Hà Nội: Dịch sốt xuất huyết có thể đạt đỉnh vào cuối năm

Hà Nội thực hiện phun hóa chất diện rộng phòng sốt xuất huyết.

Những điều sinh viên nên làm để phòng bệnh sốt xuất huyết

Thực phẩm cần tránh khi mắc sốt xuất huyết

Người mắc sốt xuất huyết ăn gì để nhanh hồi phục?

Biến chứng giảm tiểu cầu nguy hiểm do sốt xuất huyết

Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, cộng dồn từ đầu năm 2022 đến ngày 11/11, thành phố đã ghi nhận 12.059 ca mắc sốt xuất huyết, 12 ca tử vong. Số ca mắc tăng gấp 3,8 lần cùng kỳ năm 2021 (3.130 ca mắc, 0 ca tử vong).

Dự báo, tình hình dịch sốt xuất huyết vẫn còn diễn biến phức tạp, số ca mắc vẫn gia tăng trong thời gian tới, đỉnh điểm sẽ rơi vào tháng 11, 12 cuối năm - bởi đây là thời điểm điều kiện khí hậu phù hợp cho sự phát triển của muỗi truyền bệnh và việc di biến động dân cư trên địa bàn thành phố.

Đoàn kiểm tra phòng, chống sốt xuất huyết tại hộ gia đình trên địa bàn phường Hoàng Liệt (Hoàng Mai).

Đoàn kiểm tra phòng, chống sốt xuất huyết tại hộ gia đình trên địa bàn phường Hoàng Liệt (Hoàng Mai).

Chính vì vậy, người dân cần tiếp tục nâng cao ý thức của bản thân đối với cộng đồng; chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết, trong đó thực hiện tốt công tác phòng, chống muỗi đốt. Người dân cần chủ động tham gia thu dọn vật dụng phế thải chứa nước, nơi loăng quăng, bọ gậy, muỗi phát triển và thả cá vào bể, các dụng cụ chứa nước sinh hoạt... và phối hợp trong công tác phun hóa chất diệt muỗi phòng, chống sốt xuất huyết.

Bên cạnh đó, người dân cũng cần ngủ màn phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi... để diệt muỗi và phòng muỗi đốt.

Đặc biệt, người dân không nên tự ý điều trị sốt xuất huyết tại nhà. Bởi hiện nay, Hà Nội đang đồng thời xuất hiện các bệnh khác như cúm A/B, tình trạng đồng nhiễm khiến bệnh dễ trở nặng. Ví dụ, người đồng nhiễm cúm và sốt xuất huyết, sốt tăng lên, uống thuốc hạ sốt không bớt, tiểu cầu hạ rất nhanh. Người bệnh bị sốt cao liên tục gây mất nước, dẫn đến suy thận, trở nặng.

Nếu nghi ngờ bản thân có dấu hiệu sốt xuất huyết thì nên đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

 
Việt An (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Bệnh thường gặp