Bệnh viện Bạch Mai cứu thành công cụ ông 103 tuổi bị đột quỵ

GS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện chúc mừng gia đình và trao giấy xuất viện sau khi điều trị đột quỵ thành công cho cụ ông 103 tuổi - Ảnh: BVCC.

Những ai có nguy cơ cao, dễ bị nhồi máu cơ tim?

Người mắc huyết áp cao có nguy cơ bị đột quỵ khi tắm đêm?

Nắm rõ tiền sử bệnh của gia đình giúp giảm nguy cơ đau tim, đột quỵ

Tại sao nguy cơ đau tim, đột quỵ có xu hướng tăng vào mùa Đông?

Thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh nhân là cụ ông Đào Văn Dễ (103 tuổi, ở Hưng Yên) được chuyển đến Bệnh viện trong tình trạng lơ mơ, liệt nửa người bên phải, thất ngôn hoàn toàn. Bác sĩ đánh giá bệnh nhân bị đột quỵ não nghiêm trọng.

Theo lời kể của gia đình, trước đó, khoảng 22 giờ ngày 2/1, sau khi xem trận bóng đá giữa đội tuyển Việt Nam và Thái Lan, người thân thấy cụ lịm dần, cứ nghĩ cụ buồn ngủ, nhưng khi chạm vào người thấy cụ ngã ra, người mềm nhũn.

Với những kiến thức tự tìm hiểu trên các kênh truyền thông đại chúng cùng với kinh nghiệm bản thân, người thân dự đoán cụ đã bị đột quỵ. Lập tức gia đình gọi xe cứu thương đưa cụ thẳng từ Hưng Yên lên Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai.

Trực tiếp cấp cứu cho cụ ông, TS.BS Đào Việt Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Đột quỵ (Bệnh viện Bạch Mai), cho biết, đây là ca bệnh đột quỹ não, khởi phát trong giờ vàng, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng liệt nửa người phải.

Ngay lập tức, ê-kíp cấp cứu đột quỵ được điều động, chế độ “fast track” được khởi động và bệnh nhân được xử trí tối cấp cứu: Chụp MSCT (Chụp cắt lớp điện toán đa lát cắt) mạch não để đánh giá nhu mô và mạch não. Kết quả MSCT mạch não cho thấy, cụ Đào Văn Dễ bị nhồi máu não thùy đảo, trán trái do tắc động mạch não lớn bên trái (động mạch não giữa), đồng thời, bệnh nhân có nguy cơ diễn biến nặng khi tắc mạch lớn ở bán cầu não ưu thế.

Các bác sĩ của Trung tâm Đột quỵ đã tiến hành hội chẩn với bác sĩ của Trung tâm Điện quang để thống nhất phương án điều trị tối ưu cho cụ ông.

Theo BS. Phương, với các ca đột quỵ thông thường thì việc bác sĩ đưa ra phác đồ: tiêu huyết khối kết hợp với can thiệp mạch không phải là điều khó khăn. Tuy nhiên, việc áp dụng cả 2 phương pháp trên “cỗ máy” già nua của cơ thể 103 tuổi là một thách thức vô cùng lớn.

Thuốc tiêu sợi huyết giúp phân hủy các cục máu đông (uống hoặc truyền tĩnh mạch), còn lấy huyết khối cơ học là thủ thuật can thiệp nhằm loại bỏ cục máu đông ra khỏi mạch máu bằng cách sử dụng các thiết bị y tế chuyên dụng.

"Bệnh nhân phải đối diện với hàng loạt nguy cơ tiềm ẩn: Nguy cơ tiêu huyết khối đơn thuần ít mang lại hiệu quả thông mạch vì tắc ở đoạn mạch lớn; Nguy cơ tai biến khi can thiệp mạch cao vì mạch máu não người 103 tuổi có thể rất dễ vỡ và biến chứng chảy máu…" - BS. Phương cho biết.

Bên cạnh đó, theo bác sĩ, còn hàng loạt những thách thức khác như tiên lượng kém ở bệnh nhân 103 tuổi khi phải hồi sức sau can thiệp, đó là khó cai thở máy nếu có gây mê toàn thân và đặt nội khí quản trong quá trình can thiệp, nguy cơ nhiễm trùng, suy kiệt, loét… Nhưng nếu không có "quyết sách" ngay, cụ ông đối diện nguy cơ diễn biến nhanh và để lại di chứng nặng nề.

Vì vậy, các bác sĩ đã "cân não trong chớp nhoáng" và quyết định phối hợp thực hiện hai phương pháp điều trị tái thông mạch là: Tiêu huyết khối và lấy huyết khối.

Trong 60 phút, ê-kíp tại Trung tâm Đột quỵ phối hợp với Trung tâm Điện quang tiến hành can thiệp, chỉ 2 giờ mạch máu đã tái thông. Sau 24 giờ can thiệp, bệnh nhân hồi phục và đến nay, có thể đọc rành mạch, rõ ràng các bài thơ do cụ tự sáng tác, cơ lực nửa người phải cải thiện 3/5.

"Mặc dù bệnh nhân có nhiều yếu tố nguy cơ như tuổi cao, nhiều bệnh nền nhưng cụ ông được đưa đến bệnh viện trong 'giờ vàng', tức là sau 1,5 giờ có biểu hiệu đột quỵ nên chỉ sau 12 giờ can thiệp, các triệu chứng gần như hồi phục hoàn toàn; không để lại di chứng trong vận động, tư duy và trí nhớ" - BS. Phương chia sẻ.

Ông Đào Văn Nhãn, 82 tuổi, con trai cụ Dễ, chia sẻ gia đình từng chuẩn bị hậu sự vì không nghĩ cụ có thể qua khỏi. Tuy nhiên, sau can thiệp, người bệnh tỉnh táo, nói chuyện bình thường, khiến cả nhà "vô cùng bất ngờ và hạnh phúc".

Chúc mừng bệnh nhân tại lễ ra viện ngày 10/1, PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, nhận định đây là ca bệnh rất khó, các quyết định của bác sĩ tua trực là sáng suốt và táo bạo, xử lý chuẩn xác vì bệnh nhân 103 tuổi nếu sử dụng tiêu sợi huyết và lấy huyết khối cơ học rất dễ biến chứng.

Bên cạnh đó, theo PGS Cơ, cụ Dễ bị tắc động mạch lớn, sẽ đi vào hôn mê và tử vong nếu không vào viện sớm vì mỗi phút trôi qua có 1,9 triệu tế bào não chết đi. Trường hợp này cũng minh chứng rằng đột quỵ ở bất kỳ độ tuổi nào, nếu được can thiệp sớm, đều có thể mang lại kết quả tốt. Việc gia đình nhận biết kịp thời dấu hiệu đột quỵ, hiểu biết về y học thường thức và đưa cụ đi cấp cứu trong "giờ vàng" đã góp phần quan trọng trong việc cứu sống, hồi phục hoàn toàn cho bệnh nhân.

 
Hiệp Nguyễn
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin