Biến đổi khí hậu và "cánh cửa đang dần đóng lại" đối với loài người

Lời cảnh báo "chưa từng có tiền lệ" đối với hàng tỷ người trên Trái Đất về sự nóng lên toàn cầu.

Trái Đất nóng lên, Việt Nam cần làm gì ứng phó với biến đổi khí hậu?

WHO: Sức khỏe phải là cốt lõi trong đàm phán về biến đổi khí hậu

Diễn biến thời tiết bất thường ở khắp nơi trên thế giới

Liên Hợp Quốc: Thế giới sẽ nóng chưa từng thấy trong giai đoạn 2023 - 2027

Theo CNN, nghiên cứu mới của Đại học Exeter (Anh) công bố trên Tạp chí Nature Sustainability đã đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đối với con người nếu thế giới tiếp tục đi theo quỹ đạo dự kiến với nhiệt độ trung bình toàn cầu đang trên đà tăng 2,7 độ C vào cuối thế kỷ này, so với nhiệt độ thời kỳ tiền công nghiệp. Mức tăng này cao gần gấp đôi so với giới hạn 1,5 độ C mà Liên Hợp Quốc đặt ra để tránh "thảm họa khí hậu".

Tính đến cả sự nóng lên toàn cầu dự kiến và sự gia tăng dân số, nghiên cứu cho thấy đến năm 2030, khoảng 2 tỷ người sẽ ở bên ngoài vùng "khí hậu thích hợp", đối mặt với nhiệt độ trung bình từ 29 độ C trở lên, đẩy con người khỏi giới hạn chịu đựng và phát triển bình thường, vốn ở mức 13 - 25 độ C. Nếu tình trạng không được cải thiện, đến năm 2090, số người ảnh hưởng sẽ tăng lên hơn 3,7 tỷ người.

Timothy Lenton, một trong hai tác giả chính của nghiên cứu, nói rằng 1/3 dân số toàn cầu có thể thấy mình đang sống trong điều kiện khí hậu không hỗ trợ “sự hưng thịnh của loài người”, theo CNN.

“Đó là sự định hình lại sâu sắc về khả năng sinh sống trên bề mặt hành tinh và nó có thể dẫn đến việc tổ chức lại quy mô lớn nơi con người sinh sống” - GS Timothy Lenton, Giám đốc Viện Hệ thống Toàn cầu tại Đại học Exeter cho biết.

Nghiên cứu cũng xác định rằng, mặc dù chưa đến 1% dân số toàn cầu hiện đang tiếp xúc với nhiệt độ nguy hiểm, với nhiệt độ trung bình từ 29 độ C trở lên, nhưng biến đổi khí hậu đã khiến hơn 600 triệu người phải đối mặt với tình trạng khó khăn.

Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đối với sức khỏe con người, Giáo sư Chi Xu, tại Đại học Nam Kinh (Trung Quốc), đồng thời là thành viên của nhóm nghiên cứu, chia sẻ: "Nhiệt độ cao như vậy có liên quan đến các vấn đề bao gồm tăng tỷ lệ tử vong, giảm năng suất lao động, giảm hiệu suất nhận thức, học tập kém, ảnh hưởng tiêu cực, khả năng mang thai, giảm năng suất cây trồng, gia tăng xung đột và lây lan bệnh truyền nhiễm", theo The Guardian.

Ý tưởng về các môi trường khí hậu thích hợp cho động vật và thực vật hoang dã đã có từ lâu nhưng nghiên cứu mới này đã xác định các điều kiện khí hậu mà xã hội loài người đã phát triển mạnh.

Nó cho thấy hầu hết mọi người sống ở những nơi có nhiệt độ trung bình hàng năm dao động trong khoảng 13-25 độ C. Các điều kiện bên ngoài quá nóng, quá lạnh hoặc quá khô có liên quan đến tỷ lệ tử vong cao hơn, sản lượng lương thực thấp hơn và tăng trưởng kinh tế thấp hơn. Bên cạnh đó, tiếp xúc quá lâu với nhiệt độ trên 40 độ C có thể gây chết người, đặc biệt nếu độ ẩm quá cao, cơ thể không còn có thể tự làm mát để duy trì các chức năng bình thường.

Nghiên cứu trên là phân tích đầu tiên về nóng lên toàn cầu ở mức độ này và và áp dụng cho mọi người dân, không giống như các đánh giá kinh tế trước đây về thiệt hại của khủng hoảng khí hậu vốn thiên về người giàu.

Lòng hồ khô cạn do hạn hán tại làng Bandai, huyện Pali, Ấn Độ, ngày 11/5/2022 - Ảnh: AFP

Lòng hồ khô cạn do hạn hán tại làng Bandai, huyện Pali, Ấn Độ, ngày 11/5/2022 - Ảnh: AFP

Ở các quốc gia có dân số đông và khí hậu ấm áp, hầu hết người dân sẽ bị đẩy ra ngoài môi trường khí hậu thích hợp của con người, Ấn Độ và Nigeria phải đối mặt với những thay đổi tồi tệ nhất.

Ấn Độ đã phải hứng chịu những đợt nắng nóng khắc nghiệt. Một nghiên cứu gần đây cho thấy, hơn một 1/3 số ca tử vong liên quan đến nắng nóng vào mùa Hè từ năm 1991-2018 xảy ra do hậu quả trực tiếp của quá trình nóng lên toàn cầu do con người gây ra.

Theo CNN, nghiên cứu cũng chỉ ra, nếu Trái đất nóng lên 2,7 độ C, Ấn Độ, Nigeria, Indonesia, Philippines và Pakistan sẽ là 5 quốc gia hàng đầu có dân số tiếp xúc nhiều nhất với mức nhiệt nguy hiểm. Toàn bộ dân số của một số quốc gia, chẳng hạn như Burkina Faso và Mali (2 quốc gia ở Tây Phi), cũng như các hòn đảo nhỏ đang gặp rủi ro do mực nước biển dâng cao, sẽ phải đối mặt với nhiệt độ cao chưa từng có.

Trong trường hợp xấu nhất, nếu Trái Đất nóng lên 3,6 hoặc thậm chí 4,4 độ C vào cuối thế kỷ này, một nửa dân số thế giới sẽ nằm ngoài vùng "khí hậu thích hợp", tạo thành cái mà báo cáo gọi là “rủi ro hiện hữu”.

"Cánh cửa đang dần đóng lại"

Nhiệt độ toàn cầu tăng cao trong những năm gần đây đã gây ra những cơn bão và lũ lụt có sức hủy diệt lớn, tần suất những đợt sóng nhiệt khiến cháy rừng và hạn hán chết người ngày càng nhiều - Ảnh: AFP

Nhiệt độ toàn cầu tăng cao trong những năm gần đây đã gây ra những cơn bão và lũ lụt có sức hủy diệt lớn, tần suất những đợt sóng nhiệt khiến cháy rừng và hạn hán chết người ngày càng nhiều - Ảnh: AFP

Từ lâu các nhà khoa học đã cảnh báo rằng sự nóng lên toàn cầu vượt quá 1,5 độ C sẽ dẫn đến những thay đổi thảm khốc và có khả năng không thể đảo ngược. Khi các khu vực trong vùng khí hậu bị thu hẹp lại với nhiệt độ toàn cầu tăng lên, một bộ phận dân số lớn hơn cũng sẽ thường xuyên phải đối mặt với các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt hơn bao gồm hạn hán, bão, cháy rừng và sóng nhiệt.

Các chuyên gia cho rằng vẫn còn thời gian để làm chậm tốc độ nóng lên toàn cầu bằng cách hạn chế đốt nhiên liệu hóa thạch và hướng tới năng lượng sạch, song "cánh cửa đang dần đóng lại".

Theo GS Timothy Lenton, mỗi sự thay đổi nhỏ của nhiệt độ toàn cầu có thể tạo ra sự khác biệt. "Cứ mỗi 0,1 độ C nóng lên trên mức hiện tại, sẽ có thêm khoảng 140 triệu người tiếp xúc với nhiệt độ nguy hiểm.” - ông Lenton cảnh báo.

Đầu tháng này, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) đã thông báo rằng, trong vòng 5 năm tới, có 66% khả năng nhiệt độ của hành tinh sẽ tăng hơn 1,5 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp trong ít nhất một năm.

“Chúng ta đã để quá muộn để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu một cách đúng đắn. Hiện tại thế giới đang ở thời điểm mà để đạt được tốc độ thay đổi mà chúng ta cần, có nghĩa là phải tăng gấp 5 lần tốc độ giảm phát thải khí nhà kính hoặc quá trình khử carbon của nền kinh tế toàn cầu,” GS Lenton nói.

 
Hiệp Nguyễn (Theo CNN/The Guardian)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Sức khỏe môi trường