Bệnh tay chân miệng do chủng virus EV71 tiếp tục diễn biến phức tạp

Chủng virus EV71 là tác nhân chính gây ra biến chứng nặng cho bệnh tay chân miệng, có thể gây tử vong ở trẻ

4 trẻ tử vong và hơn 9.000 ca mắc bệnh tay chân miệng ở phía Nam

Bộ Y tế chỉ đạo khẩn tăng cường phòng, chống bệnh tay chân miệng

Làm gì với phỏng nước tay chân miệng ở trẻ em?

Chủ động phòng bệnh tay chân miệng cho trẻ

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội), từ đầu năm 2023 đến nay đã tiếp nhận hơn 1.200 trẻ mắc bệnh tay chân miệng đến khám, với gần 500 trẻ phải nhập viện điều trị. Trong số đó có 20% - 30% trường hợp là nhiễm chủng virus Enterovirus 71 (EV71).

Tiến sĩ, BS. Nguyễn Văn Lâm - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương thông tin, tác nhân EV71 thường gây bệnh tay chân miệng nặng với nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, viêm phổi, phù phổi, suy hô hấp, suy tuần hoàn và có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), TS. Nguyễn Thanh Hùng - Giám đốc bệnh viện cho biết, tình trạng bệnh tay chân miệng tăng mạnh trong 3 tuần gần đây dù thời điểm hiện tại chưa phải vào mùa cao điểm. Đặc biệt trong đó số ca diễn tiến nặng tăng gấp 2,5 lần so với những năm trước, và đã có 4 ca tử vong.

Theo TS. Nguyễn Thanh Hùng, những năm trước phải đến tháng 8,9 bệnh tay chân miệng mới tăng, khi trẻ bắt đầu nhập học năm học mới. Nhưng năm nay đến thời điểm này bệnh đã tăng, và có thể đạt điểm đỉnh dịch trong thời gian tới. Bệnh cũng diễn tiến phức tạp. Điều đặc biệt, hầu hết các ca nhập viện đến từ các tỉnh lân cận, trong đó nhiều bé nhập viện khi tình trạng bệnh đã ở mức độ 3.

Những ngày qua, Bệnh viện đã tiếp nhận hơn 10 bé mắc bệnh tay chân miệng nặng phải thở máy, trong khi 2 tuần trước không có ca nào cần hồi sức tích cực. Ngày 21/6, Bệnh viện nhận liên tiếp 5 ca tay chân miệng rất nặng, được điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc. Ngoài ra, hơn 60 bé mức độ ít nặng hơn đang điều trị tại khoa Nhiễm - Thần kinh.

Trẻ mắc tay chân miệng điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương - Ảnh: BVCC

Trẻ mắc tay chân miệng điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương - Ảnh: BVCC

Báo cáo tại cuộc họp trực tuyến về phòng chống bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng của Bộ Y tế với 20 tỉnh khu vực phía Nam ngày 23/6, TS. Nguyễn Vũ Thượng, Phó viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM cho biết, bệnh tay chân miệng đang ghi nhận hơn 2.000 ca mắc mới ở khu vực phía Nam, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, đã có 5 ca tử vong xác định do chủng Enterovirus 71 (EV71) và 2 trường hợp tử vong khác.

Hiện thống kê dựa trên số ca mắc bệnh nặng nhập viện, còn số ca nhẹ chưa thống kê có thể cao hơn nhiều. Trong đó, số ca mắc tay chân miệng chủng EV71 chiếm ưu thế. Đặc biệt phân độ tay chân miệng hiện chưa được báo cáo rõ ràng, 81% ca bệnh ở TP.HCM chưa được phân bổ lâm sàng, gây ảnh hưởng đến đánh giá lâm sàng, xác định xu hướng bệnh tật.

Bên cạnh đó, TS. Nguyễn Vũ Thượng cho rằng dịch tăng nhanh và có thể diễn biến phức tạp do tay chân miệng thường gặp nhóm trẻ mầm non dưới 5 tuổi trong khi nhóm này còn đi học hè. Bệnh thường lây qua đường tiêu hóa ở trẻ sống cùng nhà và sinh hoạt cùng nhà trẻ. Khi số mắc tăng sẽ kéo theo số bệnh nhân nặng, theo quy luật của các bệnh truyền nhiễm.

