Thêm 5 người ở Châu Phi tử vong do nhiễm virus Marburg

Sau Guinea Xích đạo, Tanzania trở thành quốc gia thứ 2 ở Châu Phi xác nhận về sự bùng phát dịch bệnh do virus Marbug - Ảnh: Al Jazeera.

Virus Marburg: Những lần xuất hiện và nguy cơ xảy ra tại Việt Nam?

Thêm quốc gia Châu Phi phát hiện ca nghi nhiễm virus Marburg

9 trường hợp tử vong do virus Marburg, WHO tiến hành họp khẩn

Bệnh do virus Marburg: Triệu chứng, nguyên nhân, điều trị thế nào?

Theo The Guardian, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, ngày 21/3, phòng thí nghiệm công cộng quốc gia của Tanzania vừa xác nhận về sự xuất hiện của căn bệnh Marburg tại đất nước này sau cái chết của 5 trong số 8 người ở vùng Kagera phía Tây Bắc Tanzania với các triệu chứng bao gồm sốt, nôn mửa, chảy máu và suy thận.

WHO xác định, trong số 5 người thiệt mạng có 1 nhân viên y tế, 3 bệnh nhân còn lại đang được điều trị tại bệnh viện. Khoảng 161 người có tiếp xúc đang được theo dõi nguy cơ bị nhiễm bệnh. Hiện tại, không trường hợp nào được báo cáo bên ngoài vùng Kagera.

Matshidiso Moeti, Giám đốc khu vực Châu Phi của WHO cho biết: "Chúng tôi đang làm việc với chính phủ để nhanh chóng tăng cường các biện pháp kiểm soát nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus và chấm dứt đợt bùng phát càng sớm càng tốt". theo Reuters.

Marburg thuộc họ Filovirus, là loại virus gây xuất huyết nguy hiểm, có khả năng lây nhiễm cao tương tự virus Ebola. Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Châu Phi, virus này có thể lây truyền từ động vật sang người qua loài dơi ăn quả bị nhiễm bệnh, sau đó lây từ người này sang người khác qua chất dịch cơ thể hoặc đồ vật dính dịch tiết.

Theo WHO, tỷ lệ tử vong do nhiễm virus Marburg dao động từ 24% đến 88% trong các đợt bùng phát trước đây, tùy thuộc vào chủng virus và cách kiểm soát bệnh. Với thời gian ủ bệnh lên đến 21 ngày, Marburg gây triệu chứng sốt, buồn nôn, phát ban khi mới bắt đầu, sau đó đến vàng da và sụt cân nghiêm trọng khi bệnh tiến triển.

Hiện chưa có vaccine hoặc phương pháp điều trị bằng thuốc kháng virus, nhưng các phương pháp điều trị tiềm năng, bao gồm các chế phẩm từ máu, liệu pháp miễn dịch và điều trị bằng thuốc, cũng như các loại vaccine thử nghiệm ban đầu đang được đánh giá.

Trước đó, WHO đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp vào ngày 14/2 để đối phó với sự bùng phát của Marburg sau cái chết của ít nhất 9 người nhiễm virus này ở Guinea Xích đạo

Bệnh do virus Marburg được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1967 tại Marburg và Frankfurt ở Đức và Belgrade, Serbia. Trong quá khứ, virus Marburg gây ra một số đợt bùng phát kể từ khi được phát hiện, tồi tệ nhất là ở Angola vào năm 2004-2005, nơi có 252 người mắc bệnh và 227 trường hợp tử vong.

Bộ Y tế Việt Nam lần đầu đề nghị giám sát người nhập cảnh sau COVID-19

Bộ Y tế đề nghị giám sát chặt người nhập cảnh từ vùng dịch để phòng, chống dịch bệnh Marburg - Ảnh: HNM

Bộ Y tế đề nghị giám sát chặt người nhập cảnh từ vùng dịch để phòng, chống dịch bệnh Marburg - Ảnh: HNM

Trước diễn biến phức tạp của bệnh do virus Marburg tại các nước Châu Phi, mới đây, Bộ Y tế vừa có Công văn số 1452/BYT-DP về việc tăng cường giám sát, phòng chống dịch bệnh Marburg gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur.

Đây là lần đầu tiên Bộ Y tế ra văn bản chính thức đề nghị giám sát người nhập cảnh đi về từ vùng dịch tễ kể từ sau đại dịch COVID-19.

Theo đó, để chủ động phòng, chống dịch bệnh Marburg, không để lan truyền vào Việt Nam, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo tăng cường giám sát chặt chẽ người nhập cảnh, tại cộng đồng và cơ sở y tế nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, từ đó, điều tra dịch tễ.

"Lưu ý những người nhập cảnh từ các quốc gia có dịch ở khu vực Châu Phi trong vòng 21 ngày", Bộ Y tế nêu rõ.

Ngoài ra, Sở Y tế các địa phương cần phối hợp với các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur lấy mẫu để xét nghiệm chẩn đoán. Nếu có ca bệnh, cần quản lý và xử lý không để bệnh lây lan ra cộng đồng.

Bộ Y tế cũng lưu ý, thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng hộ cá nhân đối với nhân viên y tế và người tiếp xúc với các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, không để lây nhiễm cho nhân viên y tế cũng như lây lan trong cộng đồng.

Bên cạnh đó, ngay sau đề nghị của Bộ Y tế, Sở Y tế TP.HCM và Bệnh viện Chợ Rẫy, cơ sở y tế tuyến Trung ương lớn nhất phía Nam, đã ban hành quy trình giám sát, phát hiện và cách ly người nghi ngờ mắc virus Marburg. Cụ thể, Sở Y tế TP.HCM đã lên phương án tổ chức giám sát, phát hiện sớm, chuẩn bị nhân lực, vật lực sẵn sàng tiếp nhận, điều trị như thường xuyên giám sát các chuyến bay đến từ các quốc gia có ghi nhận ca mắc bệnh do virus Marburg, phát thông báo sàng lọc các trường hợp nghi nhiễm cho các bệnh viện, tập huấn nhân viên y tế và truyền tải thông điệp phòng bệnh cho người dân...

Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, đơn vị tuyến cuối Trung ương ở phía Nam có khả năng lớn tiếp nhận các ca bệnh do virus Marburg, đơn vị đã ngay lập tức kích hoạt quy trình giám sát, phát hiện sớm và phòng ngừa lây lan bệnh do virus Marburg trong toàn thể bệnh viện. 

 
Hiệp Nguyễn (Theo The Guardian/Reuters)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin