Đã đến lúc nên thay đổi quy định 5K phòng chống dịch COVID-19?

Thông điệp 5K đã góp phần quan trọng vào thành quả chống dịch của Việt Nam suốt hơn 2 năm qua.

Tiếp tục “lá chắn” vaccine và thông điệp 5K

Phòng, chống COVID-19 giai đoạn mới, Bộ Y tế ra thông điệp 5T

Đề xuất COVID-19 là bệnh nghề nghiệp

Bộ Y tế yêu cầu "làm sạch" dữ liệu tiêm chủng trước 30/4

Theo số liệu từ Bộ Y tế, những ngày gần đây, số ca nhiễm mới SARS-CoV-2 ở Việt Nam liên tục giảm. Từ gần 200.000 ca nhiễm mới mỗi ngày, hiện nay con số này đã xuống dưới 8.000 ca/ngày vào ngày hôm qua (25/4), nhiều tỉnh thành phố đang giảm dần số ca mới. Riêng tại Hà Nội, là địa phương có số mắc dẫn đầu cả nước, cũng đã qua giai đoạn cao điểm của dịch với số ca mắc liên tục giảm nhanh từ trên 30.000 ca/ngày xuống còn dưới 1000 ca/ngày.

Với tỷ lệ bao phủ vaccine cao, đa số người dân đã được tiêm đủ 2 mũi và mũi nhắc lại, hiện tỷ lệ bệnh nhân COVID-19 nặng, tỷ lệ tử vong đã giảm rõ rệt mặc dù số mắc vẫn còn cao. Tại Hà Nội, số ca tử vong do COVID-19 từ trên 20 ca tử vong/ngày vào thời kỳ cao điểm, những ngày gần đây cũng giảm rõ rệt, có ngày không ghi nhận ca nào.

Trong bối cảnh mới, việc thích ứng với dịch COVID-19 đã “cởi mở” hơn, gần như mọi hoạt động đều đã được khôi phục trở lại như: Việc mở cửa lại hoạt động du lịch ở cả đường không, đường bộ, đường biển đảm bảo an toàn, khoa học, hiệu quả trong điều kiện bình thường mới; cho phép hàng quán hoạt động đến sau 21 giờ đêm; karaoke, spa, massage, vũ trường, quán bar, rạp chiếu phim đã hoạt động trở lại; các cơ quan, doanh nghiệp trở lại hoạt động bình thường; cho học sinh trở lại trường học…

Mặt khác, dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 đang đến rất gần. Ngành du lịch Việt Nam chắc chắn trong dịp này sẽ đón các chuyến bay đông khách hơn, nhà hàng kín người, khách sạn "full" phòng, các điểm du lịch, bãi biển đông nghẹt… Với thực tế như vậy, chúng ta không thể quy định vừa tắm biển hay ăn uống trong nhà hàng lại đeo khẩu trang, hoặc đến một khu du lịch lại bắt du khách giữ khoảng cách 2 mét, không được tập trung đông người.

Thông điệp 5K (khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tụ tập - khai báo y tế) của Bộ Y tế trong phòng, chống dịch COVID-19 được thực hiện suốt hơn 2 năm qua góp phần quan trọng vào thành quả chống dịch của Việt Nam. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhất là từ khi Việt Nam đã hoàn toàn "mở cửa", thì nhiều ý kiến cho rằng trong bối cảnh như hiện nay cần thay đổi và linh hoạt hơn trong việc thực hiện quy định 5K.

Theo TTXVN, trao đổi về ý nghĩa của quy định 5K trong tình hình hiện nay, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội cho rằng: “Về các biện pháp phòng dịch hiện nay, quan trọng nhất vẫn là ý thức phòng vệ cá nhân, trong đó: Khẩu trang, sát khuẩn là quan trọng nhất. Việc khai báo y tế là việc của giai đoạn trước, hiện chúng ta có thể bỏ qua. Bởi ngay cả trong thời kỳ cao điểm của dịch vừa qua, chúng ta cũng không tập trung vào việc truy vết nữa, nên việc khai báo là không cần thiết và không còn nhiều ý nghĩa”.

Về việc hạn chế tụ tập, theo PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, cũng cần cân đối giữa việc phát sinh ca bệnh, việc lây nhiễm với phát triển kinh tế xã hội. Về cơ bản, việc quy định hạn chế tụ tập đông người không còn phù hợp trong giai đoạn hiện nay vì sẽ ảnh hưởng đến việc học hành, kinh doanh, đi lại, khôi phục kinh tế…

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế - cho rằng việc giữ khoảng cách và không tập trung đông người tuy không còn phù hợp với phương án "thích ứng, an toàn, linh hoạt" như hiện nay nhưng vẫn nên được khuyến cáo.