Ngoài ra, theo BS. Thượng, có 80% người lớn mắc bệnh nhưng không có triệu chứng, đây là nguồn lây quan trọng nhưng vì không có triệu chứng nên rất dễ lây sang trẻ em. Nhiều trường hợp khác cũng mắc bệnh nhưng biểu hiện không rõ ràng. Do vậy, cần lưu ý đưa chẩn đoán quan tâm phát hiện sớm, trẻ nhập viện sớm phòng biến chứng, tử vong.

Tại Đồng Tháp, theo Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh (CDC) tỉnh Đồng Tháp, dịch tay chân miệng cũng đang diễn tiến phức tạp. Tính đến tuần 24 năm 2023, tỉnh đã ghi nhận 902 ca, trong đó ca mắc dưới 3 tuổi chiếm 68%, vừa có 1 trường hợp tử vong.

Đồng Nai cũng ghi nhận 1.694 ca mắc tay chân miệng, giảm 56,37% so với cùng kỳ 2022 (3.883 ca); không ghi nhận ca tử vong. Tuy nhiên, số ca mắc có xu hướng tăng từ đầu tháng 3, đặc biệt từ tháng 5 tăng mạnh, mỗi tuần có 200-300 ca nhập viện.

Cần phân loại bệnh để chuyển tuyến phù hợp

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương thăm bệnh nhi mắc tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM - Ảnh: BVCC

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương thăm bệnh nhi mắc tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM - Ảnh: BVCC

Chia sẻ về tình trạng bệnh tay chân miệng tăng mạnh ở TP.HCM, GS.TS.Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết thành phố và Bộ Y tế đã có những kịch bản cho tình hình hiện tại. Đối với thành phố, hay các bệnh viện, các phòng khoa đều có kế hoạch, chủ động điều trị và phối hợp với nhau. Trong trường hợp xấu, bệnh tăng nhanh vẫn có thể đáp ứng được nhu cầu điều trị cho bệnh nhân.

 

Bệnh tay chân miệng chưa có vaccine nên cách phòng bệnh hiệu quả và đơn giản là đảm bảo 3 sạch gồm ăn uống, ở, bàn tay và đồ chơi sạch. Cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng nhiều lần trong ngày, đặc biệt trước và sau khi chế biến thức ăn, cho trẻ ăn, bế ẵm, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

 

Ngay khi phát hiện trẻ có dấu hiệu loét họng, xuất hiện hồng ban, bóng nước ở lòng bàn tay, chân, mông, đầu gối, cần đưa các em đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời. Trẻ bệnh cần được nghỉ học ít nhất 10 ngày kể từ khi khởi phát.

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cũng đánh giá dịch bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng năm nay diễn biến bất thường. Bộ đã ký kế hoạch phòng chống dịch từ đầu năm và dự báo các giải pháp. Vấn đề hóa chất phòng chống dịch, CDC các tỉnh phải tham mưu cho Sở Y tế và UBND tỉnh có kế hoạch, phương tiện, hóa chất, vật tư phòng chống dịch trong năm phải 4 tại chỗ.

Bên cạnh đảm bảo trang thiết bị và vật tư hóa chất, thuốc điều trị, cần truyền thông tại cộng đồng cũng như trường học các dấu hiệu sớm của bệnh. Viện Pasteur TP HCM cùng ngành y tế phía Nam tiếp tục giám sát phòng xét nghiệm để cảnh báo và triển khai các biện pháp phòng chống kịp thời, hiệu quả.

Trước tình hình phần lớn ca bệnh đều đến từ các tỉnh lân cận, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho rằng, các bệnh viện, đặc biệt là 4 bệnh viện truyền nhiễm ở TP.HCM phải hỗ trợ và phối hợp với bệnh viện các địa phương để có phân tuyến khoa học, phù hợp. Ca bệnh ở mức độ nào thì nên chuyển lên tuyến trên, ca nào thì có thể điều trị được ở địa phương để tránh tình trạng quá tải.

Thứ trưởng cũng cho biết, Bộ Y tế đã phối hợp với các bộ ngành địa phương tham gia phòng chống dịch, tay chân miệng. Còn các cơ sở địa phương phải chủ động phòng chống bệnh, đã phân luồng, phân loại bệnh nhân, hỗ trợ bệnh nhân chuyển tuyến phù hợp.

 
Hiệp Nguyễn
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn