Gợi ý 5 món ăn giải nhiệt ngày Hè tại Hà Nội

Một trong những cách giải nhiệt hữu hiệu là thưởng thức các món ăn, đồ uống mát lành - Ảnh: Sức khỏe+

Thanh mát ngày Hè với món bún ốc nguội đặc sắc của Thủ đô

Có nên uống trà chanh gừng trước khi đi ngủ?

5 món ăn nhẹ tăng cường trao đổi chất, hỗ trợ giảm cân

7 loại thực phẩm "lành mạnh" nên hạn chế trong chế độ ăn uống hàng ngày

1. Kem Tràng Tiền

Kem Tràng Tiền với nhiều hương vị vừa ngon, vừa mát lạnh, giúp bạn xua tan cái nóng mùa Hè - Ảnh: Sức khỏe+

Kem Tràng Tiền với nhiều hương vị vừa ngon, vừa mát lạnh, giúp bạn xua tan cái nóng mùa Hè - Ảnh: Sức khỏe+

Kem Tràng Tiền thành lập năm 1958. Tên gọi cũng chính là nơi đầu tiên kem được bán và sản xuất: "Tràng Tiền". Từ đó tới nay, qua bao thăng trầm cùng sự phát triển của thời đại, Kem Tràng Tiền vẫn đang tồn tại và tiếp tục phát triển tại số 35 Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội.

Vị Kem Tràng Tiền thơm mát, mềm mịn với nhiều hương vị như vị cốm nguyên hạt dẻo quẹo, kem đậu xanh thơm bùi, kem sữa béo ngậy và nhiều vị khác như socola, cacao, sầu riêng, khoai môn…

Cửa hàng rất gần phố đi bộ Hồ Gươm nên quý khách có thể kết hợp tham quan, dạo chơi và trải nghiệm vị kem mát lạnh này. Cửa hàng có ghế ngồi tại chỗ phục vụ thực khách.

2.  Thạch găng

Thạch găng là món ăn giải nhiệt hữu hiệu ngày Hè – Ảnh: Sức khỏe+

Thạch găng là món ăn giải nhiệt hữu hiệu ngày Hè – Ảnh: Sức khỏe+

Sở hữu vẻ ngoài hấp dẫn với màu xanh óng ánh, bắt mắt. Tuy nhiên món thạch này được chế biến khá đơn giản. Sử dụng nguyên liệu chính là lá găng, loại lá mọc nhiều trên các bìa rừng, đem về rửa sạch, vo hoặc chà xát thật mạnh để có được phần nước cốt lá với màu xanh, sau đó để đông.

Có một điểm thú vị là khi khi ăn thạch găng, có khi bạn chẳng cần phải nhai. Món thạch mềm mịn này khi xắn một miếng đưa vào khoang miệng sẽ trôi tuột xuống, nhiều người hay nói vui rằng: “chưa đến môi đã trôi đến cổ” cũng vì thế.

Người ta còn kết hợp thạch găng ăn kèm trong một vài món quà vặt khác như tào phớ, chè khúc bạch, chè nha đam... Nhưng dù ở trong món ăn nào thì thạch găng vẫn hoàn thành trọn vẹn cái hương vị thanh nhẹ, phảng phất đâu đó chút hương thơm của lá găng hòa cùng vị ngọt, mát của nước đường.

3. Tào phớ

Phần tào phớ sánh mịn, thơm ngậy mùi của đậu tương và lá nếp - Ảnh: Sức khỏe+

Phần tào phớ sánh mịn, thơm ngậy mùi của đậu tương và lá nếp - Ảnh: Sức khỏe+

Thực ra, tào phớ không phải là món ăn riêng có của Hà Nội, nhưng Hà Nội lại tạo cho món ăn dân giã này những nét riêng. Tào phớ của người Hà Nội là sự kết hợp của phần cái được làm từ đậu tương và phần nước làm từ đường hoa mai, chứ không có gừng, không có nước cốt dừa như miền Trung, miền Nam.

Phần cái – tào phớ - có màu trắng ngà, sánh mịn, thơm ngậy mùi của đậu tương và lá nếp.

Điểm đặc biệt nhất của tào phớ chính là phần nước đường. Nước được chưng từ đường hoa mai. Đường hoa mai đun lên cho sôi rồi để nguội, ăn đến đâu lấy đến đó chứ không pha bằng cách dùng thìa khuấy. Chính vì thế, khi thưởng thức ta vẫn còn cảm nhận được dư vị thơm ngon của mật mía.

Một điều quan trọng nữa để tạo nên hương vị đặc trưng của tào phớ chính là hoa nhài. Người bán thường ủ hoa nhài với nước đường, ủ càng lâu thì nước càng thơm.

Ngày nay, tào phờ được thêm đủ loại “topping” như thạch, trân châu, hoa quả, hạt sen…thậm chí có cả si-rô đủ vị. Nhưng tựu chung lại, dù nhiều biến tấu, những bát tào phớ mát lạnh, thơm lừng, mềm mịn vẫn là món ăn được người dân Thủ đô yêu thích mỗi độ Hè về.

Thực khánh có thể thưởng thức thạch găng cùng tào phớ ở một số địa chỉ nổi tiếng như : Nhà A6 TT Nam Đồng, quận Đống Đa; Vua Tào Phớ ở 192 Hàng Bông, Hoàn Kiếm; Tào phớ JellyBean ở số 28, Quang Trung, Hoàn Kiếm.

4. Bánh đúc nộm

Từng sợi bánh đúc quyện trong nước canh lạc và giá chần tạo nên hương vị riêng, chinh phục vị giác cả những người “sành ăn” - Ảnh: hanoimoi.vn

Từng sợi bánh đúc quyện trong nước canh lạc và giá chần tạo nên hương vị riêng, chinh phục vị giác cả những người “sành ăn” - Ảnh: hanoimoi.vn

Vào mùa Đông, người ta ưa chuộng bánh đúc nóng ăn kèm nước chấm đậm đà và hành phi nóng hổi, thơm nức. Mùa Hè ngột ngạt hơn, bát bánh đúc nộm thanh mát lại chiều lòng người hơn bao giờ hết.

Nguyên liệu chính của món ăn này là bánh đúc cắt sợi và nước canh lạc vừng, thêm chút giá chần đơn giản. Trong đó, yếu tố làm nên sự khác biệt của bánh đúc nộm nằm ở chính phần nước canh chan kèm.

Lạc vừng sau khi được rang và xay nhuyễn đem đun cùng nước giá chần, nêm nếm vừa phải để cho ra vị béo ngậy nhưng vẫn ngọt thanh. Nước thường có màu trắng đục như sữa và thơm mùi lạc, nấu xong phải để thật nguội, chan lên bánh đúc, giá chần.

Bánh đúc nộm ăn kèm với các loại rau thơm như ngổ, tía tô, rau chuối trắng…

Tô bánh đúc nguội hoàn chỉnh là sự kết hợp hoàn hảo giữa vị thanh mát của các loại rau, vị thơm bùi của lạc, vị mềm mịn của bánh đúc.

Một số quán bánh đúc nộm ngon có thể kể tới như: số 66 Hàng Bạc, số 28 Hàng Bè, số 45 Châu Long.

5. Trà chanh

Những cốc trà chanh mát lạnh luôn được lòng thực khách - Ảnh: Sức khỏe+

Những cốc trà chanh mát lạnh luôn được lòng thực khách - Ảnh: Sức khỏe+

Trà chanh chuẩn phải được pha chế bằng cách thêm nước chanh vào trà mạn, vị đắng đắng của trà hòa với vị chua của chanh và thêm chút đường dễ uống. Người bán cắt thêm những lát chanh mỏng để cốc trà đẹp và dậy vị chanh tươi hơn.

Mấy ngày Hà Nội nắng nóng, thưởng thức những cốc trà chanh đá mát lạnh, đĩa hướng dương và “tám” chuyện với bạn bè cũng là một trải nghiệm thú vị.

Bạn có thể ghé các quán trà chanh dọc khu Đào Duy Từ, khu Chợ Gạo, Nhà Thờ.

 

 

 

Đào Dung
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Tôi chia sẻ