Ca tử vong do COVID-19 thấp, cảnh báo nguy cơ sốt xuất huyết gia tăng

Số trẻ nhập viện vì sốt xuất huyết tại TP.HCM đang tăng cao - Ảnh: Báo Lao động

Đã đến lúc nên thay đổi quy định 5K phòng chống dịch COVID-19?

TP.HCM cảnh báo dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp

Tình hình vaccine COVID-19 sau hai năm đại dịch

Vắc-xin mRNA: Cuộc chinh phục đại dịch COVID-19 từ cái nhìn trong cuộc

Trong ngày 27/4, cả nước chỉ ghi nhận 5 ca tử vong, đây là con số thấp nhất trong gần 10 tháng qua. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 624 ca, giảm 36% so với trung bình 7 ngày trước.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 14.704 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 6 trường hợp tử vong tại Bình Dương (3), Đồng Tháp (1), Tây Ninh (1), Đồng Nai (1). Dự báo trong thời gian tới, số ca mắc sẽ có xu hướng gia tăng do đang bắt đầu vào thời điểm mùa dịch. Để chủ động triển khai các biện pháp phòng chống, không để dịch bùng phát, hạn chế tối đa số mắc và tử vong, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị phối hợp với ngành y tế triển khai chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy; Tổ chức phun hóa chất 100% các hộ gia đình thuộc khu vực ổ dịch.

Ngày 27/4, Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM đã tổ chức khám sàng lọc và điều trị cho khoảng 1.000 trẻ em chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 - thuộc chương trình Care to Rise - Yêu thương nâng bước. Chương trình được Thành Đoàn TP.HCM tổ chức triển khai từ tháng 11/2021. Tới nay, chương trình đã hỗ trợ, bảo vệ và tiếp sức cho hơn 2.345 trẻ mồ côi do đại dịch COVID-19 tại TP.HCM. Chương trình được lập ra với mục đích đảm bảo sức khỏe và sự thành công của trẻ em trong tương lai.

Bệnh viện Hữu Nghị vừa phẫu thuật cho một bệnh nhân bị thủng ống hậu môn trực tràng do nuốt vỏ thuốc. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau bụng đi ngoài phân đen và có máu tươi. Qua nội soi, các bác sỹ phát hiện trong ống hậu môn trực tràng có dị vật là một viên thuốc đường kính 3cm còn nguyên vỏ bao nhựa với các cạnh rất sắc. Qua khai thác tiền sử, cách thời điểm khám bệnh gần 2 ngày, bệnh nhân có mua thuốc về uống. Sau khi uống, bệnh nhân cảm thấy hơi vướng vướng, nghẹn nhẹ nhưng không đến nỗi quá khó chịu, có đi phân đen và ra máu. Những ngày sau bệnh nhân vẫn thấy bình thường, chỉ hơi khó chịu bụng, đi ngoài ra máu. Sau thủ thuật, người bệnh tiếp tục được thực hiện theo dõi tại bệnh viện.

Pfizer đã đệ đơn lên Cục quản lý Thuốc và Thực phẩm Mỹ (FDA) xin cấp phép sử dụng khẩn cấp liều tiêm tăng cường vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi. Động thái này diễn ra sau khi một nghiên cứu mới đây cho thấy, việc tiêm mũi tăng cường bằng vaccine Comirnaty tạo phản ứng miễn dịch mạnh mẽ ở những trẻ khỏe mạnh trong độ tuổi trên.

Theo Vtv.vn, ngày 26/4, giới chức Trung Quốc xác nhận, nước này đã ghi nhận người đầu tiên bị nhiễm chủng cúm gia cầm H3N8. Như vậy, đây là lần đầu tiêm virus cúm H3N8 lây nhiễm cho người. Theo cơ quan y tế Trung Quốc, chủng virus H3N8 trước đây được phát hiện ở những nơi khác trên thế giới ở ngựa, chó, chim và hải cẩu, nhưng chưa có trường hợp nhiễm cúm H3N8 ở người nào được báo cáo. Theo đánh giá sơ bộ của các chuyên gia, virus H3N8 lần này có nguồn gốc từ gia cầm và chưa có khả năng lây nhiễm sang người một cách hiệu quả. Ủy ban này cũng cho biết, ca lây nhiễm này chỉ là trường hợp ngẫu nhiên và "nguy cơ xảy ra dịch bệnh quy mô lớn là thấp".

 
Lê Tuyết
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin