Bộ Y tế: Nhiều dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đe dọa bùng phát

Bộ Y tế đề nghị các địa phương bố trí kinh phí và có kế hoạch phòng chống bệnh truyền nhiễm - Ảnh: Hiệp Nguyễn/Sức Khỏe+.

Hà Nội: Dịch sốt xuất huyết có thể đạt đỉnh vào cuối năm

Số ca mắc bệnh sốt xuất huyết tăng gấp 4,9 lần so với cùng kì năm ngoái

Virus Marburg: Những lần xuất hiện và nguy cơ xảy ra tại Việt Nam?

Vaccine mRNA hứa hẹn tiềm năng chống bệnh truyền nhiễm và ung thư

Theo nhận định của Bộ Y tế, với nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao do các quốc gia đã mở cửa trở lại sau đại dịch COVID-19, cùng với thời tiết thay đổi bất thường đã làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, sởi… 

Bên cạnh đó, các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi, tái nổi cũng đang tiềm ẩn nguy cơ xâm nhập, lây lan rộng.

Trên thế giới hiện vẫn tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc, tử vong do các bệnh lây truyền từ động vật sang người, các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi tại nhiều quốc gia; một số bệnh lưu hành, bệnh có vaccine dự phòng cũng gia tăng số mắc ở nhiều nơi.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá, dịch COVID-19 vẫn là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế với mức độ nguy cơ cao trong bối cảnh đáp ứng khác nhau giữa các quốc gia. Ðến nay, thế giới đã ghi nhận khoảng 678 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 6,7 triệu ca tử vong kể từ đầu dịch.

Ngoài ra, bệnh cúm mùa hằng năm vẫn ghi nhận khoảng hơn 1 tỷ trường hợp mắc, trong đó có khoảng từ 3 đến 5 triệu ca bệnh nặng và có từ 291.000 – 646.000 trường hợp tử vong. 

Bệnh đậu mùa khỉ, bệnh viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân cũng đã xuất hiện và lây lan tại nhiều quốc gia. Ðây là các sự kiện y tế công cộng khẩn cấp toàn cầu cần quan tâm trong năm 2022.

Tại Việt Nam, đến nay cả nước ghi nhận hơn 11,5 triệu ca mắc COVID-19 và hơn 43.000 ca tử vong. Năm 2022, cả nước ghi nhận hơn 371.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết và 144 trường hợp tử vong, tăng hơn 5 lần so với năm trước và cao hơn số mắc trung bình năm các giai đoạn trước. 

Việt Nam cũng đã ghi nhận 2 trường hợp mắc đậu mùa khỉ là các trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài và 1 trường hợp dương tính với cúm A (H5N1).

Theo các chuyên gia, các bệnh truyền nhiễm mới nổi, tái nổi chủ yếu là bệnh từ động vật hoang dã lây sang người; bệnh do động vật không hoang dã, động vật nuôi trong gia đình lây sang người; bệnh xuất hiện do các vector truyền. Nguyên nhân là do ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai, lụt bão, đô thị hóa và di dân gia tăng.

Trước đó, Bộ Y tế cũng đã công bố Kế hoạch phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2023, nhận định dịch COVID-19 và các bệnh truyền nhiễm khác cơ bản vẫn đang được kiểm soát.

Giám sát bệnh truyền nhiễm nguy hiểm từ Châu Phi

Bệnh Marburg được phân loại thuộc nhóm A trong luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm của nước ta

Bệnh Marburg được phân loại thuộc nhóm A trong luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm của nước ta

Ngày 20/3, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương vừa ký văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trên cả nước và các Viện Vệ sinh dịch tễ/ Viện Pasteur về việc tăng cường giám sát phòng chống dịch bệnh Marburg.

Theo đó, Bộ Y tế yêu cầu giám sát 21 ngày với người nhập cảnh từ các nước Châu Phi đang có dịch Marburg, do bệnh có khả năng lây truyền và tỷ lệ tử vong cao.

Yêu cầu được Bộ Y tế đưa ra trong bối cảnh virus Marburg khiến 9 người ở Guinea Xích đạo tử vong và nguy cơ lây lan bệnh tại khu vực châu Phi.

"Đây là bệnh đặc biệt nguy hiểm, khả năng lây truyền và tỷ lệ tử vong 50-88%", Bộ Y tế cảnh báo thêm rằng bệnh có nguy cơ xâm nhập Việt Nam.

Marburg được xếp vào nhóm A trong Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm, cần chủ động phòng chống dịch bệnh không để lan truyền vào Việt Nam. Bệnh nhóm A được định nghĩa là những bệnh cực kỳ nguy hiểm. COVID-19 từ khi xuất hiện đến nay vẫn được xếp vào bệnh nhóm A.

Marburg là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Marburg gây ra. Bệnh có thể lây truyền từ động vật (dơi, động vật linh trưởng) sang người, lây từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết cơ thể như nước tiểu, mồ hôi, nước bọt, chất nôn, sữa mẹ, tinh dịch... Môi trường, vật dụng bị ô nhiễm bởi dịch tiết của người bệnh Marburg, cũng có thể làm trung gian lây virus cho người tiếp xúc.

Thời gian ủ bệnh của bệnh Marburg từ 2-21 ngày. Người bệnh khởi phát với các triệu chứng sốt cao, đau đầu, khó chịu, sau đó có thể xuất hiện tiêu chảy, đau bụng, chuột rút, buồn nôn, nôn, xuất huyết. Hiện bệnh chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu.

Sốt xuất huyết tăng, Bộ Y tế yêu cầu địa phương chủ động phòng chống

Số ca mắc sốt xuất huyết tăng, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương chủ động phòng chống

Số ca mắc sốt xuất huyết tăng, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương chủ động phòng chống

Bộ Y tế cho biết 2 tháng đầu năm 2023 số mắc sốt xuất huyết cả nước tăng 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2022, đặc biệt tại một số tỉnh khu vực miền Nam và miền Trung.

Trước diễn biến gia tăng ca mắc sốt xuất huyết, Bộ Y tế đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố đề nghị tích cực, chủ động phòng chống sốt xuất huyết.

Theo đó, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chủ động công tác truyền thông phòng, chống sốt xuất huyết trước, trong mùa dịch; chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thông tin đại chúng phối hợp với Sở Y tế tăng cường truyền thông phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết; phát huy vai trò của chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và người dân tích cực tham gia vào công tác phòng, chống sốt xuất huyết. Tổ chức, triển khai các chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết sâu rộng trên địa bàn.

UBND các tỉnh, thành phố giao trách nhiệm cụ thể cho các cấp chính quyền trong chỉ đạo và huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội phối hợp với ngành y tế triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng/bọ gậy đảm bảo tất cả các hộ gia đình tại vùng có dịch và có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi để tiến hành các biện pháp xử lý.

Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương chỉ đạo hệ thống y tế dự phòng triển khai giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn để phát hiện sớm và xử lý kịp thời, triệt để ổ dịch sốt xuất huyết tại địa phương theo hướng dẫn của Bộ Y tế; Tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, chỉ đạo công tác phòng, chống sốt xuất huyết tại các điểm nóng, các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch, hỗ trợ tuyến dưới trong công tác phòng, chống dịch.

 
Hiệp Nguyễn
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin