơn vị tổ chức tiêm vaccine viêm não Nhật Bản đạt tỷ lệ theo quy định.
Các cơ sở y tế trên địa bàn cũng được yêu cầu tổ chức tập huấn cho nhân viên y tế khám phát hiện, điều trị bệnh. Khi phát hiện có bệnh nhân, nhân viên y tế thông báo cho trung tâm y tế cấp quận, huyện, xã hoặc Trung tâm Y tế dự phòng thành phố để có biện pháp xử lý. Các đơn vị cũng điều trị kịp thời cho người bệnh, hạn chế thấp nhất tử vong.
Tất cả mọi người, mọi lứa tuổi nếu chưa miễn dịch với virus viêm não Nhật Bản đều có thể mắc bệnh, kể cả người lớn. Bệnh chủ yếu gặp ở trẻ dưới 15 tuổi, chiếm hơn 90% ca, trong đó đa số là trẻ 1 - 5 tuổi. Bệnh do muỗi truyền, diễn biến nặng, tỷ lệ di chứng và tử vong cao. Ước tính khoảng 30% bệnh nhân nhập viện tử vong; Khoảng 30 - 50% trường hợp sống sót bị các di chứng thần kinh và tâm thần nặng nề.
Biểu hiện của bệnh là sốt cao kèm theo các triệu chứng liên quan đến tổn thương hệ thần kinh trung ương như nhức đầu, buồn nôn và nôn. Trẻ mất ngủ quấy khóc, vật vã mê sảng hoặc li bì, co giật, tăng trương lực cơ, rối loạn thần kinh thực vật (da lúc đỏ lúc xám, vã mồ hôi, mạch nhanh).
Để phòng bệnh, người dân cần chú ý vệ sinh môi trường, giữ gìn nhà ở sạch sẽ, vệ sinh chuồng trại để muỗi không có nơi trú đậu; Nên ngủ màn. Cha mẹ lưu ý không cho trẻ chơi gần chuồng gia súc, đặc biệt lúc chập tối đề phòng muỗi đốt. Muỗi truyền viêm não thường đốt vào ban đêm. Khi có dấu hiệu sốt cao cùng với các triệu chứng tổn thương hệ thần kinh trung ương cần đưa trẻ ngay đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Biện pháp phòng bệnh tốt nhất là tiêm phòng, tuy nhiên trẻ phải được tiêm đủ liều. Nếu chỉ tiêm một mũi vaccine thì không có hiệu lực bảo vệ, tiêm đủ 2 mũi hiệu lực bảo vệ đạt trên 80%. Tiêm đủ 3 mũi thì hiệu lực bảo vệ đạt 90 - 95% trong khoảng 3 năm.
Đỉnh cao dịch bệnh là tháng 6 và tháng 7. Từ tháng 10 trở đi, mật độ muỗi giảm xuống và dịch kết thúc. Vì thế, ngành y tế khuyến cáo cha mẹ tuân thủ lịch tiêm chủng như sau:
Đối với trẻ dưới 5 tuổi: Tiêm 3 liều cơ bản theo lịch tiêm của chương trình tiêm chủng mở rộng.
- Mũi một: Lúc trẻ đủ một tuổi;
- Mũi 2: Sau mũi một từ một đến 2 tuần;
- Mũi 3: Sau mũi 2 là một năm.
Sau đó cứ 3 - 4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.
Đối với trẻ trên 5 tuổi nếu chưa từng được tiêm vaccine thì cũng tiêm với 3 liều cơ bản. Khoảng cách các mũi cũng tương tự như trên.
Bình luận của bạn