Vì sao Liên Hợp Quốc coi biến đổi khí hậu như một vấn đề sức khỏe toàn cầu?

Hội nghị về Biến đổi khí hậu COP28 sẽ diễn ra từ ngày 30/11-12/12 tại thành phố Dubai - Ảnh: ET HealthWorld.

5 vấn đề Liên hợp quốc cần giải quyết để cải thiện sức khỏe toàn cầu

Liên Hợp Quốc: Nắng nóng đe dọa nghiêm trọng sức khỏe trẻ em toàn cầu

Liên Hợp Quốc: Thế giới sẽ nóng chưa từng thấy trong giai đoạn 2023 - 2027

Nỗ lực chống biến đổi khí hậu tại COP27: "Dậm chân tại chỗ"

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), điều này cũng không quá ngạc nhiên khi xét đến các sự kiện thời tiết cực đoan do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trong 2 năm qua đã khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng trên khắp thế giới và gây thiệt hại về kinh tế toàn cầu hàng tỷ USD.

Thế giới có xu hướng nhìn biến đổi khí hậu qua lăng kính tổn thất tiền tệ do thiệt hại qua các cơn bão thảm khốc hoặc cháy rừng ngoài tầm kiểm soát gây ra. Nhưng theo các nhà khoa học, những tác động nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu còn ở phía trước với những mối nguy hiểm to lớn đối với cuộc sống và sức khỏe mà chúng ta sẽ phải đối mặt trong một tương lai không xa.

Mối nguy hiểm từ biến đổi khí hậu thực sự hiện hữu nếu xét đến số lượng người tử vong mà nó đã gây ra. Ngày càng có nhiều bằng chứng về những mối đe dọa này đối với sức khỏe cộng đồng cho thấy, vấn đề này cần phải được chuyển thành chính sách và hành động cụ thể, tập trung vào nhu cầu về khả năng khắc phục hậu quả và khả năng giảm thiểu tác động tiêu cực từ sự nóng lên toàn cầu.

Theo kế hoạch, Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu (COP28) sẽ diễn ra từ ngày ngày 30/11-12/12 tới tại thành phố Dubai của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).

Các nhà lãnh đạo sẽ đưa ra đánh giá chính thức đầu tiên về tiến trình thực hiện các cam kết theo Hiệp định Paris về Biến đổi Khí hậu năm 2015, đồng thời đề xuất những biện pháp đẩy nhanh việc đạt được những mục tiêu đề ra.

Gánh nặng không đồng đều

Trận lũ lụt lịch sử năm 2022 ở Pakistan ảnh hưởng tới 33 triệu người dân, một nửa trong số đó là trẻ em - Ảnh: Getty Images

Trận lũ lụt lịch sử năm 2022 ở Pakistan ảnh hưởng tới 33 triệu người dân, một nửa trong số đó là trẻ em - Ảnh: Getty Images

Khó khăn trong hoạt động đánh giá tác động đối với sức khỏe cộng đồng là thực tế, biến đổi khí hậu sẽ không ảnh hưởng như nhau đến các khu vực. Sự phân bổ số người chết, thiệt hại kinh tế chủ yếu rơi vào nhóm dân số nghèo và dễ bị tổn thương nhất - một thực tế đặc biệt bi thảm và trớ trêu là nhóm dân số này lại thải ra ít khí thải nhà kính nhất. 

Trong khi đó, danh sách các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu chủ yếu là các quốc gia Châu Phi, nơi đã phải chịu đựng những sự thay đổi thời tiết khắc nghiệt hàng năm với nhiệt độ tăng cao và lượng mưa không đủ, đồng thời hứng chịu những trận mưa lớn dẫn đến lũ lụt. Tuy nhiên, lục địa này chỉ chiếm 4% lượng khí thải toàn cầu.

Như ở Nam Sudan, nhiệt độ của quốc gia này đang tăng gấp 2,5 lần mức trung bình toàn cầu. Điều này đã dẫn đến các hiện tượng thời tiết cực đoan, bao gồm lũ lụt 4 năm liên tiếp ở một nửa đất nước và nhiều năm không đủ lượng mưa ở nửa còn lại. Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) của Liên Hợp Quốc ước tính rằng, 64% trong số 12 triệu người dân Nam Sudan đang phải chịu nạn đói trầm trọng do những tác động kép này.

Tuy nhiên, việc ứng phó biến đổi khí hậu không chỉ dừng lại ở một khu vực. Thực tế cho thấy, các cộng đồng trên toàn thế giới đang phải đối mặt với một loạt các mối đe dọa - từ hạn hán đến lũ lụt, bão nhiệt đới nghiêm trọng và mực nước biển dâng cao cho đến các đợt nắng nóng kéo dài và cháy rừng.

Mối đe dọa từ "khô và ướt"

Một cậu bé đang hứng lượng nước còn ít ỏi từ một dòng sông khô cạn do đợt hạn hán nghiêm trọng ở Somalia - Ảnh: UNICEF

Một cậu bé đang hứng lượng nước còn ít ỏi từ một dòng sông khô cạn do đợt hạn hán nghiêm trọng ở Somalia - Ảnh: UNICEF

Hãy bắt đầu từ hạn hán. Một trong những hiện tượng thời tiết liên quan đến khí hậu đe dọa tính mạng nhất, hạn hán tiến triển chậm so với lũ lụt, bão và cháy rừng. Tuy nhiên, nó vẫn dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng ở mức độ cao hơn, gây chậm tăng trưởng và phát triển ở trẻ em, đồng thời dẫn đến hàng loạt các bệnh truyền nhiễm.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 55 triệu người mỗi năm phải đối mặt với tình trạng hạn hán và 40% dân số thế giới phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước. Ước tính khoảng 700 triệu người có nguy cơ phải di dời do hạn hán vào năm 2030.

