Thổi bay khó chịu tuổi tiền mãn kinh

Khắc phục loãng xương ở phụ nữ mãn kinh

Gel giúp thăng hoa ở tuổi mãn kinh

Ham make-up: Sớm “tắt” kinh!

Bổ sung hormone thời mãn kinh: Những thắc mắc phổ biến

 

Hầu hết phụ nữ Việt Nam vẫn quan niệm rằng, đây là một giai đoạn tự nhiên và chỉ cần chờ đợi, những thay đổi khó chịu sẽ tự biến mất. Tuy nhiên, theo BS CKII Trần Thị Tuyết Lan (Nguyên Trưởng khoa Sản II, Bệnh viện Phụ sản Trung ương): Phụ nữ khi bước vào độ tuổi tiền mãn kinh không nên chủ quan, lơ là mà cần tham gia các xét nghiệm kiểm tra, tầm soát để hạn chế tối đa rủi ro mắc bệnh. Hơn nữa, việc chăm sóc sức khỏe đúng cách sẽ giúp họ giảm bớt khó chịu của thời kỳ này.

Những dấu hiệu của tiền mãn kinh

Chị Thanh Lan (Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội) buồn bã tâm sự: “Dạo gần tôi luôn có cảm giác khó chịu, bứt rứt trong người. Thỉnh thoảng, có những cơn nóng bừng, vã mồ hôi ở đầu, mặt cổ và lưng, cảm giác rất khó chịu. Ngoài ra, kinh nguyệt của tôi cũng không đều, tháng thì ra nhiều, tháng ra ít. Tôi đã đi khám ở Bệnh viện Phụ sản và bác sỹ chẩn đoán tôi đang bước vào giai đoạn tiền mãn kinh”.

Theo thống kê y học, có hơn 50% phụ nữ từ tuổi 40 phải chịu sự “hành hạ” do những triệu chứng tiền mãn kinh - mãn kinh. Trong thời gian này, buồng trứng bắt đầu suy giảm chức năng, việc tiết hai loại hormon estrogene và progesterone không cân đối. Sự mất cân bằng các nội tiết tố nữ khiến quá trình rụng trứng diễn ra không đều, đồng thời, gây ra tình trạng rối loạn kinh nguyệt. Biểu hiện của rối loạn kinh nguyệt ở mỗi người phụ nữ trong thời kỳ tiền mãn kinh khác nhau, có thể là vòng kinh kéo dài hơn hoặc rút ngắn lại, huyết ra không đều, nhiều hơn hoặc ít hơn…

Theo Đông y, người phụ nữ đến tuổi 42 – 49 thì chức năng tạng phủ đều bị suy yếu, nhất là tạng thận. Thận suy cùng với khí huyết suy, làm mất cân bằng hai yếu tố âm dương trong cơ thể, ảnh hưởng đến sự hoạt động bình thường của các tạng phủ khác, gây ra hội chứng tiền mãn kinh.

Giai đoạn tiền mãn kinh ở phụ nữ kéo dài từ 2 - 5 năm trước khi kinh nguyệt dừng hẳn, đặc trưng bởi sự gia tăng những bất thường trong các chu kỳ kinh cũng như các rối loạn vận mạch, loãng xương, tiểu khó, giao hợp đau… Những dấu hiện dễ nhận biết nhất chính là: Vòng kinh dài, ngắn và ra huyết bất thường, kinh nguyệt không đều, kéo dài; Cảm thấy những cơn bốc hỏa và ra mồ hôi, nhiều nhất là vào ban đêm; Cảm giác nóng ở mặt, cổ, ngực trong vài giây đến vài phút và tần số xuất hiện cũng thay đổi; Có khuynh hướng trầm cảm, mệt mỏi, kích động; Giảm ham muốn tình dục và khô âm đạo gây đau khi giao hợp; Viêm bàng quang, tiểu không tự chủ, són đái…

Để giảm thiểu những nỗi khó chịu mắc phải của giai đoạn tiền mãn kinh – mãn kinh, chị em cần phải chú ý hơn trong việc chăm sóc sức khỏe bản thân. Đặc biệt nên lưu ý một số vấn đề sau:

Chế độ ăn uống cân bằng

Rất nhiều phụ nữ bị tăng cân trong quá trình tiền mãn kinh. Tuy nhiên, nhịn ăn không phải phương pháp hiệu quả để giữ cân trong độ tuổi này. Các chị em phụ nữ cần có một chế độ ăn uống cân bằng và đầy đủ calci (1000 - 1200mg/ngày, tốt nhất là được bổ sung trước tuổi 35).

Nên có chế độ ăn uống cần giàu đạm, calci, vitamin D, ít đường, nhiều rau quả, đặc biệt là các sản phẩm từ đậu nành, do có chứa nội tiết tố estrogen tự nhiên. Các thức ăn có nhiều calci bao gồm: Sữa không béo, cá, tôm, cua… Các thức ăn giàu vitamin D như sữa, cá hồi, cá ngừ… Nên ăn chất béo có trong các loại quả, hạt (hạt hướng dương), dầu cá (các loại cá, rong biển), đậu nành, các loại rau quả họ đậu.

 

Hoạt động thể thao

Phụ nữ tuổi mãn kinh cần thường xuyên tập thể dục thể thao để duy trì sự dẻo dai của hệ cơ xương và giúp máu lưu thông khắp cơ thể, duy trì vóc dáng gọn gàng, tinh thần minh mẫn, lạc quan. Nên lựa chọn các bài tập thể dục phù hợp với tuổi tác và tình trạng sức khỏe của cơ thể. Các hoạt động phù hợp nhất là đi bộ, khiêu vũ, yoga, thể dục thẩm mỹ…

 

Kiểm soát tâm lý

Phụ nữ tuổi tiền mãn kinh phải đối mặt với rất nhiều thay đổi về tâm sinh lý, dễ nóng giận, tủi thân, dễ buồn chán, căng thẳng. Hãy tự tạo cho mình niềm vui bằng cách đọc sách, đi du lịch, tham gia các hoạt động giải trí và tránh để bản thân chịu quá nhiều áp lực.

Về tâm sinh lý, cần tạo cho mình có một cuộc sống với môi trường vui tươi, thoải mái, tránh những lo âu phiền muộn. Xây dựng một kế hoạch làm việc thật khoa học nhằm tạo điều kiện thuận lợi để bảo vệ sức khỏe.

 

Khám sức khỏe định kỳ

Hiện nay, nhiều bệnh viện đã triển khai dịch vụ khám sức khỏe dành riêng cho phụ nữ tuổi tiền mãn kinh và mãn kinh. Ở những phụ nữ có nguy cơ cao, tiền sử hay viêm nhiễm nên khám định kỳ 6 tháng/lần để được phát hiện và xử lý sớm các bệnh phụ khoa trong đó có ung thư. Đặc biệt sau mãn kinh, việc khám phụ khoa hàng năm cũng cần thiết hơn vì các loại ung thư cổ tử cung và ung thư niêm mạc tử cung, sau thời gian tiềm tàng thường phát bệnh ở độ tuổi này. Nếu phát hiện ở giai đoạn sớm thì việc điều trị khỏi hẳn sẽ khả quan hơn.

 

 “Nhiều chị em khi thấy có biểu hiện rối loạn tiền mãn kinh đã tự cho rằng mình không còn khả năng có thai nên không phòng tránh thai. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, chu kỳ kinh vẫn có dù thất thường, việc phóng noãn dù ít hơn và không đều nên vẫn có thể có thai ngoài ý muốn. Sau khi mất kinh từ 1 năm trở lên mới được coi là mãn kinh, an toàn chuyện thai nghén. Tuy nhiên, vẫn có thể có trường hợp ngoại lệ”.

BS CKII Trần Thị Tuyết Lan - Nguyên Trưởng khoa Sản II, Bệnh viện Phụ sản Trung ương.

linhly
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Phụ khoa