Các đại biểu chính thức phát động chiến dịch truyền thông toàn quốc "Vì một Việt Nam không gánh nặng bởi HPV" - Ảnh: MOH.
WHO bổ sung vaccine HPV ngừa ung thư cổ tử cung với 1 liều duy nhất
Lộ trình nào để xóa bỏ ung thư cổ tử cung?
Xét nghiệm nước tiểu giúp phát hiện sớm ung thư cổ tử cung
5 dấu hiệu ban đầu cảnh báo sớm bệnh ung thư cổ tử cung
Thông tin này được đưa ra tại chiến dịch truyền thông toàn quốc "Vì một Việt Nam không gánh nặng bởi HPV" do Bộ Y tế tổ chức ngày 29/3, nhằm nâng cao nhận thức, kêu gọi phòng ngừa các bệnh lý và ung thư do virus HPV gây ra.
HPV (Human Papillomavirus) là một trong những loại virus lây truyền qua đường tình dục phổ biến nhất trên thế giới, có thể dẫn đến những căn bệnh nguy hiểm như ung thư cổ tử cung, ung thư hậu môn, ung thư âm hộ, âm đạo và mụn cóc sinh dục.
Theo thống kê từ Globocan 2022, mỗi năm có khoảng 6.200 ca ung thư liên quan đến HPV tại Việt Nam, trong đó hơn 2.500 phụ nữ tử vong do ung thư cổ tử cung. Nếu không có các biện pháp can thiệp kịp thời, dự báo đến năm 2070, khoảng 200.000 phụ nữ Việt Nam sẽ tử vong do căn bệnh này.
Dù nguy hiểm, HPV lại có thể phòng ngừa hiệu quả bằng vaccine và sàng lọc định kỳ. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm vaccine HPV ở Việt Nam vẫn còn thấp, phần lớn do thiếu nhận thức và rào cản chi phí. Đây chính là lý do Bộ Y tế quyết định phát động chiến dịch truyền thông quy mô lớn, nhằm nâng cao ý thức cộng đồng và khuyến khích hành động kịp thời.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, đến nay, việc xác định nguyên nhân gây bệnh ung thư còn khó khăn. Với ung thư cổ tử cung, các nhà khoa học chứng minh nguyên nhân gây bệnh chủ yếu do nhiễm virus HPV.
Virus này lây chủ yếu qua đường tình dục. Không chỉ gây ung thư cổ tử cung, HPV còn gây ra một số bệnh ung thư khác như ung thư âm đạo, dương vật và các bệnh khác như mụn cóc sinh dục ở cả nam và nữ.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu tại lễ phát động - Ảnh: MOH
Theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, ung thư cổ tử cung là bệnh nguy hiểm hoàn toàn có thể dự phòng được bằng tiêm vaccine phòng HPV hoặc sàng lọc sớm phát hiện tình trạng nhiễm HPV và các tổn thương tiền ung thư. Các tổn thương tiền ung thư có thể điều trị khỏi hoàn toàn với các phương pháp khá đơn giản, chi phí thấp.
"Chúng ta tiêm phòng để ngăn ngừa nguy cơ phát triển bệnh, chứ không phải khi phát bệnh mới đến bệnh viện"- Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh.
Năm 2026, vaccine dự phòng ung thư cổ tử cung sẽ được đưa vào Chương trình Tiêm chủng mở rộng để tiêm miễn phí, theo Nghị quyết số 104 ngày 15/8/2022 của Chính phủ về lộ trình tăng số lượng vaccine trong Chương trình này.
Thứ trưởng Bộ Y tế kêu gọi người dân duy trì lối sống lành mạnh, chủ động dự phòng, bảo vệ sức khỏe cho cá nhân, người thân và cộng đồng. Các bậc phụ huynh có con em trong độ tuổi vị thành niên cần nhận thức rõ nguy cơ ung thư cổ tử cung và các bệnh do HPV đối với các em.
Trong khuôn khổ lễ phát động, Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe Trung ương (Bộ Y tế) và MSD Việt Nam đã ký kết hợp tác triển khai Chiến dịch truyền thông toàn quốc "Vì một Việt Nam không gánh nặng bởi HPV".
Chiến dịch sẽ tiếp tục chuỗi các hoạt động cộng đồng tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM, đồng thời mở rộng đến các khu vực nông thôn với kỳ vọng tiếp cận hơn 50.000 người, nhằm cung cấp thông tin, biện pháp dự phòng lây nhiễm HPV, sàng lọc phát hiện sớm ung thư cổ tử cung... để giảm thiểu nguy cơ sức khỏe do các chủng virus HPV gây ra.
Bình luận của bạn