Trong khi hạn hán dẫn đến thiếu nước trầm trọng thì lũ lụt lại liên quan đến tình trạng "quá nhiều nước", nhưng tác động của chúng đối với sức khỏe cộng đồng lại không khác nhau là mấy. Cả 2 hiện tượng thời tiết cực đoan này đều gây phá hủy nguồn lương thực, nước cũng như cây trồng, vật nuôi và sinh kế của khu vực. Năm 2022, Parkistan phải hứng chịu một đợt mùa gió mùa khắc nghiệt – dẫn đến lũ lụt ảnh hưởng tới 33 triệu người dân, một nửa trong số đó là trẻ em. Hơn 5 triệu người buộc phải sử dụng nước giếng, suối bị ô nhiễm. Một năm sau đó, cả nước vẫn còn gần 15 triệu người bị đói trầm trọng.

Theo WHO, các bệnh do vector truyền - những bệnh do các sinh vật mang theo mầm bệnh như: muỗi, ve, bọ chét..., chiếm tới 17% số bệnh truyền nhiễm và khiến hơn 700.000 người tử vong mỗi năm. Các kiểu khí hậu và thời tiết khắc nghiệt như: hạn hán, sóng nhiệt, lũ lụt và lượng mưa tăng cao đã khiến kéo dài mùa sinh sản và mở rộng lãnh thổ của các loài sinh vật trung gian truyền bệnh.

Điều này có nghĩa là biến đổi khí hậu có thể giúp lây lan các loại virus như: sốt rét và sốt xuất huyết ở mức độ cao hơn và khiến nhiều người bị nhiễm bệnh hơn. Một nghiên cứu năm 2019 cho thấy, đến năm 2050, hai loài muỗi truyền bệnh chính sẽ mở rộng đáng kể phạm vi hoạt động của chúng, gây ra mối đe dọa cho 49% dân số thế giới.

Năm "tồi tệ nhất" được ghi nhận

Một tác động lớn khác từ biến đổi khí hậu là sự gia tăng dữ dội của các cơn bão trên toàn thế giới. Tần suất, thời gian và mức độ nghiêm trọng của các cơn bão nhiệt đới dự kiến sẽ tăng cường khi nhiệt độ đại dương tăng lên. Đã có 3 cơn bão cấp 3 trở lên vào năm 2023, khiến năm nay chính thức trở thành năm "tồi tệ nhất" được ghi nhận đối với các sự kiện thời tiết gây ra thiệt hại về kinh tế toàn cầu hàng tỷ USD.

Bên cạnh sự tàn phá to lớn về tài sản, thiệt hại về người và vật nuôi, cháy rừng trên toàn thế giới cũng đang làm trầm trọng thêm tình trạng ô nhiễm không khí, từ đó làm trầm trọng thêm các bệnh về đường hô hấp cũng như bệnh tim mạch. nghiên cứu cho thấy, ô nhiễm không khí sẽ dẫn đến 6 - 9 triệu ca tử vong sớm mỗi năm vào năm 2060 và tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch liên quan đến nhiệt có thể tăng tới 50%.

Cuối cùng, mọi thảm họa liên quan đến khí hậu đều có thể tạo ra cảm giác lo lắng, mất mát, bất lực khi đối đầu với những "thế lực" không thể kiểm soát của thiên nhiên, dẫn đến trầm cảm, lạm dụng rượu, ma túy và rối loạn căng thẳng sau chấn thương.

Vì những lý do này, WHO dự đoán tỷ lệ mắc bệnh tâm thần sẽ tăng nhanh do biến đổi khí hậu, với chi phí dự kiến là 6 nghìn tỷ USD vào năm 2030 để trang trải cho việc điều trị và tổn thất .

 

Việt Nam tham gia Liên minh hành động về Biến đổi khí hậu và Sức khỏe (ATACH)

Tại cuộc họp nhóm đối tác về biến đổi khí hậu và sức khỏe do Bộ Y tế tổ chức ngày 17/11 với sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Liên minh Châu Âu, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, vào tháng 10/2023, Bộ Y tế đã đăng ký tham gia Liên minh hành động về Biến đổi khí hậu và Sức khỏe (ATACH), cho thấy mong muốn của Việt Nam được cùng với các quốc gia trên thế giới trao đổi, chia sẻ và cam kết thực hiện các sáng kiến về biến đổi khí hậu và sức khỏe.

Bộ Y tế Việt Nam cũng đã ban hành Kế hoạch ứng phó với Biến đổi khí hậu của ngành y tế giai đoạn 2019 – 2030, tầm nhìn 2050, trong đó gồm các giải pháp và hoạt động thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu. Ngoài ra, với sự hỗ trợ của WHO, Bộ Y tế đã thí điểm các mô hình cơ sở chăm sóc sức khỏe có khả năng thích ứng với khí hậu và bền vững với môi trường, đảm bảo các cơ sở này có khả năng chống chọi với biến đổi khí hậu.

Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam bày tỏ đánh giá cao Bộ Y tế vì hành động mạnh mẽ đang thực hiện để giải quyết các tác động của biến đổi khí hậu đối với sức khỏe. WHO mong muốn tiếp tục hợp tác với Bộ Y tế Việt Nam và các đối tác khác nhằm xây dựng một hệ thống y tế ở Việt Nam có khả năng chống chịu khí hậu và bền vững môi trường hơn, bao gồm thông qua hỗ trợ ngành y tế giảm lượng khí thải carbon và dấu chân môi trường của chính mình.

Hiệp Nguyễn
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Sức khỏe môi trường