"Hiện nay đã không còn xử phạt nghiêm khắc các trường hợp không đeo khẩu trang hay tụ tập đông người, vì còn tùy vào tình hình thực tế, nếu như tham gia đá bóng thì chắc chắn không thể tuân thủ 5K. Tuy nhiên, việc khuyến cáo vẫn nên thực hiện, bởi biến chủng mới rất dễ lây lan, chưa thể xem COVID-19 là bệnh lưu hành thông thường thì tuân thủ được nội dung khuyến cáo nào ta cứ nên thực hiện", ông Nga chia sẻ trên báo Tuoitre.

Chia sẻ về vấn đề này, bác sỹ Trần Văn Phúc, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội), cho rằng thông điệp 5K cần được cập nhật lại cho phù hợp với quan điểm chống dịch hiện nay. "Không nhất thiết giữ nguyên 5K như hiện nay mà có thể điều chỉnh linh hoạt theo hướng tăng cường phòng vệ cá nhân, ý thức người dân", ông Phúc nói với VnExpress.

Theo bác sỹ Phúc, khi các biện pháp kiểm dịch công cộng được giảm bớt, từng cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục cần thực hiện nghiêm bộ quy tắc kiểm soát chống nhiễm khuẩn để thu hẹp quy mô lây nhiễm.

Đánh giá diễn biến dịch trong giai đoạn hiện nay, bác sỹ Phúc cho rằng biến thể Omicron đã xâm nhập sâu trong cộng đồng, thể hiện ở số ca mắc tăng rất nhanh, gấp nhiều lần so với thời điểm Delta chiếm ưu thế. Vì vậy, các biện pháp phòng chống dịch vẫn cần được ưu tiên, tránh nguy cơ "vỡ trận" về y tế.

Việt Nam sắp bỏ khai báo y tế

Người dân khai báo y tế tại Hà Nội trong thời gian đỉnh dịch.

Người dân khai báo y tế tại Hà Nội trong thời gian đỉnh dịch.

Một trong những động thái để Việt Nam tiến tới bình thường hóa cuộc sống sau khi số ca mắc COVID-19 giảm dần, tại hội nghị sáng nay (26/4), Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, đã giao cơ quan chức năng phổ biến về việc bỏ khai báo y tế nội địa.

"Bộ Y tế cũng đã giao Cục Y tế Dự phòng và sẽ có văn bản hướng dẫn gửi tới các địa phương về vấn đề này. Qua đây, Việt Nam cũng sẽ từng bước tiến tới bình thường hóa sau dịch COVID-19", ông Long cho hay.

Đối với du khách và người từ nước ngoài, Việt Nam chỉ yêu cầu khai báo theo điều lệ quốc tế, ngoài ra không phục vụ mục đích khác. Quy định này cũng đã được công nhận bởi quốc tế.

Cũng trong ngày 26/4, tại Thông báo số 127/TB-VPCP, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương giải quyết những vấn đề vướng mắc về việc khai báo y tế khi thực hiện các thủ tục xuất nhập cảnh. Phó Thủ tướng yêu cầu chậm nhất trong ngày 26/4, Bộ Y tế ban hành hướng dẫn quy định cụ thể điều kiện y tế về phòng, chống dịch để người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam.

Trước đó, cũng có nhiều ý kiến cho rằng thông điệp 5K gồm: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung đông người - Khai báo y tế đã không còn phù hợp, theo đó sẽ chỉ giữ lại 2K gồm Khẩu trang và Khử khuẩn. 

Sau hơn 2 năm bùng phát dịch COVID-19 do các biến thể mới của SARS-CoV-2 liên tục xuất hiện, khiến quá trình lây lan nhanh hơn và mức độ nhiễm bệnh nhiều hơn so với chủng ban đầu. Đến nay, hầu hết các quốc gia đã nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, một số quốc gia Đông Nam Á đã đưa ra tiêu chí để coi COVID-19 là bệnh lưu hành như Indonesia, Thái Lan. 

Trong khi đó, Trung Quốc vẫn duy trì chiến lược "Zero COVID" và hàng loạt các biện pháp phong tỏa, cách ly và xét nghiệm quy mô lớn để ngăn chặn sự lây lan của dịch. Dịch COVID-19 đang có diễn biến phức tạp tại Thượng Hải, Hồng Kông. 

 
Hiệp Nguyễn (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn